Tuy nhiên, quá trình thực tiễn vận hành theo chuẩn mực kế toán này cũng đem lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị tham khảo tốt mà những nước đang trong quá trình nghiên cứu áp dụng như Việt Nam nên xem xét.
![]() |
IFRS giúp tăng sự minh bạch và chính xác trong các báo cáo tài chính |
Lợi ích vượt trội nhưng…
Các bằng chứng về lợi ích tiềm năng của việc áp dụng bắt buộc IFRS trong EU đã chỉ ra rằng, chuẩn mực này mang lại lợi ích tổng thể trên một loạt khía cạnh quan trọng mà bất cứ nền kinh tế cũng cần đến.
Đó là sự minh bạch; khả năng đối chiếu được; tính thanh khoản thị trường; hiệu quả đầu tư của DN…. Điều này rõ ràng rất phù hợp với sự kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường. Và đây là điều mà EU đã thấy được sau 10 năm áp dụng IFRS.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang IFRS đòi hỏi phải có một sự nhảy vọt và thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và niềm tin. Bởi một mặt, sự chuyển đổi sang chuẩn kế toán này đòi hỏi chi phí lớn trong ngắn hạn thì mặt khác, rất khó khăn để xác định, định lượng cụ thể được những lợi ích mà việc chuyển đổi từ các hệ thống kế toán hiện tại cũng như các quy định liên quan sang IFRS là bao nhiêu.
Đây chính là một trong những trở ngại khiến cho nhiều người không đánh giá cao những lợi ích rộng lớn và lâu dài mà IFRS mang lại, trong khi lại chỉ nhìn thấy những tốn kém chi phí ngắn hạn cũng như những thách thức, rủi ro trong triển khai.
Hơn nữa, ngay cả khi mọi người đã nói cùng một ngôn ngữ báo cáo tài chính thì “giọng địa phương” trong khu vực vẫn tồn tại. Cụ thể, các nghiên cứu về thực tế triển khai IFRS tại EU cho thấy, những lợi ích trên được phân bố không đồng đều giữa các DN và các quốc gia khác nhau. Nguyên nhân chính là do có sự khác biệt trong quản trị DN, kiểm toán và các quy định pháp lý ở các quốc gia thành viên EU. Sự khác biệt về văn hoá cũng là một nhân tố gây ảnh hưởng.
Dù vậy, theo các chuyên gia về lĩnh vực này, không nên vì thế mà đưa ra nhiều “phiên bản địa phương” vì như vậy sẽ gây chậm trễ và khó khăn cho các NĐT trong quá trình ra quyết định đầu tư.
Trong lộ trình hướng tới việc áp dụng IFRS, các quốc gia thường có xu hướng muốn sửa đổi các tiêu chuẩn, ban hành những diễn giải mang tính địa phương hoặc đơn giản là bỏ qua những phần của các tiêu chuẩn mà họ không thích hoặc có vẻ quá phức tạp.
Quyết tâm mới làm được
Tuy nhiên, ông Eddy James, chuyên gia Ban Báo cáo Tài chính của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) cảnh báo không nên làm như vậy. “Những lợi ích đầy đủ của áp dụng IFRS chỉ có thể thu được nếu các tiêu chuẩn của chuẩn mực này được áp dụng đầy đủ. Hầu hết các NĐT không có thời gian và nguồn lực để nghiên cứu sự phức tạp của các biến thể địa phương. Họ muốn rằng IFRS phải được áp dụng triệt để” – chuyên gia này cho biết.
Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế, việc áp dụng hay không, và áp dụng ở mức độ nào đối với IFRS để đạt được những lợi ích mong muốn luôn đòi hỏi tầm nhìn, sự linh hoạt và chọn lọc từ Chính phủ, các nhà làm luật và các nhà hoạch định chính sách của từng quốc gia.
“Kinh nghiệm từ châu Âu cho thấy, mặc dù việc áp dụng IFRS là cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hoá, chỉ những DN niêm yết trên thị trường, và có ý định tiếp cận thị trường vốn nên áp dụng chuẩn mực này. Trong khi điều đó không hoàn toàn cần thiết đối với các DN không thuộc nhóm này” - ông Eddy James nói.
Một thách thức lớn khác từ bài học kinh nghiệm của châu Âu là, nhiều quốc gia ngần ngại áp dụng IFRS bởi sự phức tạp trong mỗi yêu cầu của nó. Tuy vậy, trước thực trạng toàn cầu hoá và hội nhập, kéo theo sự giao thương mạnh mẽ giữa các nền kinh tế quốc tế như hiện nay, việc áp dụng ngôn ngữ tài chính toàn cầu này theo các chuyên gia là điều mà các quốc gia nên cân nhắc, dù sự phức tạp là khó tránh.
Trong khi sự quan ngại trước những thách thức đặt ra trong việc áp dụng chuẩn mực này là điều thường thấy ở các quốc gia mà chuẩn mực này còn mới mẻ, vai trò của các tổ chức khu vực, trong việc nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm như ICAEW, và vai trò tiên phong áp dụng của các tổ chức tại mỗi quốc gia là quan trọng.
Bên cạnh đó, trong lúc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế cũng như khu vực, thì từng quốc gia nên có một cơ chế thực thi mạnh mẽ trong nước để có thể nhận ra những lợi ích tiềm năng của việc áp dụng các chuẩn mực kế toán toàn cầu. Cuối cùng là cần nhanh chóng thúc đẩy tính hợp pháp bằng việc công nhận IFRS đồng thời tạo hành lang pháp lý và tạo điều kiện để IFRS được phổ cập và áp dụng sâu rộng.
Để làm được điều này, các chuyên gia cho rằng, sự phối hợp chặt chẽ từ các bên có liên quan từ các tổ chức khu vực, cơ hữu quan địa phương, đơn vị tiên phong áp dụng cũng như các tổ chức thực thi áp dụng IFRS là điều cần thiết.
"Tôi khuyên bất kỳ quốc gia nào đang cần xem xét áp dụng IFRS nên tập trung vào những lợi ích lâu dài chứ không nên quá chú trọng đến chi phí ngắn hạn không thể tránh khỏi và những thách thức về mặt thực hiện.
Ở một mức độ nhất định, để chuyển sang áp dụng IFRS sẽ luôn luôn cần đức tin. Đây là một bước mà nhiều nước trên thế giới đã làm. Tôi rất vui mừng khi biết rằng Việt Nam đang trên con đường gia nhập gia đình IFRS " - Eddy James cho biết.
IFRS hiện đang được áp dụng toàn bộ hoặc gần như toàn bộ phổ biến tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có một số nền kinh tế khu vực Đông Nam Á. PGS.TS. Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính cho rằng, IFRS được ví như “ngôn ngữ tài chính toàn cầu” giúp đảm bảo tính so sánh, thống nhất và minh bạch do đó sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp DN tận dụng cơ hội tiếp cận nguồn vốn quốc tế, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của toàn nền kinh tế Việt Nam nói chung. Do đó, trong thời gian qua Bộ Tài chính luôn quan tâm vào việc nghiên cứu các chuẩn mực kế toán quốc tế nói chung và IFRS nói riêng để áp dụng vào Việt Nam cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam trong từng giai đoạn cụ thể. Dự thảo Luật Kế toán sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp đang diễn ra cũng đã bổ sung "Nguyên tắc giá trị hợp lý" để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai áp dụng IFRS ở Việt Nam. |
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ap-dung-ifrs-bai-hoc-kinh-nghiem-tu-eu-42029.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.