Nghề đi biển nhiều rủi ro

Tại xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, hàng trăm người dấn thân vào nghề đi biển để kiếm kế mưu sinh. 
Nghề đi biển nhiều rủi ro
Ảnh minh họa

Những chuyến biển dài ngày kéo dài từ 1- 3 tháng, nếu may mắn thì tàu no (người dân địa phương gọi là trúng cá, trúng giá), ngư dân được chia 10–15 triệu đồng/người, còn chuyến nào đói thì ngư dân không những trắng tay mà còn chịu lỗ tiền xăng dầu và nhu yếu phẩm. Để có tiền, đôi khi những người đi biển cũng phải trả bằng sự rủi ro.

Nếu như trước đây ngôi nhà nhỏ cấp 4 của bà Lương Thị Xới luôn đầy ắp tiếng cười thì nay đã trở nên trống vắng heo hút khi gia đình phải chịu một nỗi đau mất mát lớn - chồng của bà, ông Trần Văn Dũng đã nằm lại trên biển.

Thắp nén nhang cho chồng, bà Xới buồn bã nhớ lại: “Ngày chồng tôi còn sống, đi biển chuyến nào no thì kiếm được 10 – 15 triệu đồng còn đói thì đành về tay không. Trước ngày chồng mất, tôi có khuyên hết lời nên ở nhà kiếm nghề khác làm ăn nhưng do hoàn cảnh quá khốn khó nên ông ấy vẫn tiếp tục đi biển, ngờ đâu chuyến đi biển đó đã cướp đi tính mạng của chồng tôi. Ngày chồng tôi mất, trong nhà cũng chẳng có tiền phải vay mượn những người thân để xoay xở lo cho đám tang”.

Bà Xới nghẹn ngào cho biết, hơn 10 năm nay bà mang trong mình căn bệnh hở van tim, mỗi tháng phải tốn gần 1 triệu đồng tiền thuốc, cuộc sống vô cùng khó khăn, hàng tháng, sinh hoạt trong gia đình phải trông chờ vào thu nhập đi biển của người con…

Theo ông Huỳnh Văn Tín, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Cà Ná, toàn xã có 346 tàu thuyền đánh bắt thủy sản, trong đó có 200 chiếc có công suất trên 90CV, mỗi tàu cần ít nhất từ 10 – 18 lao động đi biển, nghề biển cũng giải quyết việc làm cho nhiều đối tượng lao động, tuy nhiên cũng tiềm ẩn rủi ro, nếu không cẩn thận sẽ rất dễ xảy ra tai nạn. Chỉ riêng năm 2014, xã đã có 2 người thiệt mạng trên biển.

Còn ông Thái Bá Sáu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Nam cho biết, trong năm 2014, đã có 3 lao động đi biển tử nạn, trong đó có 2 lao động tại xã Cà Ná và 1 lao động tại xã Phước Diêm. Nắm bắt được tình hình trên, Hội Nông dân huyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn lao động, phổ biến luật biển đảo cho các thuyền viên, chủ tàu và lao động đi biển thông qua nhiều hình thức đa dạng phong phú, từ đó hạn chế được tai nạn đáng tiếc xảy ra. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện chưa xảy ra trường hợp nào bị chết do đánh bắt trên biển.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nghe-di-bien-nhieu-rui-ro-41639.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.