![]() |
Hồ Huy Sơn |
Tập thơ mới “Rồi lẻ loi như gió” vừa công bố, là một bước tiến vững chắc của anh trong sự nghiệp. Sơn luôn tâm niệm rằng, dù bằng thơ hay văn xuôi, “tôi vẫn luôn thao thiết được kể những câu chuyện liên quan tới con người”. Phóng viên có cuộc trao đổi với anh về chuyện sáng tác và tác phẩm mới.
Viết cả hai thể loại truyện ngắn và thơ, vậy đâu là thế mạnh của Hồ Huy Sơn?
Tôi chưa bao giờ ngồi đong đếm xem, giữa thơ và truyện ngắn, đâu mới là thế mạnh của mình. Hồi còn học ở trường, cũng có người anh học khóa trên, khi biết tôi vừa viết văn và làm thơ, đã khuyên tôi nên tập trung vào một thể loại; như vậy mới “chắc ăn”.
Tôi biết đó là lời khuyên đầy chân thành nhưng thực tình là tôi đã không làm được. Bởi vì suy cho cùng, thơ hay văn xuôi, thì cũng cần phải có năng khiếu mới có thể theo đuổi được nó. Cái năng khiếu ấy, tôi nghĩ là của trời cho. Đó là lộc trời, mà đã là lộc thì cứ “bất tận hưởng” thôi!
Thực ra, với thơ hay văn xuôi, tôi thấy mỗi thể loại mang đến cho mình một phương tiện truyền tải khác nhau. Có những cảm xúc chỉ có thơ mới giúp mình giãi bày. Cũng như vậy, có những ý tưởng, đề tài thì chỉ có văn xuôi mới giúp mình cất lên tiếng nói mà mình ấp ủ. Vậy nên tôi nghĩ rằng, cùng lúc viết được hai thể loại thơ và văn xuôi, là một may mắn với mình!
Có ý kiến cho rằng, muốn nổi tiếng ở lĩnh vực nghệ thuật không khó lắm, công nghệ PR ngày nay giúp cho những cây bút “làng nhàng” cũng trở nên nổi tiếng. Còn Sơn có chia sẻ gì?
Đúng là thời nay, để nổi tiếng không khó, chừng như ai cũng có thể “vỗ ngực xưng tên” với cuộc đời. Rất nhiều phương tiện giúp họ hiện thực hóa ý định đó. Đôi lúc, chỉ vài bài thơ được like, chia sẻ nhiều trên mạng cũng khiến họ lầm tưởng rằng mình đã là người nổi tiếng. Và họ sống, hành xử như những “ngôi sao” thực sự.
Tôi không đọc tác phẩm của những cây bút nổi tiếng theo cách đó. Tại sao mình phải mất thời gian vào những cuốn sách như vậy trong khi còn có rất nhiều tác phẩm khác rất đáng để đọc và học hỏi? Tôi rất quan tâm tới tác phẩm của những cây viết trẻ, bởi ở đó mình sẽ bắt gặp sự tươi mới, những thể nghiệm, phá cách đầy mới mẻ. Và mình cũng sẽ học hỏi được từ họ không nhiều thì ít.
Với những tác phẩm như vậy, kể cả tác giả có ít tuổi hơn mình, tôi vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra mua sách và đọc một cách nghiêm túc và trân trọng. Tuy nhiên, như một đúc kết của người xưa, “đường dài mới biết ngựa hay”, tôi vẫn chờ đợi ở những cây bút mà anh gọi là “làng nhàng” sự bứt phá, một cuộc dấn thân thực sự cho văn chương.
Vậy anh có chia sẻ gì với một số “hiện tượng” thơ bán chạy trong thời gian qua? Ở thời buổi thơ in ra cực kỳ khó bán như hiện tại, thì vẫn có một vài tác giả ăn khách. Vì sao vậy?
So với thời điểm năm 2009, lúc tôi xuất bản tập thơ đầu tiên thì việc bán thơ lúc này dường như vẫn đang là công việc đầy gian nan. Tôi biết, giống như mình, có nhiều cây viết trẻ hiện nay vẫn phải tự lo kinh phí và phát hành cho tập thơ của mình. Con đường đưa tác phẩm đến với bạn đọc của họ đầy khó khăn dù thực tế, những tác phẩm ấy xứng đáng được gọi là tác phẩm văn chương đúng nghĩa, là kết quả của quá trình lao động sáng tạo nghiêm túc và đầy khổ ải.
Tôi biết, với khả năng của họ, họ hoàn toàn có thể làm ra hàng chục, thậm chí hàng trăm bài thơ mang tính “ru ngủ” bạn đọc nhưng họ đã không làm vậy mà chấp nhận lối đi hẹp, ít được nhiều người biết đến. Nhưng có lẽ, một khi đã chấp nhận như vậy thì những phù hoa bên ngoài văn chương sẽ chẳng khiến họ bận lòng. Bởi quan trọng hơn rất nhiều, họ có đam mê và được sống với đam mê ấy.
