![]() |
Xuân chợ nổi |
Vào cuối tháng Chạp, chợ Vĩnh Kim bỗng trở nên sôi động nhất trong năm. Đây là chợ tập trung vú sữa nhiều nhất từ các xã: Kim Sơn, Phú Phong, Bàn Long… của huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang. Dù vú sữa được đưa về từ nhiều nơi nhưng người ta vẫn gọi vú sữa ở đây là Vĩnh Kim.
Trong chợ, có hàng trăm vựa trái cây mà chủ yếu là vú sữa. Mỗi vựa cung ứng hơn chục tấn mỗi ngày. Từ những ngày đầu tháng Chạp là ôtô từ các tỉnh như Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc đổ về chợ mua vú sữa rồi đưa đi khắp mọi miền đất nước.
Dân số ở khu chợ này tăng lên. Nhiều người từ tỉnh khác đến đây mua đất làm ăn sinh sống. Trước đây bà con chỉ bán vú sữa được 1 mùa. Đến cuối tháng 3 là hết. Vài năm trở lại đây, bà con áp dụng khoa học kỹ thuật nên kéo dài được đến cuối tháng 6. Thời gian còn lại, bà con bán những đồ hoa quả khác.
Thị tứ Cái Mơn của xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách (Bến Tre) có chợ hột độc đáo. Chỉ cách Vĩnh Kim chừng 25 km, vượt qua sông Hàm Luông là đến một mảnh đất trữ tình. Chợ bán đủ các loại hột: hột cam quýt, xoài, sầu riêng, chôm chôm…
Bởi vì Cái Mơn là đất của cây giống, nên loại chợ này tồn tại, vào mùa xuân, mùa xuân là mùa của gieo trồng. Vào những ngày này, những ghe xuồng chở hoa kiểng cũng tấp nập vào ra trên các kênh rạch, mang sắc màu xuân đi muôn nơi, làm đẹp đời sống bà con nông dân vốn một nắng hai sương nhưng rất đỗi yêu đời.
Cũng tại Bến Tre, huyện Giồng Trôm có một chợ chanh, được hình thành cách đây hơn 20 năm. Gọi là chợ cho oai thôi chứ đây chỉ là một đoạn đường, dài chừng 200mét, rồi người mua kẻ bán xô vào trao đổi, bán mua. Chợ hoạt động nhộn nhịp vào 8 giờ tối đến 6 giờ sáng.
Trước đây, chợ bán chanh theo thúng, nhưng thấy không công bằng nên người ta chuyển sang bán theo ký. Chợ họp không giống như chợ làng chợ xã, mà họp theo nguyên tắc của thủy triều. Giờ nước lên thì họp. Người ta chở chanh từ vườn ra đợi ở bến sông, nước lên thì bán cho những lái buôn đi tàu thuyền, để họ chở về thành phố bán.
Ở huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp có một chợ gọi là chợ rơm Tân Hòa. Chuyên bán rơm rạ. Xuất phát từ nhu cầu cần rơm rạ để sản xuất nấm rơm xuất khẩu ở vùng ĐBSCL. Chợ rơm hoạt động quanh năm, nhưng rộ nhất là từ tháng 8 đến tháng chạp. Mặt hàng rơm từ khắp các tỉnh của ĐBSCL chở về đây để làm điểm giao dịch. Hàng lại được chuyển đi những nơi cần thiết.
Tại ấp Quang Phú - Vĩnh Liêm (Vĩnh Long) có một chợ bò, nằm trên đường liên tỉnh Trà Vinh - Vĩnh Long. Gọi là chợ bò chứ thực ra đó là cánh đồng hoang, tự nhiên mọc lên hàng chục thớt bán thịt bò, không nhộn nhịp như các chợ khác.
Trước đây, ở ấp Quang Phú này có một vài nông dân làm nghề bán bò. Họ đi mua bò của những người dân tộc Kh’mer ở Trà Vinh, mang về nhốt trong chuồng, chờ người ở Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp… lên mua.
Lâu dần, Quang Phú trở thành nơi bán bò chuyên nghiệp, những năm gần đây, thay vì chuyên bán cả con bò, các tụ điểm sẵn sàng giết thịt bán theo yêu cầu của khách hàng. Nhờ nằm trên đường liên tỉnh, xe cộ đi lại nhiều nên chợ bán rất đắt hàng.
Phụng Hiệp - Cần Thơ có chợ động vật hoang dã. Loại chợ có một không hai. Chợ bán nhiều rắn sống và rượu rắn. Ngoài ra còn có rùa, chim, gà nước, cua, ốc… Chợ rắn Phụng Hiệp thu hút nhiều khách du lịch. Họ thích ghi lại những hình ảnh về những chú động vật này ở ĐBSCL. Chợ là một trong những nơi sinh hoạt văn hóa sôi động nhất ở các làng quê. Nhất là những phiên chợ cuối năm. Muốn thấy đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất ra sao, thì tới phiên chợ sẽ thấy cả.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nhung-phien-cho-doc-dao-cuoi-nam-44504.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.