Địa danh chấn động trời Tây
Từ chân núi, chinh phục 853 bậc cấp với chiều dài 1.567m và lên tới đỉnh A Bia, một hành trình ngắn nhất nhưng phải trải qua sự thử thách là những con dốc ngày càng nhiều, ngoằn ngoèo, trơn trượt và độ dốc khủng khiếp. Càng vào sâu và lên cao, sự bí ẩn của núi rừng càng trở nên hấp dẫn, nhất là bắt đầu nghe được tiếng chim rừng kêu, khám phá những cây cỏ lạ và đặc biệt là những dấu tích chiến tranh còn lại.
Len lỏi giữa đất đai và cây cỏ, thỉnh thoảng bắt gặp những mảnh bao cát hay đồ nhựa còn lại của thời chiến tranh. Dưới những gốc cây còn có cả những đoạn công sự ngày nào. Thỉnh thoảng xuất hiện những biển chỉ dẫn, gợi nhớ về một ký ức xưa: Trạm xá A Bia, điểm rơi máy bay trực thăng Mỹ…
Cuối cùng thì nhà trưng bày các hiện vật, kỷ vật về khu di tích đồi A Bia mới được khánh thành và đưa vào phục vụ khách tham quan đã dần hiện rõ. Qua 78 ảnh tư liệu và 36 hiện vật giới thiệu tại nhà trưng bày phần nào tái hiện lại sự khốc liệt của chiến tranh dù đã lùi xa cách nay hơn 40 năm.
![]() |
Một góc Nhà trưng bày các hiện vật, kỷ vật về khu di tích lịch sử quốc gia đồi A Bia |
A Bia là điểm cao nhất nằm giữa vùng rừng núi trùng điệp gần biên giới Việt-Lào. Đỉnh A Bia có ba mỏm đứng thế chân kiềng cao xấp xỉ nhau, cách nhau khoảng 400m. A Bia trở thành biểu tượng chiến thắng và sự hy sinh xương máu của quân và dân ta, nơi ghi dấu sức mạnh, ý chí quyết tâm trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Cách khác, A Bia được xem là hình ảnh thu nhỏ của cuộc chiến tranh Việt Nam. Ở ngọn đồi này, thế trận ngày và đêm, giữa ta và địch giằng co từng gốc cây, từng ụ đất một, trên dội xuống, dưới bắn lên, trực thăng thả bom, thiết xa càn quét. Đồi Thịt Băm - Hamburger Hill… như tờ Los Angeles đưa tin ngày 27/5/1969. Còn các tờ báo phương Tây khác lúc bấy giờ đồng loạt phản ánh, đồi A Bia là tử địa, là nỗi khiếp sợ của lính Mỹ gây kinh hoàng, chấn động cả trời Tây.
Hấp dẫn du khách
Ít ai có thể ngờ rằng đồi A Bia huyền thoại nay đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng trên dãy Trường Sơn. Một con đường bê tông dài 3,5km, nối từ trung tâm xã Hồng Bắc đến đồi A Bia để phục vụ khách du lịch chinh phục quả đồi này. Tại khu vực đỉnh đồi, địa điểm sân bay trực thăng A Bia cũ đã được dựng một nhà bia tưởng niệm. Còn tất cả đều là rừng già.
Ở hướng Đông nhà bia, vài người phát hiện điểm vọng cảnh lý tưởng. Từ đây có thể phóng tầm mắt xuống thị trấn A Lưới, nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, bao bọc bởi trùng điệp núi rừng. Chợt nhận ra lý do tồn tại cái tên đồi Thịt Băm và vị trí chiến lược của nó trong chiến tranh...
Ông Hồ Xuân Trăng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới phấn khởi, đồi A Bia nay trở thành di tích lịch sử thu hút ngày một nhiều khách du lịch hoài niệm về chiến trường xưa, cũng như những người trẻ muốn chinh phục và tìm hiểu về quá khứ hào hùng của cha ông. Đặc biệt khi màn đêm buông xuống, lửa trại bập bùng du khách sẽ có dịp giao lưu với người dân bản địa.
Từ trẻ em, trai làng đến các mẹ, các chị và cả người già, ai cũng niềm nở, nhiệt tình với khách. Khoảnh sân của nhà nghỉ cộng đồng như vỡ ra trong tiếng hát, tiếng cười và tiếng vỗ tay. Chủ và khách cùng ca hát, nhảy múa tưng bừng. Giây phút ấy, dường như đất trời đã hòa làm một, lòng người miền xuôi và miền ngược cũng hòa làm một. Những điệu múa truyền thống đẹp đẽ của dân tộc Tà Ôi, những giai điệu trầm bổng của tiếng khèn, tiếng sáo kéo mọi người xích lại gần nhau, không còn khoảng cách.
Bình rượu đầy rồi lại vơi, cứ thế chủ và khách say sưa ca hát. Không có hoa, mọi người hái những bông hoa dại, cành lá rừng tặng nhau. Đơn sơ, mộc mạc nhưng không kém phần thú vị. Ngoài ra, đường Hồ Chí Minh cùng quốc lộ 49 nối trung tâm huyện A Lưới với thành phố Huế và cửa khẩu sang tỉnh Salavan, mai kia có thêm cửa khẩu sang tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào, đã tạo ra hạ tầng cơ bản cho phát triển kinh tế du lịch.
Qua đó, du khách có thể dễ dàng khám phá vẻ đẹp hoang sơ của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ với dãy rừng nguyên sinh đan xen những địa đạo và hệ thống hang động đã vang danh trong kháng chiến như: A Đon, A Nôr, A Púc, A Ting, Còng A Pó, Động So A Túc, Cà Vá, Động Tiên Công, Kòng…
Đường Hồ Chí Minh chằng chịt hố bom đạn năm xưa, nay đã khoác chiếc áo mới, sinh khí mới toát ra từ những đô thị giữa đại ngàn Trường Sơn. Đặc biệt, với đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống bên dãy Trường Sơn hùng vĩ ở huyện A Lưới thì cung đường này hoàn thành đã giúp họ tiếp cận và dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, du lịch và dịch vụ.
Minh chứng là lượng khách nước ngoài tham quan các di tích lịch sử ở A Lưới ngày càng đông hơn. Họ là những cựu binh Mỹ hay những du khách đến từ các nước Anh, Úc… tham quan để biết và hiểu thêm về cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân Việt Nam.
Dẫu phong cách phục vụ của đồng bào chưa được chuyên nghiệp nhưng hầu hết du khách không vì vậy mà thấy phiền lòng. Bởi du lịch “home stay” nên du khách không cần sự chuyên nghiệp mà thích bà con giữ nguyên bản sắc văn hóa, những gì họ vốn có.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/hap-dan-a-bia-huyen-thoai-42894.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.