Ủy ban về Kinh tế Mỹ Latinh và vùng Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực trong năm 2015 sẽ là -0,4%, mức tăng trưởng kém nhất kể từ năm 2009.
Cụ thể, Venezuela và Brazil sẽ là hai nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất do sự phát triển yếu ớt của nền kinh tế thế giới và giá nguyên liệu sụt giảm đáng kể. GDP của Venezuela và Brazil lần lượt dự kiến ở mức -7,1% và -3,5%, khi đồng nội tệ mất giá mạnh và tỷ lệ lạm phát vượt xa con số dự báo.
![]() |
Brazil sẽ là một trong hai nền kinh tế Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nhiều nhất do sự yếu kém của kinh tế thế giới |
Tại Argentina, mặc dù kinh tế có thể tăng trưởng 2% trong năm 2015, nhưng lạm phát trong 9 tháng của năm 2015 đã lên tới 25,9%. Ngoài ra, bế tắc trong tiến trình đàm phán giữa Chính phủ Argentina với đại diện các quỹ “kền kền” đã thực sự ngăn cản nền kinh tế lớn thứ 3 ở Mỹ Latinh tiếp cận các thị trường vốn nước ngoài, khi dự trữ ngoại tệ giảm mạnh và đồng peso mất giá khá nhanh.
Giám đốc Viện nghiên cứu về Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương của Brazil, ông Severino Cabral đã có lần khẳng định các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô và tài nguyên ngày càng trở nên "mong manh dễ vỡ" trước sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế thế giới hiện nay.
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn cảnh báo không thể xem nhẹ các tác động trong trung hạn và dài hạn từ quyết định thay đổi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Việc Fed - Ngân hàng Trung ương Mỹ - tăng lãi suất sẽ gây ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế ở khu vực Mỹ Latinh khi chính sách này tác động đến giá cả hàng hóa, các dòng vốn và giá trị các đồng nội tệ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước đó từng cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ Latinh có thể suy giảm 0,3% trong năm 2015 sau khi Mỹ Latinh tỏ ra quá phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa.
Các con số của ECLAC đã chỉ ra rằng giá trung bình của các mặt hàng như dầu mỏ, đồng thau và thép đã giảm gần 30% chỉ trong năm 2015 và việc Fed quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên vào tháng 12 năm ngoái có thể gây ra một sự sụt giá hơn nữa trong năm 2016.
Báo cáo của ngân hàng BBVA (Tây Ban Nha) lưu ý quyết định của Fed sẽ tác động tiêu cực tới nguồn vốn của Mỹ Latinh. Ước tính trong các năm 2015-2017, làn sóng rút vốn ồ ạt trong khu vực này có thể lên tới 3% GDP của khu vực và làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát cũng như sự suy giảm giá trị đồng nội tệ. Dưới áp lực lạm phát, nhiều quốc gia trong khu vực đang chứng kiến nền kinh tế bị suy thoái.
Do vậy, để ổn định đồng tiền của nước mình, các chính phủ sẽ phải tăng lãi suất theo Fed. Tuy nhiên, điều đó sẽ làm gia tăng chi phí tài chính trong nước và gây ra một cuộc khủng hoảng tín dụng.
Đặc biệt, với việc lãi suất vốn đã cao và không thể tăng thêm nhiều nữa, Brazil và Argentina đang phải đối phó với những rủi ro lớn khi đồng nội tệ tiếp tục sụt giá. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định những nguy cơ mà các nền kinh tế Mỹ Latinh hiện nay phải đối mặt chủ yếu xuất phát từ chính nội bộ các nước này.
Theo tờ Infolatam (Tây Ban Nha), vấn đề kinh tế tại từng quốc gia trong khu vực rất đa dạng và không đồng nhất, nhưng tựu trung lại có thể gói gọn trong một từ đó là “chất lượng”. Chất lượng thể chế, chính trị, tay nghề, kinh tế và xã hội ở cả khu vực đều rất hạn chế. Trong Thập niên Vàng (2003-2013), sự bùng nổ trong nhu cầu nguyên liệu trên thế giới đã che lấp mọi vấn đề mang tính cấu trúc trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội của khu vực.
Nền kinh tế Mỹ Latinh đã tăng trưởng với nhịp độ rất nhanh, đặc biệt là trong giai đoạn 2003-2008, nhờ nhu cầu nguyên liệu tăng cao trên thế giới. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này không dựa trên những cam kết để nâng cao năng lực sản xuất cũng như năng lực cạnh tranh. José Juan Ruiz, chuyên gia kinh tế hàng đầu thuộc Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID), đã đề cập tới bốn vấn đề cơ cấu mà khu vực đang phải đối diện.
Trước tiên là tình trạng thất nghiệp, với 52% người lao động Mỹ Latinh không có việc làm chính thức. Thứ hai đó là sự thiếu hụt tay nghề cần thiết trong lao động để tạo giá trị sản phẩm. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại bởi chi phí cho giáo dục và đào tạo tại Mỹ Latinh đã trở nên tốn kém hơn. Điều này đồng nghĩa với việc chất lượng lao động bị thách thức. Tiếp đến là thiếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Điểm thứ tư là thiếu ý thức tiết kiệm ở khu vực.
Thực tế cho thấy để thoát khỏi tình trạng suy thoái hiện nay, mô hình sản xuất của Mỹ Latinh trong thời gian tới cần tập trung ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng và giáo dục, thúc đẩy việc xây dựng một mô hình nhà nước hiệu quả cùng với một mô hình kinh tế có tính cạnh tranh và năng suất cao.
Nếu trong 10 năm tới, các nước Mỹ Latinh thực hiện triệt để cải cách để đưa năng lực sản xuất lên ngang bằng với mức hiện tại ở Mỹ, mỗi quốc gia sẽ tăng trưởng 1,8%/năm.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/2016-nam-gian-truan-doi-voi-my-latinh-44214.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.