Sau khi vở diễn này đến với khán giả đã nhận được sự quan tâm, chú ý của dư luận và giới trong nghề bởi vở kịch có nhiều nét mới, cách dàn dựng và sự đầu tư công phu. Nhiều người hy vọng, qua “Hamlet” đợt này biết đâu sẽ có thêm nhiều vở kịch kinh điển khác được dàn dựng đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả!
![]() |
Một cảnh trong vở “Hamlet” vừa ra mắt khán giả |
Hẳn nhiều người quan tâm đến nghệ thuật sân khấu không còn lạ gì vở “Hamlet” - kiệt tác sân khấu nổi tiếng nhất của nhà viết kịch William Shakespeare. Tác phẩm này cũng đã được dàn dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới, qua đó chứng minh rằng “Hamlet” có sức sống “không tuổi”. Dù đã trải qua 4 thế kỷ nhưng đến nay “Hamlet” vẫn không mất đi giá trị thời đại vì vở bi kịch của hành trình đi tìm sự thật - một sự thật để bảo vệ cho phẩm giá và lẽ sống của con người.
Đại diện Nhà hát kịch Việt Nam chia sẻ, để dựng vở “Hamlet” thành công, toàn bộ lực lượng của nhà hát đã được huy động, thậm chí còn mời nhiều cố vấn chuyên môn phục vụ cho một số mảng nội dung cần thiết. Đạo diễn của vở kịch “Hamlet” lần này là NSƯT Phạm Anh Tú, trong khi đó NSND Doãn Châu giữ vai trò họa sĩ sân khấu.
Phục trang cũng là một trong những yếu tố quan trọng khi phục dựng các vở kịch kinh điển, nhất là một vở yêu cầu mọi thứ phải chỉn chu như “Hamlet”, vì thế, các thiết kế trang phục được giao cho NSƯT Đoàn Thị Tình.
Bên cạnh đó, nhạc sĩ Giáng Son giữ vai trò phổ nhạc giao hưởng cho các đoạn thơ không thể đẹp hơn trong “Hamlet”. Rõ ràng, ngay từ khâu đầu tiên, Nhà hát kịch Việt Nam đã rất cẩn trọng để “chọn mặt gửi vàng” nhằm đem đến một “Hamlet” trong thời đại mới với chất lượng tốt nhất.
Trong lần dàn dựng trên sân khấu nhà hát kịch Việt Nam, “Hamlet” mang dấu ấn cách nghĩ, cách nói của người Việt Nam thế kỷ thứ XXI; một Hamlet mà những tăm tối trong mỗi con người được phơi bày một cách chân thực, dũng cảm đối diện với cái ác và quyết liệt tiêu diệt đến tận cùng tội ác mặc dù phải trả một giá rất đắt.
Đạo diễn NSƯT Anh Tú chia sẻ, “Việt hóa” một vở diễn kinh điển của thế giới như Hamlet rất khó, tuy nhiên, ê-kíp thực hiện vở này vẫn không từ nan. Thậm chí, NSƯT Anh Tú đã mạnh dạn cắt gọn kịch bản gốc của “Hamlet” để bảo đảm một suất diễn phù hợp với khán giả Việt Nam, đồng thời thêm vào một số chi tiết không có trong kịch bản gốc.
Trên sân khấu, khán giả vẫn thấy “Hamlet” vẫn là nhân vật của sự đan xen giữa cao cả và tầm thường. Cũng luôn dằn vặt, đau đớn khi tự nhìn về lựa chọn của bản thân: muốn trả thù nhưng do dự khi thủ phạm là mẹ và chú ruột, muốn tìm sự thật nhưng run sợ trước cái chết; muốn tiêu diệt cái ác, nhưng lại phải cắn răng phụ bạc bạn tình hoặc bày mưu trừ khử những đại thần đang hãm hại mình…
Chẳng hạn, cái mới của “Hamlet” phiên bản Việt ngoài cốt truyện so với kịch bản gốc, NSƯT Anh Tú đã phát triển thêm cảnh Claudius mưu sát anh trai rồi sám hối trước mộ, cảnh Ophelia tự tử trên sông băng, cảnh các nhân vật chính nói lời giã từ khi cái chết đến với tất cả.
Đặc biệt, trong vở “Hamlet” dịp này, khán giả khá bất ngờ lẫn thích thú với việc đạo diễn Anh Tú đưa trò múa dân gian Xuân Phả nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa vào một số cảnh. 5 điệu múa trò Xuân Phả với những diễn viên đeo mặt nạ được khai thác ở từng thời điểm, như đoạn về yến tiệc của nhà vua, hoặc được đại thần Poloniut mang ra giải khuây cho Hamlet vì tưởng chàng đau buồn phát điên, hay được chính Hamlet dùng làm vở kịch diễn cho vua em và hoàng hậu nhằm dò xem thái độ của họ.
Sự đan xen, lồng ghép đưa một loại hình múa dân gian như trò Xuân Phả của Việt Nam vào trong “Hamlet” tạo nên sự kết nối, đồng thời đưa trò diễn đặc sắc này có cơ hội đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.
Trong thời buổi nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí phát triển, lan tỏa và gần gũi với công chúng như hiện nay; việc dựng vở kịch kinh điển “Hamlet” và vé xem vở kịch này có giá tiền triệu, thật sự là cách làm táo bạo của “anh cả đỏ” làng kịch Việt Nam. Dù biết trước gặp không ít khó khăn từ việc dựng vở đến “đầu ra”, song Nhà hát kịch Việt Nam vẫn không chùn bước, các nghệ sĩ vẫn dành tâm huyết, tình yêu với nghề.
Hơn nữa, các nghệ sĩ không muốn công chúng yêu sân khấu luôn trong tình trạng “đói” kịch kinh điển bởi không mấy ai biết để dựng một vở lớn như “Hamlet” mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.
Nhưng hy vọng rằng, tình yêu của người nghệ sĩ, sự tìm tòi và khám phá, đổi mới mang tính kết nối như “Hamlet” phiên bản Việt mới đây sẽ tạo ra cú hích cho sân khấu kịch, đặc biệt là những tác phẩm kinh điển vốn đang rất “tối đèn” ở nhiều nhà hát kịch tại nước ta hiện nay.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cu-hich-tu-hamlet-41347.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.