Môi trường và ý thức

Thì ra, cơ sở hạ tầng giao thông phát triển đã góp phần không nhỏ để con người thay đổi được ý thức hay thói quen không tốt của mình.
Môi trường và ý thức
Cầu Nhật Tân

Hôm rồi ra Hà Nội công tác, lần đầu tiên được anh lái xe taxi chở về trung tâm bằng con đường mới chạy qua cầu Nhật Tân, người viết có cảm giác như mình đang được đi trên các con đường của một số nước đã có dịp đặt chân đến. Từng dòng xe nối nhau khá trật tự và không có một đoạn nào bị nghẽn đường. Những tiếng còi inh ỏi dường như cũng đã bớt đi khá nhiều.

Anh lái xe kể, từ khi có tuyến đường mới này, nạn kẹt xe đã không còn, các vụ tai nạn giao thông cũng giảm hẳn. Người tham gia giao thông như có ý thức hơn khi chạy vào con đường này. Thì ra, cơ sở hạ tầng giao thông phát triển đã góp phần không nhỏ để con người thay đổi được ý thức hay thói quen không tốt của mình.

Tương tự, cách đây một tháng, người viết có dịp tự lái ô tô đi trên con đường Quốc lộ 1 mới được mở rộng từ Đà Nẵng ra Huế đã cảm thấy thoải mái và an toàn hơn khá nhiều.

Cùng với hầm đường bộ Hải Vân, việc khai thông hai hầm đường bộ mới là Phước Tượng và Phú Gia, đã làm cho con đường vừa trở nên hiền hoà, vừa rút ngắn được khoảng cách và điều quan trọng nhất là tăng được tính an toàn cho người tham gia giao thông. Điều thú vị hơn là các chốt chặn của cảnh sát giao thông khá dày đặc trước đây, bây giờ thi thoảng mới bắt gặp.

Phải chăng ý thức của người tham gia giao thông cũng đã tự thay đổi theo con đường mới mở, đã làm cho lực lượng này “thất nghiệp”? Nếu quả đây là sự thật thì là một tín hiệu đáng mừng?

Câu chuyện làm người viết liên tưởng đến một hiện tượng. Ngày xưa khi nói việc đi máy bay, mọi người thường nghĩ là chuyện xa xỉ vì nó là loại phương tiện chỉ dành cho các đối tượng có điều kiện về tài chính, nhưng nay thì bất kỳ ai cũng có thể đi máy bay được bởi so với giá vé tàu hoả hay xe khách thì sự chênh lệch không bao nhiêu.

Nhưng có một điều thật lạ là cũng những con người đó, nhưng khi ngồi ở bến xe hay nhà ga xe lửa (bến tàu), họ sẵn sàng vứt rác mọi nơi và chen lấn, ồn ào như chỗ không người, nhưng khi đến nhà ga hàng không họ lại rất lịch sự, bỏ rác đúng chỗ, xếp hàng thứ tự và dường như không tự tiện ngồi bệt dưới đất hay ồn ào như vốn thấy ở các bến xe, bến tàu?

Lâu nay khi nhìn thấy các hiện tượng xấu của xã hội, chúng ta vẫn thường nghe những lời phê bình do ý thức của người dân kém? Song liệu việc phê bình đó đã công bằng chưa khi ta chưa tạo lập được một môi trường sống tốt? Dẫn chứng như khi nói đến bến xe, bến tàu, mọi người thường nghĩ ngay đến sự phức tạp, nhưng từ khi bến xe trung tâm TP. Đà Nẵng được đầu tư xây dựng mới.

Phòng chờ ngoài việc bố trí các dãy ghế ngồi cho khách, đã được trang bị cả máy lạnh và ti vi phục vụ… cảnh nhốn nháo, ồn ào và “phức tạp như bến xe” ngày xưa đã không còn.

Đặc biệt nhiều hành khách đã phải ngỡ ngàng bởi sự sạch sẽ khi sử dụng dịch vụ vệ sinh miễn phí nơi đây. Chính môi trường sạch sẽ, văn minh và trật tự của bến xe Đà Nẵng đã thuyết phục được hành khách có cách ứng xử rất ý thức khi đến đây.

Nghĩ rộng ra, câu nói “nhập gia tuỳ tục” của các cụ ta ngày xưa cũng có thể được vận dụng trong trường hợp này. Thay vì cứ hô hào nâng cao ý thức, hãy tạo dựng một môi trường sống tốt vậy?

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/moi-truong-va-y-thuc-44577.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.