Ngày xuân, về đất Tuồng

Những ngày xuân cứ thế trôi qua, đời sống thường nhật lại trở về như cũ. Và thỉnh thoảng ở đâu đó trên ruộng đồng vẫn có tiếng ai cất giọng ca tuồng “Như tui đây là Quan Vân Trường... ớ ớ”...
Ngày xuân, về đất Tuồng
Diễn tuồng tại huyện Nông Sơn tỉnh Quảng Nam

Mỗi dịp Tết đến xuân về, ở bất cứ làng quê nào nơi đầu nguồn sông Mẹ Thu Bồn cũng diễn ra những âm thanh giục giã của tiếng trống chầu và lời ca hùng hồn, vang vọng của nghệ thuật tuồng, gợi đón niềm vui háo hức của người dân sau luỹ tre làng, nhất là những cụ ông cụ bà và những người đi xa nay có dịp về thăm quê hương. Hiện nay, những tinh hoa của nghệ thuật tuồng ở xứ Quảng dường như đang mai một thì nơi đây là vùng đất còn lưu giữ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này...

Về thôn Trung Phước (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam), hỏi ông Đỗ Tám thì hầu như ai cũng biết. Bởi qua những đêm diễn tuồng mỗi khi Tết đến xuân về hay những ngày hội làng trong năm thì ông là một trong những người hăng hái nhất. Xuân này, dù đã hơn cái tuổi “thất thập” nhưng ông vẫn dành thời gian dài trong năm để sưu tầm, biên soạn những vở tuồng và tập hợp anh chị em diễn viên “làng” luyện tập phục vụ bà con.

Với vai trò là chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuồng xã Quế Trung, ông đã đi tìm người vào vai cho phù hợp với từng vở diễn được dàn dựng rất công phu như: Phạm Công Cúc Hoa, Mê Linh quật khởi, Ngoại tổ dâng đầu, Tam Nữ Đồ Vương...

Điều đáng trân trọng ở người “tổng đạo diễn” này là ông đã lưu giữ gần như nguyên vẹn những trang phục tuồng. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, chỉ với chiếc trống con, ông đã làm mê hoặc lòng người bằng những câu hát kết hợp với “điệu bộ” như nghệ sĩ diễn tuồng thực thụ và truyền lại cho con cháu tường tận từng cử chỉ, điệu bộ và nhớ rõ từng lời thoại của các trích đoạn.

Được chứng kiến những gì mà người nghệ sĩ không chuyên này thể hiện, những bậc cao niên hẳn cũng bùi ngùi nhớ lại những kỷ niệm đẹp của thời “vàng son” trên chính quê hương mình như hát tuồng, hát hò khoan, đối đáp.

Ông tâm sự: “Chúng tôi cố gắng truyền cho các cháu trẻ hát đúng điệu và quan trọng hơn là truyền cho các cháu chất men yêu tuồng, để duy trì nghệ thuật tuồng của cha ông bao đời nay để lại, chứ nếu mai một thì tiếc lắm”. Ông còn giải thích cái hay của một vở tuồng cổ bằng minh họa thêm một vài động tác tuồng nhẹ nhàng, mấy câu hát “ử... ư...” đã theo ông từ ngày nào giờ vẫn còn thấm đẫm đến tận bây giờ.

Ở những làng quê đầu nguồn sông Thu, mỗi khi Tết đến, người dân háo hức chuẩn bị tổ chức diễn tuồng. “Ngày Tết dù thiếu bánh trái, lợn gà, dưa hành nhưng không thể thiếu hát tuồng. Mọi người xem hát tuồng ngày Tết không chỉ để mua vui, giải trí mà còn để cầu mong một năm sung túc, mùa màng bội thu, cầu mong có một năm mới ấm no, hanh thông. Hiện nay ở huyện Nông Sơn, hầu hết các xã đã có câu lạc bộ tuồng với sự tham gia của hàng trăm diễn viên quần chúng.

Ông Nguyễn Văn Dư, một thành viên của Hội Người cao tuổi huyện cho biết: Chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực như tổ chức hội thi, hỗ trợ về vật chất và đặc biệt là sự hưởng ứng và niềm đam mê của người dân đã nuôi dưỡng ngọn lửa tuồng… nên các câu lạc bộ tuồng vẫn duy trì hoạt động đều đặn...

Mỗi dịp lễ hay Tết đến xuân về, ở bất cứ làng quê nào nơi đây cũng diễn ra những âm thanh giục giã của trống chầu và những lời ca hùng hồn, vang vọng của nghệ thuật tuồng, gợi đón niềm vui háo hức của người dân sau lũy tre làng, nhất là những cụ ông cụ bà và những người đi xa nay có dịp về thăm quê hương. Tại các điểm nhà sinh hoạt văn hóa xã, Tết đến đã trở thành những “sân khấu” tuồng nô nức người xem.

Chị Nguyễn Thị Thu - Câu lạc bộ Tuồng xã Quế Phước đã bộc bạch chân tình: “Tụi em là nông dân chân lấm tay bùn, say mê tuồng nên tranh thủ tập luyện và diễn phục vụ bà con quê hương mình, góp thêm không khí ngày xuân vui tươi, hào hứng”.

Trong thẳm sâu mỗi người diễn viên “không chuyên” ấy là tình yêu nghệ thuật tuồng và tình yêu quê hương thắm thiết, bởi họ lớn bên dòng Thu Bồn xanh thẳm bốn mùa, từ những câu hát hò khoan dìu dặt, những lời tuồng ử ư... cùng tiếng trống chầu giòn giã...

Vậy là, không phụ lòng mong mỏi của những thế hệ đi trước đầy tâm huyết, các câu lạc bộ tuồng ở Nông Sơn đã và đang lưu giữ những tinh hoa văn hóa của nghệ thuật tuồng xứ Quảng... Mỗi năm huyện Nông Sơn đều tổ chức liên hoan nghệ thuật tuồng, đây là cơ hội để câu lạc bộ tuồng các xã có dịp giao lưu trao đổi và nuôi dưỡng, duy trì và phát triển nghệ thuật tuồng.

Xuân đang về, không khí làng quê thêm nhộn nhịp. Tại vùng đất đầu nguồn sông Thu hiền hòa, đêm đêm, tiếng í ới gọi nhau vang lên khắp xóm, rủ nhau ngồi vòng trong vòng ngoài, chật cả sân nhà văn hóa xã để xem tuồng. Họ lại thả hồn dõi theo những điệu múa, lời hát của những người hàng xóm của mình - những người nông dân chân lấm tay bùn - đang ra sức “giữ lửa” cho nghệ thuật truyền thống tuồng - biểu diễn phục vụ bà con.

Những đêm diễn ấy đã thắp thêm ngọn lửa đam mê tuồng cho các nghệ sĩ nông dân và tấm lòng của người dân nơi đây luôn hướng về tổ tiên ông bà, cội nguồn... Những ngày xuân cứ thế trôi qua, đời sống thường nhật lại trở về như cũ, nhưng những câu chuyện về tuồng tích trong đêm xuân xem tuồng cứ được bàn tán nhau, khen ngợi nhau trên đường quê, lối xóm. Và thỉnh thoảng ở đâu đó trên ruộng đồng vẫn có tiếng ai cất giọng ca tuồng “Như tui đây là Quan Vân Trường... ớ ớ” hay “Kính thưa huynh đài... đệ là...”.

Tết đến xuân về, lại náo nức gọi nhau đi xem tuồng...

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ngay-xuan-ve-dat-tuong-45015.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.