Phân trần chuyện giá cước

Trước sự bức xúc của người dân khi giá xăng giảm rất mạnh nhưng cước vận tải vẫn “đứng yên”, các DN vận tải đã đưa ra nhiều lý do để giải thích.
Phân trần chuyện giá cước Xây dựng phương án giá cước vận tải phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu
Phân trần chuyện giá cước Giá xăng dầu và cước vận tải có thuận chiều?
Phân trần chuyện giá cước
Các hãng taxi cam kết trong 1 - 2 ngày tới họ sẽ giảm giá cước

Trước sức ép của dư luận, mới đây các hãng taxi đang hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh đã cam kết trong 1 - 2 ngày tới sẽ giảm giá cước từ 300 - 600 đồng/km. Còn tại Hà Nội, đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho biết đã có phương án giảm giá 300 đồng/km.

Song, để phân trần cho lời cáo buộc “chây ì” hay “cố tình” không chịu giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm sâu, các DN vận tải đã đưa ra rất nhiều lý do. Một trong số đó là thủ tục rườm rà, nhiêu khê khiến DN tốn nhiều chi phí khi muốn điều chỉnh giá cước.

Bên cạnh đó, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh, cho biết, DN taxi không muốn tăng hay giảm giá cước vì mỗi lần điều chỉnh khá tốn kém. Dẫn chứng điều này, ông Hỷ cho biết, DN phải chịu phí kiểm định đồng hồ khi điều chỉnh giá là 105.000 đồng mỗi xe, DN có 6.000 xe mất chi phí gần 700 triệu đồng.

Còn ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho biết, mỗi lần thay đổi giá cước là DN phải chi phí khoảng 500.000 đồng cho mỗi đầu xe để dừng hoạt động, tiền in ấn, kiểm định lại đồng hồ. Ông còn tính toán, đối với DN có từ vài trăm xe đến hàng nghìn xe, sau mỗi đợt điều chỉnh giá, sẽ mất chừng 1 - 2 tỷ đồng, còn DN nhỏ có vài chục xe thì mất chi phí từ 100-200 triệu đồng.

Đặc biệt, ông Bình nhấn mạnh, mặc dù các DN vận tải taxi đã quyết định sẽ giảm 300 đồng/km, song nhanh nhất cũng phải mất 7-10 ngày thì giá cước mới mới hoàn thành. Thời gian này chủ yếu là chờ làm thủ tục, hồ sơ xin giảm giá cước nộp về Sở Tài chính Hà Nội, rồi Sở chấp thuận sau 5 ngày mới được quyền giảm giá. Nếu Sở chưa có ý kiến thì DN chưa được giảm giá.

Vì vậy, ông Bình cho rằng: “Chúng tôi đề nghị được tự kê khai tăng giảm giá cước nếu giá xăng tăng giảm 5-7% theo biên độ mà không phải xin phép, nghĩa là tăng giảm giá 300-500 đồng tùy DN để không tạo áp lực cho DN, người lao động mỗi lần điều chỉnh giá”.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng chia sẻ, hiện có nhiều DN làm ăn chân chính nhưng cũng có không ít DN chây ì giảm giá cước. Ông Thanh cho rằng, cần phải nêu tên những DN này trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về thủ tục để DN kê khai giảm giá cước đang rất phiền hà và nhiêu khê, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị, liên Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Tài chính xem xét giao việc tự chủ cho DN. Cho phép DN tự định và kẹp chì đồng hồ khi điều chỉnh cước (cơ quan quản lý Nhà nước hậu kiểm), và có thể tính toán, khi điều chỉnh cước trong một biên độ nhất định như dưới 10% thì không cần phải kê khai thông báo, ông Thanh cho biết thêm.

Song trước nhiều khó khăn mà các DN đưa ra, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, xăng dầu hiện chiếm đến 25-35% chi phí cấu thành giá cước vận tải thì dứt khoát, xăng dầu giảm thì cước vận tải phải giảm, tùy theo mức độ. Đây là nguyên tắc của cơ chế thị trường. Sắp tới, liên Bộ Tài chính và GTVT sẽ cố gắng loại bỏ những thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện tối đa cho DN, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết thêm.

Bộ GTVT cũng giao vụ Vận tải phối hợp với các hiệp hội vận tải địa phương, làm việc với cơ quan kiểm định về kẹp chì đồng hồ, theo hướng có thể để DN tự chủ, tự thẩm định, cơ quan quản lý sẽ hậu kiểm.

“Bộ GTVT sẽ cầu thị tất cả các ý kiến đóng góp của DN, hiệp hội. Vụ Vận tải sẽ tổng hợp lại các ý kiến để chuyển sang Bộ Tài chính, tiến tới trong tháng 3 sẽ ban hành Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn thực hiện cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ để việc điều chỉnh giá cước vận tải đơn giản, thuận tiện hơn”, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết.

Ông Nguyễn Hồng Trường cũng yêu cầu các Sở GTVT các tỉnh làm việc với các DN vận tải taxi và vận tải khách tuyến cố định phải thực hiện ngay việc kê khai và niêm yết giá cước vận tải và việc kê khai lại giá cước vận tải bằng xe ôtô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ để đảm bảo giá cước vận tải giảm phù hợp với giá nhiên liệu giảm.

Các Sở GTVT phải hướng dẫn cụ thể DN trong việc kê khai giá cước giảm phù hợp với giá xăng dầu, và trong tháng 2 phải công khai việc giảm giá cước vận tải ở tất cả các thành phố trên địa bàn cả nước.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/phan-tran-chuyen-gia-cuoc-45440.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.