Hiệu quả kinh doanh nông, lâm trường: Doanh thu giảm mạnh

Sáng 10/11, Quốc hội đã họp tại hội trường nghe kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014.
Hiệu quả kinh doanh nông, lâm trường: Doanh thu giảm mạnh
Ảnh minh họa

Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cho biết, trong hơn 10 năm (2003-2014), thực hiện chủ trương đẩy mạnh việc tiếp tục sắp xếp đổi mới, phát triển nông, lâm trường quốc doanh, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.

Kết quả, từ 186 nông trường (năm 2005) sắp xếp lại còn 145 công ty nông nghiệp (năm 2012). Trong đó, 105 công ty chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, 37 công ty cổ phần, 2 công ty chuyển đổi, thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, 1 công ty liên doanh (giảm 40 đơn vị, trong đó giải thể 22 đơn vị, hạ cấp 18 đơn vị).

Từ 256 lâm trường (năm 2005) đến năm 2012 sắp xếp, chuyển đổi còn 151 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên thuộc sở hữu nhà nước (trong đó 138 đơn vị do tỉnh quản lý, 10 đơn vị do trung ương quản lý); 3 công ty cổ phần; thành lập mới 91 ban quản lý rừng (sau đó giảm còn 87 ban quản lý); giải thể 14 đơn vị.

Về hình thức tổ chức sử dụng đất và hiệu quả sử dụng đất đai, tại các công ty nông nghiệp, trước khi sắp xếp, diện tích đất các công ty nông nghiệp quản lý là 567.675 ha. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 457.455 ha, đất lâm nghiệp 69.754 ha, đất phi nông nghiệp 30.283 ha, đất chưa sử dụng 10.183 ha. Diện tích đất dự kiến giao về địa phương 50.456 ha.

Sau sắp xếp (năm 2012), diện tích các công ty nông nghiệp quản lý 630.834 ha (tăng 63.159 ha). Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 475.000 ha, đất lâm nghiệp 80.304 ha, đất phi nông nghiệp 50.081 ha, đất chưa sử dụng 25.449 ha. Diện tích đất dự kiến giao địa phương 113.985 ha, tăng 63.120 ha.

Diện tích đất các công ty đã đưa vào tổ chức sản xuất 561.095 ha (chiếm 88,9% tổng diện tích được giao). Trong đó, diện tích tự tổ chức sản xuất 376.500 ha, chiếm 67,1% (chủ yếu ở các công ty thuộc ngành cao su, các công ty thuộc Bộ quốc phòng); diện tích giao khoán cho hộ gia đình tổ chức sản xuất là 132.339 ha (chiếm 23,6%); diện tích liên doanh, liên kết 18.824 ha (chiếm 3,4%).

Tổng số nộp ngân sách Nhà nước 1.533 tỷ đồng (trong đó Tập đoàn Công nghiệp Cao su nộp 1.308 tỷ đồng). Tổng lợi nhuận 3.701 tỷ đồng (trong đó lợi nhuận của Tập đoàn Công nghiệp cao su 3.371 tỷ đồng). Một số công ty có kết quả doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách hàng năm tăng nhanh, chủ yếu do có phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, gắn vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

Đối với các công ty lâm nghiệp, trước sắp xếp, tổng diện tích các công ty lâm nghiệp quản lý 4.091.000 ha. Sau sắp xếp (đến năm 2012), tổng diện tích các công ty lâm nghiệp quản lý 2.222.330 ha (giảm 1.868.670 ha); trong đó: đất nông nghiệp 49.812 ha; đất lâm nghiệp 2.062.340 ha; đất khác 110.178 ha. Đất giao về địa phương quản lý 415.125 ha.

Diện tích đất lâm nghiệp tự tổ chức sản xuất: Trước sắp xếp, diện tích các công ty tự tổ chức sản xuất chiếm khoảng 81% so với tổng diện tích đất được giao quản lý. Sau sắp xếp tỷ lệ này còn 66,5% (1.479.998 ha). Hình thức tự tổ chức sản xuất đã tạo nên diện tích rừng liền vùng, dễ quản lý, hạn chế xâm hại, lấn chiếm, ngăn chặn tình trạng tùy tiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đồng thời tạo điều kiện tổ chức sản xuất tập trung, khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, chủ động quản lý về sản xuất và kỹ thuật. Tuy nhiên, hình thức quản lý này chưa huy động được nguồn lực sẵn có trong nhân dân. Một số công ty lâm nghiệp do thiếu nguồn lao động, tiền vốn, dẫn đến một số diện tích rừng, đất lâm nghiệp lâm vào tình trạng không có người quản lý.

