Việt Nam sẽ trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới
20:16 | 24/10/2015
Ngày 24/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc (MTTQ) Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015”.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 180 đại biểu từ các Ban của Đảng, Quốc hội, các Bộ, ban, ngành TW, các địa phương, các hiệp hội, các nhà khoa học và chuyên gia trong nước, quốc tế.
Hiện nay, trên thế giới đang hình thành nhiều xu hướng dịch chuyển khác nhau của các trung tâm chế biến, chế tạo. Trong đó, một xu thế chủ đạo là sự chuyển dịch các trung tâm chế biến, chế tạo từ các nền kinh tế phát triển sang các nước đang phát triển.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện đang có các yếu tố “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” để Việt Nam có khả năng là điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia trong làn sóng dịch chuyển này trong vòng 20 năm tới.
Trong bối cảnh đó, việc nhận diện được xu thế, đánh giá đúng khả năng và nguồn lực, đề xuất các giải pháp toàn diện và đồng bộ cho phát triển Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới trong thời gian tới là rất cần thiết.
GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong bài phát biểu khai mạc đặt kỳ vọng các đại biểu trong và ngoài nước hãy giúp làm thật rõ các cơ sở kinh tế và các lý do khác của khả năng Việt Nam có thể trở thành trung tâm chế biến, chế tạo; các điều kiện, lợi thế và thách thức cũng như những việc cần làm để chủ động đón nhận xu hướng này.
Phát biểu tại hội thảo, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, trong cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam hiện nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng một vai trò quan trọng, là động lực trụ cột cho tăng trưởng kinh tế.
Từ đầu năm 2012 đến nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam luôn thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển một ngành công nghiệp thịnh vượng, bền vững ở nước ta.
Lượng vốn FDI chảy vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng vốn đăng ký của cả nước đã tăng đều trong thời gian vừa qua (năm 2011 chiếm 50%, năm 2012: 70%, năm 2013: 76,6%, năm 2014: 72%). Hiện đã có tới 80/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI tại Việt Nam đã đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp này.
“Như vậy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế nổi bật để có thể trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển của các DN trong lĩnh vực này lại không đồng đều, sự bứt phá tập trung chủ yếu tại các DN có yếu tố xuất khẩu, đầu tàu là khối FDI, trong khi các DN nội địa vẫn còn nhiều khó khăn trong bối cảnh sức cầu trong nước phục hồi yếu hơn mong đợi”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.
Tất cả các ý kiến đóng góp tại hội thảo và tất cả các bài nghiên cứu có trong kỷ yếu của hội thảo đều ghi nhận, Việt Nam đang thực sự có cơ hội và có đủ các điều kiện để trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của toàn cầu. Trong đó, các ngành như dệt may, da giày, điện tử, điện máy, cơ khí và năng lượng là những ngành mà Việt Nam nên tập trung để trở thành trung tâm chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, các khó khăn, khiếm khuyết cũng còn vô số để Việt Nam có thể thực sự nắm được cơ hội đó. Nổi lên là vấn đề cơ chế chính sách; khả năng kết nối giữa DN trong nước với các DN FDI; công nghiệp phụ trợ kém phát triển; năng lực công nghệ yếu… Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra nhiều đề xuất về chính sách và giải pháp để thực hiện nắm bắt được cơ hội này.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia nước ngoài đến từ các nền kinh tế đã từng là trung tâm chế biến chế tạo như Nhật, Malaysia, Đài Loan… cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm thành công và thất bại trong quá trình trở các trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới và có những gợi ý, đề xuất cho Việt Nam.
Đỗ Lê