Hồi chuông cảnh báo
Những con số mà các chuyên gia đưa ra tại hội nghị khiến không ít người giật mình về tấn công mạng, mã độc (virus) đang hoành hành như hiện nay. Đơn cử, trung bình mỗi tháng tại Việt Nam xuất hiện hơn 1 nghìn trang giả mạo facebook, gần 14 triệu tin nhắn rác được gửi đi mỗi ngày, mặc cho những biện pháp siết chặt quản lý của các nhà mạng lẫn các cơ quan chức năng…
![]() |
Cơ sở hạ tầng về an toàn thông tin của Việt Nam còn hạn chế |
Lần đầu tiên, đại diện nhiều “ông lớn” về an ninh mạng như, Intel (McAfee), Symantec, Kaspersky, Microsoft, BitDefender, Huawei… đã cùng có mặt ở Việt Nam để bàn các biện pháp phòng chống mã độc, tin tặc…
Tại hội nghị, Mikko Hypponen, một trong những “huyền thoại” về an ninh an toàn thông tin của thế giới, nhấn mạnh về các mối nguy cơ đang đe dọa an toàn mạng trên toàn cầu. Trong đó, ước tính thiệt hại do mã độc gây ra tại châu Á - Thái Bình Dương năm 2014 là 230 tỷ USD, lớn hơn GDP của Việt Nam năm 2013 là 171 tỷ USD…
Đặc biệt nghiêm trọng khi Việt Nam đang dần trở thành điểm “nóng” ở châu Á về bảo mật thông tin trong thời gian gần đây. Theo đó, cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ tấn công của tin tặc vào website của các cơ quan quản lý Nhà nước, hệ thống thông tin và dữ liệu của tổ chức, DN…
Trong suốt một thời gian dài, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều cuộc tấn công từ nước ngoài nhằm vào một số công ty game lớn, nhà cung cấp dịch vụ Internet và các công ty viễn thông của Việt Nam.
Các cuộc tấn công này nhằm khai thác thông tin về thẻ game trả trước, sau đó các đối tượng tuồn thẻ game lậu từ nước ngoài vào phân phối tại các tỉnh, thành trong cả nước. Bằng thủ đoạn này, các tổ chức tin tặc đã kiếm được số tiền không nhỏ từ việc đánh cắp các thông tin về thẻ trả trước, thẻ điện thoại di động…
Đáng báo động hơn, khi Việt Nam trở thành nước có tỷ lệ ổ cứng bị nhiễm mã độc cao nhất khu vực Đông Nam Á. Theo nghiên cứu của hãng phần mềm Microsoft, Việt Nam là nước có tỷ lệ bị nhiễm mã độc cao nhất khu vực ASEAN. Tại Việt Nam, trên 41 ổ cứng và 9 mẫu đĩa DVD mà Microsoft nghiên cứu thì có tới 66% DVD lậu và 92% ổ cứng bị nhiễm mã độc, đây là tỷ lệ cao nhất trong các quốc gia Đông Nam Á.
Trong đó, mã độc Zeus được đánh giá là phần mềm đặc biệt nguy hiểm. Loại virus chuyên đánh cắp mật khẩu mang tên Zeus chuyên dùng để đột nhập, tiếp cận nhận dạng tài khoản cá nhân và các dữ liệu nhạy cảm khác của nạn nhân.
Thậm chí, cũng theo nghiên cứu của Microsoft, nhiều máy tính thương hiệu hàng đầu như Acer, Asus, Dell, HP, Lenovo và Samsung dù chưa được bán tới tay người tiêu dùng nhưng đã bị các phần mềm độc hại tấn công. Do ổ cứng đã bị DN bán máy tính thiếu uy tín thay đổi bằng loại khác chất lượng kém, hoặc rẻ tiền hơn vốn đã được cài đặt hệ điều hành và ứng dụng nhiễm mã độc để trục lợi…
Hiểm họa và cuộc chiến
Có thể nói các mã độc, tin tặc đã và đang gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Đơn cử, những sự cố trong hệ thống xảy ra với thương mại điện tử đồng nghĩa với việc kinh doanh của DN gặp sự cố khi không bán được hàng, không nhận được đơn hàng, không giao hàng...
Báo động về tình trạng mã độc đang hoành hành ông Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC đồng thời là người chủ trì AVAR 2015 cho rằng, ngày hôm nay, máy tính tại gia đình, điện thoại thông minh cầm trên tay hay chiếc máy tính bảng mà các em nhỏ đang chơi, những thứ đó rất có thể đang bị nhiễm mã độc và trở thành vũ khí của tội phạm mạng.
Trong tương lai gần, máy giặt thông minh hay tủ lạnh thông minh có kết nối Internet cũng có thể chịu chung số phận… Trong khi, đa phần người sử dụng Internet lại chưa trang bị những kiến thức đủ để nhận biết các mối nguy hại trên mạng. Điều kiện cơ sở hạ tầng về an toàn thông tin của Việt Nam còn những hạn chế…
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về phòng chống mã độc toàn cầu lần thứ 18, ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề an toàn thông tin. Theo đó, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An toàn thông tin. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thành lập Cục an toàn thông tin để quản lý về lĩnh vực này.
Để thực hiện quy hoạch an toàn thông tin quốc gia đến năm 2020, các cơ quan chức năng cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch triển khai giai đoạn 2016-2020. Việt Nam cũng đang tích cực hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế trong lĩnh vực an toàn thông tin, phòng chống mã độc, tin tặc…
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/bao-dong-ma-doc-toan-cau-42812.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.