Về hiệu quả kinh tế, xã hội, tổng giá trị tài sản của các công ty lâm nghiệp là 3.905 tỷ đồng (tăng 943 tỷ so với trước sắp xếp); vốn chủ sở hữu 1.654 tỷ đồng, tăng 88 tỷ đồng (chưa tính giá trị thực tế cây trồng, rừng trồng); vốn điều lệ 1.349 tỷ đồng, tăng 530 tỷ đồng so với trước sắp xếp. Các khoản phải thu 529 tỷ đồng (tăng 165 tỷ đồng); khoản nợ phải trả 1.833 tỷ đồng (tăng 340 tỷ đồng). Tổng số nộp ngân sách Nhà nước 276 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với trước sắp xếp. Tổng doanh thu 2.478 tỷ đồng, tăng 1.841 tỷ đồng so với trước sắp xếp. Tổng lợi nhuận 182 tỷ đồng, tăng 97 tỷ đồng so với trước sắp xếp.

Trước sắp xếp, doanh thu bình quân 1 lâm trường là 3,9 tỷ đồng; số lâm trường kinh doanh có lãi chiếm 72,9% tổng số lâm trường, bình quân tiền lãi 1 lâm trường là 796 triệu đồng; số lâm trường thua lỗ chiếm 27,1% tổng số lâm trường, bình quân tiền lỗ 1 lâm trường 331 triệu đồng.

Sau khi sắp xếp, năm 2011, doanh thu bình quân 1 công ty lâm nghiệp là 17,2 tỷ đồng; số đơn vị có lãi chiếm 77,8% tổng số công ty lâm nghiệp; bình quân tiền lãi 1 công ty lâm nghiệp 1,86 tỷ đồng; số đơn vị thua lỗ chiếm 22,2% tổng số công ty lâm nghiệp, bình quân tiền lỗ 1 công ty lâm nghiệp 766,6 triệu đồng.

Theo báo cáo của Chính phủ, bước đầu đã xuất hiện một số mô hình công ty lâm nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh khép kín từ bảo vệ rừng, trồng rừng, khai thác, chế biến, tiêu thụ lâm sản và các hoạt động khác trên cơ sở khai thác các lợi thế của công ty, sản xuất kinh doanh có lãi, quy mô doanh thu tăng trong vài năm gần đây, như: Công ty Lâm - Công nghiệp Long Đại tỉnh Quảng Bình, Công ty Lâm nghiệp Bến Hải, Quảng Trị, Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn…

Tuy nhiên, gần đây tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều công ty lâm nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do thiếu vốn, địa bàn quản lý rộng, nhiệm vụ chủ yếu là quản lý rừng tự nhiên nhưng không còn nguồn thu từ khai thác gỗ rừng tự nhiên (dừng chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiên từ năm 2013), diện tích rừng trồng xa thị trường tiêu thụ, chi phí vận chuyển chiếm phần lớn trong giá thành sản phẩm gỗ nguyên liệu, kinh doanh rừng trồng sản xuất không có lãi, doanh thu giảm mạnh.

Theo báo cáo của 49 công ty lâm nghiệp chủ yếu kinh doanh rừng trồng cho thấy doanh thu bình quân 1 công ty lâm nghiệp là 13,6 tỷ đồng. Trong đó, số công ty có doanh thu dưới 5 tỷ đồng là 12 công ty (24,5%); doanh thu từ 5- 10 tỷ đồng có 14 công ty (28,6%); doanh thu từ 10-20 tỷ đồng có 12 công ty (24,5%); doanh thu từ 20-35 tỷ đồng có 4 công ty (8,2%); doanh thu từ 40-50 tỷ đồng có 3 công ty (6,1%); doanh thu trên 50 tỷ đồng có 4 công ty (8,1%).

Lợi nhuận bình quân 1 công ty lâm nghiệp là 1,2 tỷ đồng. Trong đó, có 5 công ty lỗ và không có lợi nhuận (chiếm 8,2%); lợi nhuận dưới 1 tỷ đồng có 28 công ty (57%); lợi nhuận từ 1- 5 tỷ đồng có 9 công ty (18,4%); lợi nhuận từ 5-10 tỷ đồng có 3 công ty (6,1%); lợi nhuận trên 10 tỷ đồng có 4 công ty (10,3%).

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/hieu-qua-kinh-doanh-nong-lam-truong-doanh-thu-giam-manh-41614.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.