Tôi đang làm việc trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, có biết những “hiện tượng” thơ như anh vừa kể. Đúng là ở thời điểm thơ đang khó bán như hiện nay, việc một số tác phẩm thơ được bán với số lượng lớn là một điều khiến không ít người phải ngạc nhiên.
Tuy nhiên, theo tôi được biết, đa số những tác giả đó đều chưa xem văn chương là cuộc dấn thân đầy nghiêm túc; mới chỉ là cuộc chơi vui vẻ và “thắng lớn” khi tác phẩm của mình trở thành hiện tượng về số lượng bán ra. Bởi vậy, nếu những con số công bố trên báo chí là thật, tôi mừng cho họ, nhưng cũng chờ đợi ở họ những đột phá về chất lượng.
Anh đã vào TP. Hồ Chí Minh tìm việc, bươn chải đến 6 năm. Nhưng tình yêu với thơ thì không thay đổi, kể cả những ký ức về vùng quê vẫn không thay đổi. Điều đó được thể hiện trong tập thơ “Rồi lẻ loi như gió”. Anh có lo ngại viết quá nhiều về ký ức với làng quê, sẽ gây nhàm chán?
Với tập thơ thứ hai này, tôi nghĩ là mình đã có một cuộc dịch chuyển về thơ đầy rõ rệt. Nếu như ở tập thơ đầu tiên, cảm hứng về làng quê có phần “nặng” hơn thì đến tập thơ “Rồi lẻ loi như gió” lần này, hoàn toàn mang tâm thế của một người đang sống ở đô thị với những suy nghĩ, trăn trở về thời đại mà mình đang sống.
Nói như vậy không có nghĩa rằng tôi đang “rẻ rúng” đề tài làng quê. Tôi là một người viết, từ trước tới nay chưa bao giờ có chủ trương phân biệt đề tài. Bởi tôi cho rằng, với người viết, tất cả những gì liên quan đến con người đều trở thành đề tài. Nếu ai cũng đổ xô viết về thành thị, khi đó, đề tài làng quê sẽ để cho ai?
Trước khi chuyển đến sống ở các đô thị, tôi có gần 20 năm lớn lên ở quê, mỗi năm cũng cố gắng dành ra hai đợt về thăm nhà. Tôi thấy rằng, thực tế làng quê của Việt Nam đang thay đổi một cách chóng mặt, và đó chính là mảnh đất màu mỡ cho văn chương. So với một số bạn viết sinh ra ở thành thị, thì tôi cho rằng trải nghiệm ở thôn quê là một thế mạnh của mình. Bởi vậy, tôi sẽ còn viết về làng quê, cả thơ lẫn văn xuôi.
Anh có ý định chọn lựa cho mình một lối đi riêng? Nếu vậy, theo anh thế mạnh của anh là gì?
Tôi đến với văn chương, không trông chờ ở sự xưng tụng hay ngợi ca. Với tôi, có một đam mê, và được theo đuổi đam mê đã là một may mắn. Nếu không có văn chương, tôi biết chắc cuộc sống của mình sẽ rất buồn và vô nghĩa. Được sống với văn chương thêm một ngày, tôi có thêm một niềm vui mà không dễ gì đong đếm.
Lối đi riêng là lối đi như thế nào? Và đi đâu? Thực ra đó là những câu hỏi mà không riêng gì tôi mà những người viết luôn trăn trở. Đến với văn chương, dù bằng thơ hay văn xuôi, tôi vẫn luôn thao thiết được kể những câu chuyện liên quan tới con người. Bởi vì, có văn chương nào lại không lấy con người làm đối tượng? Điều tôi tâm niệm, ấy là cố gắng làm sao để những tác phẩm sau sẽ có gì đó thú vị, khác biệt với những tác phẩm trước.
Người sáng tác chuyên nghiệp nào cũng có dự định. Sau tập thơ “Rồi lẻ loi như gió”, anh có dự định gì, sẽ in tiếp thơ, truyện, hay cuốn nào khác?
Tôi đang có một bản thảo truyện dài, đang chờ kết quả từ Nhà xuất bản. Hy vọng, mọi sự hanh thông để cuốn truyện dài này sớm được ra mắt. Còn năm nay, tôi đang cảm thấy thực sự hứng thú với đề tài thiếu nhi nên sẽ tập trung vào mảng sách dành cho đối tượng này.
Cảm ơn Hồ Huy Sơn!
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ho-huy-son-chuyen-doi-chuyen-nghe-45248.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.