Xây dựng chuỗi nông sản còn nhiều trở ngại

Nhằm hỗ trợ sự phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam, Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã lựa chọn hai tỉnh Nghệ An và Lâm Đồng để thực hiện chương trình hỗ trợ hình thành chuỗi nông sản. Nhưng để mở rộng hơn mô hình trên vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Ông Mori Mutsuya, Trưởng đại diện JICA Việt Nam, chia sẻ vấn đề này với phóng viên Thời báo Ngân hàng.
Xây dựng chuỗi nông sản còn nhiều trở ngại
Ông Mori Mutsuya

Vì sao JICA lại chọn Lâm Đồng và Nghệ An để thực hiện kế hoạch này?

Với Nghệ An, đây là tỉnh có diện tích lớn nhưng đời sống nông dân rất thấp, nhiều người đã phải rời quê đi kiếm việc làm nơi khác. Nghệ An lại có địa hình phong phú khí hậu phù hợp cho nông nghiệp. Vì thế JICA hỗ trợ để tìm ra mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp, nâng cao đời sống người nông dân. Mô hình nâng cao năng lực sản xuất và giá trị gia tăng là Dự án Hợp tác kỹ thuật về quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tại tỉnh Nghệ An.

Trong khuôn khổ hợp tác, mô hình “Sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng” được thử nghiệm, với các hoạt động cần thiết nhằm thực hiện chuỗi giá trị nông nghiệp bao gồm từ việc sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, giống và phát triển giống, trồng trọt, thu hoạch, vận chuyển, chế biến và xuất khẩu, với xuất phát điểm là dựa vào nhu cầu của thị trường, nghĩa là tìm hiểu xem mọi người muốn mua gì.

Đã có những hoạt động như lựa chọn các cơ sở sản xuất trong số 400 DN nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp tại Nghệ An. Ngoài ra, cũng cần tìm ra các DN đầu tư, đặt hàng sản xuất, trong đó nếu được thì nên là các nhà đầu tư nước ngoài. Dựa trên kết quả này, Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch hành động thúc đẩy nông nghiệp tỉnh Nghệ An mang tính thực tiễn cao sẽ được hình thành.

Còn Lâm Đồng thì đã có thương hiệu về rau và hoa. Đây là tỉnh đã áp dụng cơ chế thoáng trong nông nghiệp. Nhưng để xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm từ sản xuất đến bán hàng cần phải quảng cáo và quảng bá mạnh hơn. Nếu đẩy mạnh quảng bá để hình thành chuỗi giá trị thì Lâm Đồng là địa phương thích hợp. Trong quá trình xây dựng chuỗi giá trị, sẽ có những vấn đề được chỉ ra và phải giải quyết, và từ Lâm Đồng chúng tôi hy vọng tìm ra chìa khoá thành công để áp dụng với các tỉnh khác.

Tại tỉnh Lâm Đồng, JICA đã phối hợp với UBND tỉnh và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện “Dự án Hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng xây dựng mô hình nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp”.

Chúng tôi đã thực hiện khảo sát làm rõ tiềm năng và yếu tố cản trở cũng như xác định mô hình phát triển kinh doanh nông nghiệp Lâm Đồng, để tối ưu hóa sáng kiến của các DN tư nhân - một nhân tố không thể thiếu trong ngành sản xuất nông nghiệp.

JICA có kế hoạch mở rộng thêm ở một số tỉnh khác không?

Tôi chưa dám hy vọng có thể mở rộng sang các tỉnh khác, mặc dù phía Nhật Bản rất mong muốn mở rộng. Vì thực tế triển khai các dự án vừa qua cho thấy để mở rộng sẽ có những khó khăn, đơn cử như vấn đề thiếu nhân lực. Tôi hy vọng rằng thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ủy ban nhân dân tỉnh, Viện Hàn lâm khoa học... sẽ giúp các dự án này thành công và mở rộng sang các địa phương khác.

Hiện tại JICA dự kiến sẽ áp dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam. JICA hiện đang tiến hành khảo sát thu thập thông tin về ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp và hiện đang kiểm chứng khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý quy trình khép kín từ lập kế hoạch canh tác, trồng trọt đến bán hàng, nhằm thúc đẩy thương mại hóa nông nghiệp tại Việt Nam.

Ông vừa nói đến một số vấn đề còn tồn đọng, vậy những vấn đề đó là gì?

Một số cản trở đã được xác định như người nông dân và DN khó tiếp cận với nguồn vốn vay do điều kiện thế chấp chặt chẽ, thiếu công nghệ, nghiên cứu có tính ứng dụng. Họ cũng không có các thông tin trực tiếp về người tiêu thụ. Đối với DN nước ngoài thì khó tiếp cận đất, thiếu những đối tác kinh doanh tuân thủ hợp đồng. Và một số vấn đề chung là thiếu các cơ hội đào tạo nhân lực và nghiên cứu phát triển.

Ngoài ra lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam còn có những vấn đề khác như xử lý sau thu hoạch chưa đầy đủ. Ví dụ, không có cơ sở bảo quản lạnh khiến tình trạng rau hỏng khi tới thị trường tiêu thụ trầm trọng hơn. Sản phẩm nông nghiệp không được phân loại, nên giá thành sản phẩm tốt cũng như sản phẩm kém đều giống nhau, làm mất dần ý thức cải thiện chất lượng của người sản xuất. Vấn đề nữa là tiêu thụ hàng hóa phức tạp.

Ví dụ, thương lái thu mua, số tiền đã trừ chi phí và bán hàng mấy ngày sau mới được trả, nên người nông dân không thể dự toán được lợi nhuận của mình nên ngại đầu tư tiếp tục sản xuất. Hơn nữa, cho dù mục tiêu là hướng tới xuất khẩu, thì với giá đầu vào như đất và phân bón cao, thì năng lực cạnh tranh cũng không có.

Thời gian qua Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vậy dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào lĩnh vực này tại Việt Nam như thế nào?

Tôi có nghe câu chuyện DN Nhật Bản quan tâm đến nông nghiệp Việt Nam và đã đầu tư vào. Theo khảo sát tại Lâm Đồng, nếu so sánh với Malaysia thì hiệu quả thu hoạch trên mỗi hecta còn rất thấp. Nếu họ đầu tư vào Việt Nam họ sẽ có khả năng hiện thực hóa tiềm năng này thành sự thật.

Ngoài ra thì đó là cơ hội đến với DN và cơ hội với người nông dân. Theo thông tin khảo sát ở Lâm Đồng nếu chuyển từ cà phê sang trồng hoa thì thu nhập của người nông dân tăng lên tới 9 lần. Như vậy để hiện thực hóa tiềm năng nông nghiệp, Chính phủ Việt Nam cần giải quyết các vấn đề tồn đọng.

Xin cảm ơn ông!

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/xay-dung-chuoi-nong-san-con-nhieu-tro-ngai-43699.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.