Điều gì đến cũng phải đến
Đây là quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên sau gần 1 thập kỷ của Fed. FOMC cũng nhắc lại quan điểm lãi suất sẽ được nâng lên dần dần. Theo đó dự báo trong khoảng 1 năm tới, sẽ có 4 lần tăng lãi suất, mỗi lần tăng 0,25%, qua đó đưa lãi suất lên mức khoảng 1,375% vào cuối năm 2016.
![]() |
Nền tài chính toàn cầu chưa thể từ bỏ nới lỏng tiền tệ |
Quyết định nâng lãi suất của Fed được đưa ra trong bối cảnh các chỉ số kinh tế ở Mỹ đã có những cải thiện nhất định trong thời gian qua. “Phục hồi kinh tế rõ ràng đã đi được một chặng đường dài, mặc dù chưa phải là mãn nguyện” – Chủ tịch Fed Janet Yellen nói tại cuộc họp báo sau khi kết thúc phiên họp vừa qua.
Thông báo phát đi của FOMC cũng cho rằng: “Ủy ban đánh giá, các điều kiện trên thị trường lao động đã được cải thiện đáng kể trong năm 2015, đồng thời tin tưởng rằng, trong trung hạn lạm phát sẽ tăng lên, đạt mục tiêu 2%”. FOMC cũng dự báo, thị trường lao động sẽ tiếp tục biến chuyển tích cực nhưng tình hình kinh tế vẫn chỉ cải thiện ở mức khiêm tốn. Do đó, lãi suất trong tương lai có tăng sẽ chỉ theo từng bước nhỏ.
Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu việc Fed tăng lãi suất có là tín hiệu cảnh bảo nền tài chính toàn cầu đã chính thức chấm dứt kỷ nguyên nới lỏng tiền tệ? Ngay lập tức trả lời “không”, hay “có” sẽ là võ đoán nhưng khả năng nghiêng về câu trả lời thứ nhất là khá rõ ràng. Bởi nhìn lại các dữ kiện lịch sử có thể thấy, cho dù Fed có đợt tăng lãi suất vừa qua nhưng mức lãi suất từ 0,25 – 0,5% hiện nay vẫn thấp hơn rất nhiều mức trung bình 3,2% trong giai đoạn 2000-2007.
Với mức lãi suất hiện tại thì lãi suất trung bình của JPMorgan Chase cho 8 quốc gia phát triển và khu vực đồng tiền chung Eurozone tính đến cuối năm 2016 chỉ ở mức 0,36%, tức thấp hơn đúng 3% so với thời kỳ 2005-2007. Còn theo dự báo của JPMorgan, nếu sau một năm nữa Fed nâng lãi suất lên mức 1,5% thì mức lãi suất trung bình trên mới đạt khoảng 1% vào tháng 12 năm tới với giả thiết NHTW châu Âu (ECB) và NHTW Nhật Bản (BoJ) vẫn giữ nguyên lãi suất hiện nay.
“Con đường tăng lãi suất của Fed là từng bước nhỏ trong khi ECB và BoJ chắc chắn sẽ không tăng lãi suất trong tương lai gần” - David Hensley, Giám đốc khối nghiên cứu kinh tế toàn cầu của JPMorgan nhận định.
Điều này cũng phù hợp với quan điểm của Thống đốc NHTW Anh Mark Carney trong tuần này khi cho rằng, kể cả Fed có tăng lãi suất thì tình trạng lãi suất thấp trên toàn cầu sẽ vẫn còn kéo dài. Nguyên nhân chính vì lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế đều ở mức thấp trong khi tăng trưởng kinh tế không có nhiều cải thiện.
Nỗi đau cho các thị trường mới nổi
Thậm chí theo các chuyên gia của JPMorgan, trên bình diện toàn cầu, các lần cắt giảm lãi suất sẽ không thua kém gì so với các lần tăng lãi suất trong vòng 12 tháng tới. Trong số 31 NHTW mà JPMorgan theo dõi, tổ chức này dự đoán có 9 NHTW sẽ nới lỏng thêm lãi suất, bao gồm các nền kinh tế như Trung Quốc, Thụy Điển, New Zealand và Malaysia.
Hơn nữa, việc số lượng các thị trường mới nổi neo giá tỷ giá hối đoái với đồng USD giảm cũng có nghĩa là nhiều nền kinh tế sẽ không còn hành động theo Fed như họ đã từng phải làm. Hơn nữa, ngay cả với nền kinh tế Mỹ, lãi suất tăng lên không có nghĩa cứ phải “đều đều” lên mãi. Nhất là nếu nền kinh tế này không may “xảy chân” rơi vào suy thoái vào một thời điểm nào đó.
Theo cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers, khả năng Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong vòng 2 năm tới là 50-50. Trong trường hợp đó, việc Fed phải quay về với mức lãi suất 0% là không thể loại trừ.
Trong quá khứ, mỗi lần Fed tăng lãi suất đều phát đi tín hiệu mua vào đối với tài sản tại các thị trường mới nổi. Thị trường chứng khoán ở các nền kinh tế đang phát triển đã tăng trung bình 38% và đồng nội tệ 11% trong hai chu kỳ thắt chặt tiền tệ trước đó của Fed (vào năm 1999 và 2004).
Nhưng lần này tình hình có vẻ khác, thông điệp tăng lãi suất của Fed đã khiến các thị trường mới nổi phải trải qua những đợt “bán tháo” và đồng nội tệ và TTCK ở nhiều nước xuống các mức thấp kỷ lục kể từ năm 2009.
Trong quá khứ, các nước đang phát triển thường được hưởng lợi khi kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Nhưng giờ đây, tình trạng thương mại toàn cầu trì trệ, cộng với suy giảm của Trung Quốc và sự sụt giảm giá cả hàng hóa toàn cầu khiến các nền kinh tế này bị ảnh hưởng tiêu cực.
Đặc biệt, theo các chuyên gia của Capital Economics, những nền kinh tế có thâm hụt cán cân vãng lai lớn hoặc có nợ vay nước ngoài bằng ngoại tệ quá cao sẽ là những đối tượng chịu nhiều tác động nhất. Bởi với chi phí vay ở Mỹ cao hơn, các thị trường mới nổi sẽ phải trả chi phí nhiều hơn để tái cấp vốn cho các khoản vay bằng USD.
Điều này có thể buộc họ phải tăng lãi suất và đồng thời chịu áp lực tăng trưởng kinh tế bị kìm hãm. Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), nguồn cho vay đang có xu hướng “khô cạn”. Lượng phát hành vay từ thị trường mới nổi đã giảm tới 98% và chỉ đạt mức ròng 1,5 tỷ USD trong quý III so với quý trước đó.
Tuy nhiên, cũng có nhiều phân tích cho rằng, tác động của quyết định tăng lãi suất vừa qua đến các nền kinh tế đang phát triển sẽ không lớn nữa, bởi thực tế thì tác động của nó đã có từ cách đây vài tháng, khi Fed mới “bóng gió” về thông điệp này.
Hơn nữa, mức tăng nhỏ lần này cũng như tín hiệu về các lần tăng trong tương lai sẽ không lớn cũng giúp cho các thị trường phản ứng bình thản hơn. Thậm chí sau quyết định phát đi của Fed nhiều thị trường chứng khoán trên toàn cầu và trong khu vực đã có những phản ứng tích cực.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ky-nguyen-noi-long-tien-te-chua-cham-dut-43203.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.