Chợ tiền ở Móng Cái - Kỳ 2 và hết: Mảng chìm của tảng băng

Tên thực tế, nhiều hộ hoạt động kinh doanh tiền tệ chỉ là hình thức bề nổi, mà chủ yếu vẫn là cho vay nặng lãi. Nhiều dân buôn “đánh hàng” Trung Quốc khi thiếu vốn đều tìm đến chợ tiền vay nóng. Từ đó, giữa dân buôn lậu và dân đổi tiền đã hình thành những mối quan hệ vay - trả mật thiết.

Sau hơn một thập kỷ sắp xếp và cấp phép lại các hộ kinh doanh thu đổi ngoại tệ với mục đích ban đầu là phục vụ cho khách du lịch và hoạt động giao thương cho cư dân biên giới.

Hoạt động hiện tại của chợ tiền ở Móng Cái đã có những diễn biến phức tạp cả về hình thức và quy mô kinh doanh với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Tình trạng này đã tác động tiêu cực đến tình hình an ninh kinh tế và tiềm ẩn phát sinh tội phạm tại vùng biên.

Chợ tiền ở Móng Cái - Kỳ 2 và hết: Mảng chìm của tảng băng
Cần có một chính sách mới với chế tài đủ mạnh để có thể một lần nữa sắp xếp lại việc kinh doanh thu đổi ngoại tệ tại các vùng biên giới

Mảng chìm của chợ tiền Móng Cái

Ở chợ tiền Móng Cái, nhiều chủ hộ có số lượng tiền giao dịch cỡ vài trăm triệu hoặc vài tỷ. Chỉ cần một cú điện thoại là các ''đại gia'' trong chợ có thể phục vụ khách với số lượng bất kỳ. Phương thức giao nhận tiền cũng rất gọn gàng. Khách cũng chẳng cần đếm lại, đến chóng vánh và đi cũng nhanh nhẹn.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hộ hoạt động kinh doanh tiền tệ chỉ là hình thức bề nổi, mà chủ yếu vẫn là cho vay nặng lãi. Nhiều dân buôn “đánh hàng” Trung Quốc khi thiếu vốn đều tìm đến chợ tiền vay nóng. Từ đó, giữa dân buôn lậu và dân đổi tiền đã hình thành những mối quan hệ vay - trả mật thiết.

Đặc biệt, những năm qua các NHTM Trung Quốc như Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc… tạo điều kiện cho công dân Việt Nam chỉ cần có hộ chiếu hay giấy thông hành biên giới là có thể mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng họ ở Đông Hưng, Trung Quốc.

Hiện 100% các hộ kinh doanh tiền tại Móng Cái đều có tài khoản giao dịch tại Trung Quốc và tiền được giao dịch trên mạng xuyên quốc gia một cách nhanh chóng, thuận lợi và không giới hạn số lượng, khó có cơ quan chức năng nào có thể kiểm soát được.

Theo Trung tá Nguyễn Quang Phương, Phó trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an Quảng Ninh, lượng tiền giao dịch qua các tài khoản tại các NHTM Trung Quốc của các hộ kinh doanh tiền ở Móng Cái rất lớn. Có những hộ lên tới hàng trăm tỷ một tháng và hàng nghìn tỷ mỗi năm. Hoạt động chuyển tiền lậu này đã trực tiếp tiếp tay cho các loại tội phạm gian lận thương mại, buôn lậu, đánh bạc, lừa đảo… thậm chí các doanh nghiệp FDI cũng lợi dụng việc này để chuyển giá, chuyển lợi nhuận bất hợp pháp ra khỏi Việt Nam.

Cần một khung pháp lý đủ mạnh

Qua trao đổi thông tin và hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm vùng biên giữa công an Quảng Ninh (Việt Nam) và công an Quảng Tây (Trung Quốc), các lực lượng chức năng Quảng Tây cho biết, qua điều tra hoạt động buôn lậu và chuyển ngân lậu đã phát hiện và phong tỏa một số tài khoản của các cá nhân kinh doanh tiền tại Móng Cái mở tại NHTM Trung Quốc, liên quan đến các đối tượng kinh doanh phi pháp tại vùng biên giới 2 nước.

Cụ thể, từ tháng 7/2015 đến nay đã phong tỏa tài khoản của 16 hộ kinh doanh đổi tiền tại chợ 2 Móng Cái với số tiền trên 40 tỷ đồng. Lực lượng an ninh kinh tế, Công an Quảng Ninh thời gian qua cũng đã phát hiện và xử lý một số trường hợp chuyển tiền trái phép qua biên giới.

Trước tình hình hoạt động phức tạp của các hộ kinh doanh tiền trên địa bàn Móng Cái, đầu năm 2015, NHNN Chi nhánh Quảng Ninh đã thành lập đoàn công tác về vấn đề này. Sau khi kiểm tra, đoàn đã phát hiện một số sai phạm phổ biến như kinh doanh sai địa điểm, sai người đứng tên giấy phép… và đã ra quyết định thu hồi giấy phép của 26 hộ kinh doanh vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Đoan, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh Quảng Ninh cho biết: Hiện chưa có bất cứ một văn bản pháp quy nào tạo nên hành lang pháp lý giúp cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền xử lý những sai phạm trong hoạt động của các hộ kinh doanh ngoại tệ trên địa bàn các vùng biên.

Cũng theo quan điểm của lãnh đạo NHNN Chi nhánh Quảng Ninh, cần nâng các điều kiện cấp phép cho các hộ kinh doanh thu đổi ngoại tệ theo hướng như điều kiện về vốn pháp định cao hơn, điều kiện về pháp nhân phải là công ty cổ phần, các điều kiện về trụ sở, an toàn và vận chuyển kho quỹ…

Quyết định 140 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 07 của NHNN ra đời cách đây 15 năm trước tạo ra một cơ chế mở cho việc kinh doanh, thu đổi ngoại tệ ở các vùng biên giới.

Cùng với sự phát triển quy mô giao thương của các cặp biên giới song phương giữa 2 nước, lượng hàng hóa và thương nhân qua lại ngày càng phát triển. Việc cần có một chính sách mới với chế tài đủ mạnh để có thể một lần nữa sắp xếp lại việc kinh doanh thu đổi ngoại tệ tại các vùng biên giới là hết sức cần thiết.

Hiện trên địa bàn Móng Cái đã có sự hiện diện của các NHTM lớn (13 NHTM) cùng các dịch vụ như thanh toán biên mậu, thu đổi ngoại tệ...

Ông Lê Xuân Long, Giám đốc Agribank Móng Cái cho biết: Với hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp và kinh nghiệm làm nghiệp vụ thanh toán, thu đổi biên mậu trên 20 năm. Agribank Móng Cái và các điểm giao dịch dày khắp của các NHTM thừa khả năng tổ chức việc thu đổi, thanh toán ngoại tệ cho các doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn vùng biên giới Móng Cái.

Kỳ 1: Đòn bẩy giao thương kinh tế vùng biên

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cho-tien-o-mong-cai-ky-2-va-het-mang-chim-cua-tang-bang-41919.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.