Nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực: Đường nào cho Việt Nam?

“Thu nhập từ nông nghiệp và thu nhập bình quân đầu người của nông dân Việt Nam chỉ là 1,5 USD/ngày. Thu nhập bình quân hộ nông dân là 0,77 USD/hộ/ngày. Đây là mức quá thấp”, Giáo sư Praveen Jha (Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi, Ấn Độ) nhận xét.

Được hỗ trợ nhiều nhưng được hưởng ít

Từ một nước đói nghèo, quá trình đổi mới đã đưa Việt Nam đã nhanh chóng chuyển đổi từ một nước thiếu lương thực sang nước thặng dư thực phẩm cho xuất khẩu, trong đó có gạo, thịt và rau. Hiện Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước thu nhập trung bình.

Nhưng GS. Praveen Jha lưu ý: An ninh lương thực, theo định nghĩa của FAO – đó là thực phẩm an toàn và dinh dưỡng đáp ứng các nhu cầu về ăn uống và ưu tiên thực phẩm cho một cuộc sống khoẻ mạnh và năng động. An ninh lương thực thể hiện ở 4 khía cạnh: tính sẵn có, có khả năng tiếp cận bao gồm cả khía cạnh xã hội, tính hữu dụng và tính ổn định.

Giáo sư Praveen Jha cũng chỉ ra con số 11,4% dân số bị suy dinh dưỡng để nhấn mạnh đến vấn đề an ninh lương thực ở Việt Nam. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 57% xuống còn 20%. Nhưng, ở Việt Nam tỷ lệ thiếu máu của phụ nữ đang mang thai, của trẻ em dưới 5 tuổi vẫn cao.

Vậy làm sao đảm bảo an ninh lương thực cho mọi người ở Việt Nam, GS. Praveen đặt vấn đề và cho biết đây chính là mục tiêu của nghiên cứu “Nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực: Đường nào cho Việt Nam?” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Tổ chức ActionAid tại Việt Nam thực hiện với sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế.

Nghiên cứu chỉ ra, Việt Nam sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp. Để nông nghiệp phát triển bền vững, việc duy trì đầu tư vào nông nghiệp phải được ưu tiên hàng đầu.

Đặc biệt là khi nguồn đất canh tác dần cạn kiệt, Việt Nam đã và đang phải sử dụng đến các nguồn lực khác để duy trì tăng trưởng nông nghiệp và thúc đẩy đóng góp của nền nông nghiệp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đây là vấn đề rất quan trọng với Việt Nam khi hội nhập ngày càng sâu và rộng trong khi 60% lao động, 70% dân số sống và làm việc ở nông thôn.

Thế nhưng, trong khi chi tiêu ngân sách tăng 100% trong những năm qua nhưng đầu tư công cho lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa được ưu tiên, thậm chí chi tiêu của Việt Nam cho ngành nông nghiệp (phản ánh qua tỷ lệ phần trăm của đầu tư cho nông nghiệp so với trong GDP) đang giảm từ 8,48% trong năm 2000 xuống còn 6,49% trong năm 2010. Mức chi tiêu nông nghiệp trong tổng GDP của cả nước cũng ở tình trạng tương tự, giảm từ 2,08% trong năm 2000 xuống còn 1,23% trong năm 2010.

Bên cạnh đó, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp nhưng số người thực sự tiếp cận được các hỗ trợ còn hạn chế. Tỷ lệ biết đến các chương trình hỗ trợ là 47,33% nhưng tỷ lệ được hưởng lợi thực tế chỉ là 11,39%. Đơn cử, có tới 47,69% số hộ nông dân biết đến hỗ trợ giá dầu nhưng chỉ có 11,39% hộ được hỗ trợ giá dầu...

Đầu tư hướng vào hộ nông dân

Tất cả những thách thức được nêu trong nghiên cứu đều có chung một giải pháp là cần sự hỗ trợ thêm và liên tục cho hộ nông dân quy mô nhỏ. Do nguồn lực tài chính còn hạn chế, đã đến lúc Việt Nam nên xem xét một cách tiếp cận nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung, chú trọng vào hỗ trợ hộ nông dân quy mô nhỏ và nhóm dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Anh Dương (CIEM - thành viên nhóm nghiên cứu) nhấn mạnh đến vấn đề đầu tư công cho nông nghiệp với hàm ý: Cần tăng đầu tư cho nông nghiệp và hướng đến các nông hộ một cách kịp thời. Để làm được điều này, Việt Nam cần tăng cường sự tham gia của nông dân vào đầu tư cho nông nghiệp.

Ông Hồ Công Nguyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long cũng chỉ ra sự chưa hợp lý khiến chính sách hỗ trợ của Chính phủ có nhưng lại không hiệu quả với hộ nông dân. Như chính sách hỗ trợ lãi suất cho mua lúa xuất khẩu tuy mục tiêu là để mua lúa cho nông dân với giá hợp lý, bảo đảm người nông dân có lãi, nhưng thực tế chính sách này chỉ hỗ trợ cho DN.

Theo ông Nguyên, chính sách này nên chuyển thành chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay vốn đầu tư ban đầu cho trồng lúa, chăn nuôi hay nuôi thuỷ sản. Ông cũng nói, Chính phủ đã đầu tư nhiều cho hạ tầng như giao thông, thuỷ lợi nhưng “chỉ là những công trình lớn trong khi ở nông thôn những công trình nhỏ và vừa rất thiếu”.

Nghiên cứu chỉ ra rằng: Với điều kiện hiện nay, Việt Nam cần tăng đầu tư cho nông nghiệp và hướng đến các nông hộ một cách kịp thời. Các chính sách hỗ trợ phải được thiết kế để các hộ nông dân quy mô nhỏ tiếp cận được. Việc cung cấp dịch vụ công phải dựa vào nhu cầu thực tế của nông dân thay vì thiết kế chương trình trước không có sự tham gia của người dân.

Hỗ trợ công, đặc biệt là những hỗ trợ dự phòng và cứu trợ khẩn cấp, rất cần thiết trong việc giải quyết vấn đề thu nhập thấp cho các hộ nông dân quy mô nhỏ. Hệ thống chi tiêu công cần phải giải quyết vấn đề an ninh lương thực từ hai khía cạnh; đảm bảo thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và phân phối lượng lương thực thực phẩm. Đặc biệt là cần có chính sách công đủ tốt để thu hút sự tham gia của các hộ nông dân vào các chuỗi cung ứng nông nghiệp.

“Các hộ nông dân nhỏ lẻ thường dễ bị rơi vào tình trạng nghèo và thiếu dinh dưỡng dù họ là những người sản xuất lương thực cho xã hội”, GS.Praveen Jha cho biết và nhấn mạnh: "Chính sách cần lưu ý đến những hộ này, khi cuộc sống của họ được đảm bảo lúc đó mới có một nền nông nghiệp bền vững".

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nong-nghiep-ben-vung-va-an-ninh-luong-thuc-duong-nao-cho-viet-nam-43229.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.