Một người bạn tuổi đã ngoại tứ tuần nhưng còn sung sức, vẫn đi mải miết tháng ngày hết miền xuôi lại lên miền ngược kể một câu chuyện đáng nhớ. Quà tết mà lãnh đạo xã miền núi nọ tặng nhà báo vẫn là cành đào, nhưng mua từ vườn trồng chứ không phải đào rừng chặt xuống. “Họ nói, hết đào thì mùa xuân đến còn ai lên ngắm đất này nữa?”, bạn kể và tỏ vẻ thán phục.
![]() |
Đào rừng ngày càng vơi phai nơi rừng núi |
Cành đào chơi tết ngày xưa, bà cẩn thận hun gốc cho hoa lâu tàn. Cành đào mà một chiều ba mươi nọ mẹ vội vã mua về lúc tan ca, chẳng kịp sắm chiếc bình cho vừa mà dùng tạm lọ hoa nhỏ, kê mấy quyển sách cho khỏi đổ xuống bàn đầy mứt kẹo chờ khách đến.
Cành đào mà ông từng đóng bộ comple với khăn len quanh cổ, đội mũ phớt, tay xách ba-toong nhẩn nha dạo ngắm dọc phố Hàng Lược, Hàng Rươi, rồi sắm sanh mang về đặt bên giá sách. Cành đào bố đèo con sau xe đạp, buộc vội toòng teng trước ghi-đông…
Những cành đào Tết xưa đều nhỏ nhắn, từ vài cành cắm lọ trên bàn thờ độ Tết ông Công ông Táo kéo cho đến ra Giêng, đến cành thả bình hoa bàn phòng khách cao lắm chỉ vượt đầu người ngồi. Đêm ba mươi Tết, đốt nén hương trầm thơm mải miết, quyện với hương bưởi Diễn, cam Canh và hoa thủy tiên hàm tiếu. Cả nhà quây quần bên mâm cỗ muộn tống cựu nghênh tân, đón người hợp tuổi gia chủ qua giao thừa đến xông nhà.
Cuộc sống càng trở nên hiện đại, cành đào chơi Tết như càng to ra. Một dạo, nhà nào rộng rãi lắm thì trưng chậu cây với vài cành uốn lượn thân rồng, bày trang trọng góc phòng. Cho đến gần đây, phòng khách nhà nào cũng đã chật với đồ đạc tân thời, nên thứ gì cũng phải to ra và cao lên. Giữa không gian mà tivi chiếu hình bằng người thật, những loa đài nghễu nghện, đồ đạc không còn chỗ bày biện cho tinh tế… thì cành đào, cây quất cứ phải cao đến tận trần nhà.
Cơn bão khoe khoang ngày Tết với đào, quất ngày càng lên đến đỉnh điểm. Vài năm rồi, đào rừng về ngập lối Nghi Tàm, Quảng Bá (quận Tây Hồ, Hà Nội), bày kín đoạn sông Kim Ngưu gần Minh Khai, tràn xuống nhiều khu ven đô như Hoàng Quốc Việt… Đào rừng bày bán ngày càng to, giá càng đắt. Không đắt sao được khi năm nào cũng như đốn hạ của rừng chở về xuôi thế.
Độ dăm năm trước, thương lái lên tận Yên Bái, Lào Cai… thuê người dân vác đào trên rừng xuống chỉ 50 nghìn đồng/gốc, chở về thành phố bán độ 500 nghìn đồng. Giờ thì không còn những giá đó vì rừng nào xanh lại nổi với đốn hạ tràn lan như thế, nhà nhà có xe hơi, tranh thủ ngược miền núi kiếm cành đào về đón Tết, càng làm gia tăng “chặt chém”.
Nhưng tiếc nhất là chặt đấy rồi cũng vứt đống đổ đi. Nhiều năm rồi, cành chặt không kịp ra hoa đúng Tết, chẳng ai mua, người bán vứt đống bên chỗ tập kết rác thải sinh hoạt. Thời tiết năm nay lại lạnh đột ngột, khả năng đào rừng về xuôi có lẽ nhiều cành lại không kịp khai hoa đúng độ giao thời, lại đổ đống thành rác ở miền đất lạ để chẳng kịp rộ hoa cho du khách đầu năm mới miền biên cương Tổ quốc…
Cái tinh hoa trời đất quyện trong cành đào khai hoa giao thừa xưa thì nay chỉ còn là chuyện khoe cành to tán lớn trong phòng khách nhà lắm tiền nhiều của dịp Tết. Cành đào thất thốn xưa nhỏ nhắn xinh xinh thì nay đã “lạc loài”, còn đào rừng chỉ phảng phất mùi mất mát của rừng, của núi...
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/noi-buon-dao-tet-45054.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.