Tây Bắc xa xôi và cũng rất đỗi trữ tình. Hình ảnh đẹp và ấn tượng nhất mà những người mê “phượt” như chúng tôi chính là chiếc cọn nước và chiếc gùi của đồng bào. Cọn nước thì rõ rồi, đó là một vật dụng được đặt ở sông suối để guồng nước. Còn chiếc gùi, một vật nhỏ hơn, nhẹ hơn, được đan bằng tre, nứa và mây, vừa đủ để đựng mấy chục cân nông sản mà chẳng gây khó khăn cho người di chuyển.
Bởi thế, chẳng hiếm hình ảnh các nhóm thiếu nữ lên rừng hái măng, lên núi bẻ ngô và gùi về nhà. Hôm lên huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) công tác, tôi đã gặp hai nghệ sĩ nhiếp ảnh đi săn tìm những hình ảnh đẹp và bình dị. Theo lời mách bảo, các nghệ sĩ đã đón được đúng thời điểm bà con trong bản nhỏ Pú Nhi đi lấy bắp.
Bà con mồ hôi rịn trên trán, nhưng gương mặt rạng ngời hồng hào và nụ cười thật tươi. Dẫu trên lưng họ đang cõng theo chiếc gùi, trong đó chất đầy ngô. Gùi ngô khá nặng, nhưng dường như người dân vẫn thấy nhẹ nhàng, tưởng như chiếc gùi đã sẻ chia, nâng đỡ, gánh vác phần nào giúp bà con.
![]() |
Chiếc gùi gắn bó với trẻ em vùng cao |
Cô gái Lò Thị Mến tâm sự: “Chúng em lớn chừng 9 hay 10 tuổi là đã biết gùi rồi. Người nhỏ thì gùi nhỏ, người lớn thì gùi lớn. Chúng em cứ gùi lúa, gùi ngô mà đi qua núi, qua khe, chân bám riết vào đất đó. Đâu có gì nặng!”. Như để phụ họa cùng Mến, chị gái của cô - Lò Thị La bảo rằng, tự bao giờ không biết nữa, khi mọi người trong làng bản được sinh ra thì đã thấy chiếc gùi hiện diện. Và nó cứ theo gót chân người theo mỗi ngày lao động.
Theo chân Mến và La về nhà, chúng tôi gặp ông nội của hai cô là ông Lò Văn Ngải, 84 tuổi. Ông Ngải giỏi đan lát, là người đã khéo léo đan cho các con của ông những chiếc gùi xinh xắn. Giờ ông còn đan cho thế hệ các cháu. Ông Ngải tâm sự: “Tôi hay đan nên quen, nhiều người nhờ lắm. Tôi cũng đã dạy cho bố chúng nó (các con ông-PV) rồi. Bố chúng nó biết đan, nhưng giờ tôi còn đan được nên chúng vẫn để tôi làm việc đó”.
Vậy làm sao để có chiếc gùi bền đẹp? Trước câu hỏi này, ông Ngải cho hay, để làm được thì phải chọn được nứa bánh tẻ, sợi mây tốt cộng với đôi bàn tay khéo léo. Đan xong rồi phải gác trên mái bếp ít nhất ba tháng cho bồ hóng bám vào, vừa làm khô các sợi nan, vừa để sợi nan bền, dai, đỡ mục khi mưa khi nắng.
Anh bạn nhà thơ của tôi ở Điện Biên yêu gùi, yêu những cảnh sắc diễm tình nơi đại ngàn. Biết bao bài thơ đã sinh ra từ những dáng gùi đó. “Trăng rờ rỡ sáng trên non/ Như ảo ảnh em từ thuở nào tắm suối/ Chiếc gùi nhắn câu gì vào nỗi nhớ/ Hay em cõng hộ lòng tôi một tuổi núi rằm?”. Lãng mạn thế, hẳn là anh bạn rất yêu quê. Yêu như thuở lọt lòng, anh đã nằm trong cái gùi của mẹ lên nương rồi say giấc ở đó.
