Sương khói “Mâm xôi vàng”

Vài năm nay, mỗi khi đến mùa lúa chín vàng là lúc dân tình miền xuôi lại nô nức kéo nhau lên ngắm những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Những thửa ruộng tròn xoe trên đỉnh núi, được ví như những “mâm xôi vàng” nóng hổi sương khói vờn…

Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, nơi đây chủ yếu đồng bào người Mông, Dao và Hà Nhì sinh sống. Nền văn minh lúa nước đã có ở Việt Nam hàng ngàn năm nay. Kỹ thuật canh tác được vận dụng linh hoạt theo độ cao thấp và cắt xẻ của địa hình.

Vùng đất thấp có ruộng sâu trâu nái, vùng đất cao sau hàng ngàn đời bạt núi, lèn nền, be bờ mà hình thành ruộng bậc thang. Chỉ đơn giản là những thửa ruộng nhỏ, hẹp nằm ngang trên sườn núi từ chân tới đỉnh, nhìn từ xa như một cung điện nguy nga. Cung điện ấy chính là thiên đình và những bậc thang từ thung lũng bắc lên tận chân mây tới cửa thiên đình.

Sương khói “Mâm xôi vàng”
Chủ "mâm xôi" Hờ A Dê vất vả trông ruộng và thu tiền thiệt hại lúa

Trong quá trình khai hoang làm ruộng, hình thù những thửa ruộng được tạo nên dựa vào hình thù của thế núi mà chủ yếu là cong cánh cung hoặc uốn lượn hình chữ S. Bản Hán Xương, Cầu Ba Nhà huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái lại có một thửa ruộng tròn xoe trên đỉnh rồi từng “bậc thang” cứ như vành nón uốn quanh to dần xuống chân núi.

Một vài bức ảnh trở nên nổi tiếng khi ghi lại khoảnh khắc mùa vàng của thửa ruộng tròn xoe, thế rồi người ta gọi nó là “mâm xôi” từ lúc nào không rõ. Thửa ruộng “mâm xôi” nổi tiếng đến mức hình ảnh của nó được dùng làm ảnh bìa cho cho Lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Thửa ruộng “mâm xôi” cuốn hút đến mức bất cứ ai đến Mù Cang Chải cũng hỏi thăm đường đến nơi này. Một sáng mùa lúa chín, tôi chạy xe ngược đến đây trong sương sớm vì muốn đón ánh bình minh trên “mâm xôi vàng”. Đường qua đèo Khau Phạ - một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc nổi tiếng dài và hiểm trở. Khau Phạ có nghĩa là “Sừng Trời”, phía dưới là thung lũng Lìm Mông đang mùa lúa chín. Quả đúng danh bất hư truyền, đèo Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa chín khi vàng ruộm khắp núi đồi, mây trắng bay lững lờ trong thung lũng.

“Mâm xôi” là thửa ruộng tròn xoe nằm trong khu ruộng của chàng trai người Mông tên là Hờ A Dê. Thửa ruộng này đã có từ lâu lắm rồi, nhưng chàng trai này chăm sóc theo kỹ thuật canh tác của người Mông là không dùng dây hay thước, chỉ dùng mắt mà ngắm. Thửa ruộng ngày càng tròn dần cho đến khi ai cũng nghĩ phải dùng com pa mà xoay.

“Mâm xôi” chỉ nổi tiếng sau khi có những bức ảnh của dân săn ảnh năm nào cũng “mò” lên Mù Cang Chải mùa lúa chín. Lối đi lên “mâm xôi vàng”, vài năm nay đã có những tốp xe ôm người Mông sẵn sàng đưa khách bằng xe máy hoặc trekking. Chàng trai người Mông 25 tuổi tên Hờ A Dê đưa tôi đi và kể: Xe em phải lắp bánh xích mới đi nổi đường này anh ạ. Chiếc xích xe máy hỏng được chế thành những tầng xích ôm ngang lốp xe tạo ma sát để leo núi.

Con đường lên đó chỉ có 2km nhưng thật khủng khiếp: dốc, trơn, bùn đất sỏi đá với vực sâu hun hút bên cạnh. Cảm giác mạnh vô cùng và tim đập thình thịch mà chỉ biết phó mặc mình cho chàng trai người Mông. Tôi không dám hỏi chuyện gì mà chỉ nghĩ người Mông đi đường dốc như người Hà Nội đi trong phố thôi. Sau những cú chồm lên, xóc xuống, chàng xe ôm dừng lại và nói: anh xuống chụp ảnh đi rồi em đưa anh qua các góc khác.

Hóa ra, chàng trai người Mông này đã biết hết mọi góc chụp đẹp nhất của “mâm xôi”. Tôi nhanh chóng chụp ảnh ghi lại những khoảnh khắc “mâm xôi” trong bình minh lên, nắng le lói và mây trắng bay. Đã có một vài tay máy đến trước, cắm chân máy, lội cả xuống ruộng đang hô cho 2 mẹ con người Mông đi đi lại lại cạnh “mâm xôi”.

Theo lời dân bản địa kể lại, thực ra, chủ nhân thực sự ban đầu tạo ra thửa ruộng tròn xoe này, mục đích ban đầu cũng chỉ là để cho hợp với thế đất và cung tròn sẵn có của quả núi. Nhưng sau khi “mâm xôi” nổi tiếng, nó lại tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều người.

Ruộng bậc thang thì nhiều nơi có nhưng chỉ có Mù Cang Chải mới có “mâm xôi”, vì vậy lượng người đến đây đông hơn, các nhà nghỉ, nhà hàng theo đó cũng mọc lên. Người không khéo làm ăn thì làm xe ôm đưa khách với giá 80 nghìn một lần từ đường quốc lộ lên “mâm xôi”. Có khoảng 20 chàng xe ôm với những chiếc wave, win đã lắp sẵn bánh xích. Mỗi ngày mỗi người chỉ cần mươi lượt khách là đã thu nhập được cả triệu đồng.

Các bà và trẻ em không chạy xe ôm được thì lên làm “mẫu” cho dân nhiếp ảnh. “Mâm xôi” đã có lúa chín vàng, có mây trắng bay tự nhiên nhưng sẽ là “vô duyên” khi chỉ có vậy. Thế là phải thuê “mẫu”, thường là hai mẹ con người Mông mặc quần áo dân tộc hoặc có thêm em bé địu sau lưng bà mẹ. Mấy mẹ con cứ đi đi lại lại rìa “mâm xôi” theo tiếng hô của đội nhiếp ảnh.

“Mâm xôi” thu hút bao người từ tứ phương đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh. Nhà nghỉ, nhà hàng chật khách. Tạo ra công ăn việc làm cho cánh xe ôm, cho “mẫu” và cả bao người dân nơi đây.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/suong-khoi-mam-xoi-vang-45375.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.