Nhưng kể từ khi các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc “chấn chỉnh” quyết liệt thì sự việc này đã có nhiều chuyển biến, hàng loạt linh vật ngoại lai đã phải rời các di tích để trả lại không gian văn hóa thuần Việt vốn có. Liên quan đến sự việc này, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 1 Phạm Ngũ Lão, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang diễn ra Triển lãm chuyên đề “Linh vật Việt Nam” diễn ra từ nay đến hết tháng 2/2016.
![]() |
Tượng rồng trên ấn “Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo” bằng vàng thời Nguyễn được giới thiệu tại triển lãm “Linh vật Việt Nam” |
Đã lâu lắm rồi công chúng mới lại được thưởng thức một triển lãm chuyên đề về các linh vật mang đậm phong cách và văn hóa Việt Nam như triển lãm ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện nay. Còn nhớ vào dịp tháng 7/2014, một triển lãm tương tự về linh vật Việt được tổ chức, tuy chỉ giới hạn trong hình tượng sư tử và nghê đá nhưng đã giúp cho công chúng có cái nhìn đúng đắn hơn về “bản sắc, văn hóa” có từ ngàn đời nay.
Nghĩa là năm ngoái, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Nam Định đã phối hợp tổ chức triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”.
Tại triển lãm này, lần đầu tiên 60 hiện vật từ thời Lý, Trần, Hậu Lê đến triều Nguyễn cùng nhiều hình ảnh, các bản vẽ đạc họa, tường giải trên cơ sở nghiên cứu hiện vật... hình tượng sư tử và nghê được giới thiệu đã góp phần làm sáng tỏ tính thuần Việt trong mỗi hình tượng sư tử, nghê do chính người Việt tạo tác.
Theo đó, hình tượng sư tử, nghê Việt Nam tại triển lãm năm ngoái xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc luôn toát lên sự hiền hòa, gần gũi với sức mạnh ý chí ẩn chứa bên trong, khác biệt hoàn toàn với yếu tố “trợn mắt, nhe nanh” đầy hung tợn thường thấy tại các sư tử, nghê ngoại lai.
Ở đó công chúng nhận ra, xuất phát từ những con vật gần gũi với nhà nông, người Việt trước đây đã sáng tạo ra những linh vật như nghê, sư tử nghê với mong muốn biến những con vật gần gũi trở thành những linh vật mang theo mong ước mưa thuận gió hòa. Và dù ở bất cứ giai đoạn phát triển nào, hình tượng sư tử, nghê đều rất thân thiện, hiện diện chan hòa với đời sống của người dân Việt.
Triển lãm chuyên đề ấy góp phần giúp công chúng được khám phá và tìm hiểu về nét đẹp tạo hình cũng như ý nghĩa biểu tượng văn hóa của linh vật nghê, sư tử trong kho tàng di sản nghệ thuật cổ Việt Nam.
Sau một thời gian sự việc linh vật ngoại lai dần được loại bỏ khỏi chùa, đình, đền ở nước ta thì những triển lãm như trên cũng tạm lắng xuống. Nhưng tới hôm nay, triển lãm chuyên đề “Linh vật Việt Nam” tiếp tục được mở ra như để tiếp thêm những giá trị mà triển lãm trước đó đã làm được.
Triển lãm mới nhất được xem như là một bức tranh tương đối đầy đủ, tổng quát về những con vật huyền thoại gắn liền với đời sống người Việt, trải suốt từ thời dựng nước Văn Lang - Âu Lạc cho đến triều Nguyễn.
“Linh vật Việt Nam” giới thiệu khoảng 100 hiện vật tiêu biểu về các loại linh vật có niên đại từ thời kỳ dựng nước đến thời nhà Nguyễn, được chia theo các nhóm: vật tổ trong văn hóa Đông Sơn, hình tượng rồng, hình tượng kỳ lân, hình tượng hạc, hình tượng uyên ương, sư tử - nghê, 12 con giáp...
Tại triển lãm này, công chúng có lẽ lần đầu tiên được chiêm ngưỡng gương đúc nổi hình rồng (chất liệu đồng, thế kỷ I – III), lá đề hình phượng (chất liệu đất nung, thời Lý), bộ tượng khỉ “Tam không” (chất liệu đá, thời Lý), cặp sư tử chầu (chất liệu gỗ, thời Nguyễn)…
Đặc biệt, cũng có những linh vật mà ít người trong chúng ta biết tới về sự tồn tại trong một thời gian ngắn, như hiện vật ngựa có cánh (hay còn gọi là Pegasus) có xuất xứ từ thần thoại Hy Lạp, du nhập vào Việt Nam trong thế kỷ XV.
Bên cạnh đó, triển lãm “Linh vật Việt Nam” còn giới thiệu đến du khách linh vật kém phổ biến hơn với số đông như Bồ Lao. Theo đó, Bồ Lao theo truyền thuyết là động vật biển, thích âm thanh lớn nhưng rất sợ cá kình. Người xưa khi đúc chuông thường tạo quai hình bồ lao, dùi làm hình cá kình với hy vọng chuông vang xa.
Ở Việt Nam, Bồ Lao thường được thể hiện dưới dạng hình rồng hai đầu. Không những thế, triển lãm này còn dùng công nghệ trình chiếu tương tác 3D một số hiện vật đặc sắc không có điều kiện trưng bày nhằm cung cấp cho khán giả cái nhìn đa chiều, sâu sắc hơn về linh vật Việt.
Có thể dễ dàng nhận thấy, chúng ta đã và đang làm nhiều cách để giúp người dân hiểu hơn về tầng sâu văn hóa của các linh vật Việt bằng việc mở ra các triển lãm chuyên đề như đã nói trên. Những triển lãm như vậy sẽ cho công chúng hiểu hơn về lịch sử, văn hóa dân tộc. Quan trọng hơn, người dân sẽ có thêm kiến thức để tự nhận ra đâu là linh vật Việt, đâu là linh vật ngoại lai để sử dụng trong các không gian văn hóa linh thiêng, khu vực công sở…
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tu-trien-lam-linh-vat-thuan-viet-41237.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.