Anh nói rằng, gùi là một trong những vật dụng vận chuyển cổ xưa nhất của người dân miền núi. Bà con vùng cao đeo gùi trên lưng, đựng những sản phẩm hái lượm. Cùng với con dao, cái cuốc, chiếc gùi đã gắn bó với người dân vùng cao, sẻ chia những nhọc nhằn, vất vả và trở thành vật dụng không thể thiếu trong đời sống của bà con.
“Em sống ở đây quen rồi nhưng mãi mãi thấy vẻ đẹp hấp dẫn của nó. Anh không thể tưởng tượng được đâu, từ xưa, người dân chúng em đã có những “bến tắm” - nơi người phụ nữ đi làm nương về xuống tắm suối. Những gùi ngô, gùi lúa để trên bờ, vắt vẻo tấm áo cón trên đó. Và dưới suối, họ thoải mái khỏa nước. Trai gái chúng em vào mùa xuân, hoa nở rực rỡ núi đồi, chồi non lộc biếc đón ấm, chiếc gùi cũng theo thiếu nữ xuống chợ, đi hội. Hình ảnh ấy đã níu giữ em ở lại miệt núi này. Dù có lên thành phố làm việc, thì cuối ngày em vẫn về bản”, Thanh Long - anh bạn nhà thơ chia sẻ.
Tôi đi và tôi lượm lặt. Những câu chuyện về gùi, dù nhỏ dù lớn, đều gợi nhớ đến biết bao nỗi niềm về những giấc mơ đoàn kết của người dân, giấc mơ thoát nghèo, về tình yêu chung thủy.
Và dù đến Hòa Bình, Sơn La, hay đi vòng sang Lào Cai, Yên Bái, thậm chí vào cả những cánh rừng trong đại ngàn Tây Nguyên, tôi cũng tìm thấy chiếc gùi trong biết bao sự trân trọng, trìu mến. Hẳn là, sự gắn bó đã không thể tách rời, nó được truyền từ đời này sang đời khác. Người dân yêu gùi và những chiếc gùi chở che, giúp đỡ.
Anh Đức Tuấn - nghệ sĩ nhiếp ảnh, người con của dân tộc Thái tỉnh Sơn La cho biết: “Gùi là vật dụng bình dân, nhưng đầy tình yêu mến và thể hiện tinh thần đoàn kết cao. Gùi được bà con dùng để giúp đỡ nhau gùi thóc gùi ngô. Gùi mang gạo ra tiền tuyến. Vào những đêm trăng sáng bên cọn nước chảy êm đềm hay trong những đêm hội bập bùng ngọn lửa tình cháy bỏng, gùi đã mang cây khèn, cây sáo giúp cho trai làng, gái bản thổ lộ, trao nhau ân tình”.
Và ở đâu cũng thế, mỗi mảnh đất, tôi đều tìm được những câu chuyện về chiếc gùi, tôi đều thấy ở đó giá trị nhân văn rõ nét. Hình ảnh con trai đan gùi và con gái thêu thùa đã trở thành bức tranh miền sơn cước đi vào lòng người. Sẽ chẳng có phương tiện nào thay thế được chiếc gùi đã gắn bó bao đời với người dân. Các lão nông, các thiếu nữ xinh xắn yêu đời thương quê khẳng định như thế.
Và tôi tin, trong cuộc sống sôi động, xô bồ, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thì chiếc gùi vẫn hằn in trong nếp sống truyền thống, khắc ghi vào từng tên bản, tên làng, từng dáng cây bóng núi. Thông điệp về cuộc sống xanh nơi làng quê, cũng như tấm lòng thảo thơm của người dân gửi trao cho nhau, sẽ tiếp nối và được bảo lưu, như dòng suối xinh tươi bắt đầu từ thẳm sâu nguồn cội, chẳng bao giờ vơi cạn.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/dep-sao-nhung-dang-gui-41671.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.