Trung Quốc suy giảm, Bắc Á suy thoái

Sự suy giảm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có những tác động mạnh đến tăng trưởng khu vực Bắc Á và có nguy cơ đẩy một số nền kinh tế ở khu vực này rơi vào suy giảm.

Kinh tế Trung Quốc đi xuống

Giới phân tích cho rằng, việc GDP của Trung Quốc chỉ tăng 6,9% trong quý III vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng hàng quý thấp nhất kể từ quý I/2009 cho thấy nền kinh tế này đang trải qua một quá trình tái cân bằng “đau đớn” hơn người ta tưởng.

Trung Quốc suy giảm, Bắc Á suy thoái
Triển vọng tăng trưởng của nhiều nền kinh tế khu vực Bắc Á ảm đạm vì kinh tế Trung Quốc

Với sự giảm sút của nền kinh tế đang chiếm tới 16% GDP toàn cầu – tăng mạnh từ mức 10% của một thập kỷ trước đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo khu vực Bắc Á (bao gồm cả các nền kinh tế xuất khẩu lớn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan) sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 5,5% trong năm nay. Đây là mức dự báo tăng trưởng thấp nhất cho khu vực kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Sự tăng trưởng cao và tự do hóa ở Trung Quốc, đặc biệt là sau khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 đã góp phần quan trọng thúc đẩy thương mại châu Á. Chuỗi cung ứng lan rộng khắp khu vực, với việc các nhà máy, công xưởng tại Trung Quốc đã “hút” mọi nguyên, nhiên liệu để làm ra các sản phẩm điện tử, điện thoại và nhiều loại hàng hóa thành phẩm khác xuất đến các thị trường phương Tây. Nhưng hiện nay, dường như mọi thứ đã khác.

Chỉ số PMI ngành sản xuất tại Trung Quốc cũng như hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đã suy giảm liên tục, các đơn đặt hàng mới giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu năm 2009 trong khi hàng tồn kho chất đống. Điều đó có nghĩa là sản xuất có thể tiếp tục suy giảm trong thời gian tới.

Khiến Bắc Á lao đao

Xuất khẩu của Nhật Bản chỉ tăng 0,6% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 8/2014. Các chuyến hàng đến Trung Quốc giảm 3,5% trong tháng 9 là một phần quan trọng khiến xuất khẩu của Nhật kém khả quan. Số liệu xuất khẩu yếu kém của Nhật Bản làm gia tăng quan ngại nền kinh tế này có thể rơi vào suy thoái trong quý III, nhất là trong bối cảnh một đồng Yen yếu vẫn không đủ sức hỗ trợ cho các lô hàng xuất khẩu tăng lên.

"Với định hướng xuất khẩu mạnh vào thị trường Trung Quốc thì không có nghi ngờ gì khi sự suy giảm của Trung Quốc tất yếu sẽ “gõ cửa” các nền kinh tế Bắc Á, dù trực tiếp hay gián tiếp" - Vishnu Varathan, một nhà kinh tế cao cấp của Ngân hàng Mizuho nhận định.

Tập đoàn Yaskawa Electric Corp của Nhật Bản – tập đoàn chuyên về tự động hóa trong các nhà máy và người máy với 20% doanh số bán hàng là vào thị trường Trung Quốc - vừa thông báo hạ triển vọng doanh thu với lý do chính là sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc.

Trong khi đó, hãng công nghệ Nhật Bản Nidec Corp ngày 21/10 dù công bố lợi nhuận hoạt động quý II đạt cao hơn nhưng vẫn giữ triển vọng kém lạc quan cũng với cùng lý do là lo ngại kinh tế Trung Quốc suy giảm.

Yasuo Sakuma, một nhà quản lý quỹ tại Bayview Asset Management ở Tokyo cho rằng, ông không nhìn thấy tình hình sẽ sớm cải thiện cho các công ty như Yaskawa hay Nidec. "Chúng ta vẫn cần giữ quan điểm thận trọng bởi chưa nhìn thấy mức đáy trong các đơn đặt hàng" - Sakuma nói.

Nhìn qua các nền kinh tế khác trong khu vực. Xuất khẩu của Hàn Quốc giảm tới 8,4% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm trước trong khi đơn hàng xuất khẩu của Đài Loan cũng giảm 4,5% (riêng đơn đặt hàng từ Trung Quốc giảm tới 9,8%).

Hoạt động xuất nhập khẩu suy giảm khiến các nhà vận tải hàng hóa đường biển và đường hàng không ở châu Á đang cảm thấy áp lực nặng nề hơn. Với họ, có lẽ con đường thúc đẩy hoạt động kinh doanh tăng duy nhất trong thời điểm hiện nay là kỳ vọng vào sự gia tăng các lô hàng trước Giáng sinh sang Mỹ.

"Chúng tôi đang thấy một số khối lượng hàng hóa cần vận chuyển tốt từ Trung Quốc. Nhưng rất khó để có được mức năng lực vận tải hàng không tối đa trong năm nay” – Giám đốc điều hành mảng vận tải hàng hóa và tiếp thị Mark Sutch của Cathay Pacific cho biết.

Trong khi đó, theo công ty xếp dỡ hàng hóa Hong Kong Air Cargo Terminals (HACTL), tình hình hoạt động gần như không có cải thiện so với năm ngoái. "Suy giảm ở Trung Quốc đang tác động đến Hồng Kông theo một loạt các cách khác nhau, bao gồm cả vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không. Tôi không nhìn thấy triển vọng tăng trưởng đáng kể nào trong ngắn hạn dù về dài hạn thì tôi vẫn tin vào một sự tăng trưởng mạnh mẽ” - Giám đốc điều hành Mark Whitehead của HACTL nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động xuất khẩu ảm đạm của khu vực Bắc Á sẽ còn tiếp tục trong một thời gian nữa. “Tình hình này ít nhất phải kéo dài tới nửa đầu 2016. Rất có thể từ sau đó, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ chạm đáy và tiêu dùng sẽ tăng lên đôi chút” – chuyên gia VishnuVarathan của Mizuho nhận định.

Việc dòng vốn bị rút ra mạnh gây áp lực lớn hơn với đồng NDT, nên có thể NHTW Trung Quốc sẽ phải có thêm các giải pháp để hỗ trợ đồng tiền này. Trong các tháng 7, 8, 9 vừa qua, Trung Quốc đã can thiệp mạnh vào thị trường tiền tệ, với việc chi ra 230 tỷ USD để ngăn đà mất giá của đồng NDT.

Theo báo cáo 6 tháng của Bộ Tài chính Mỹ, ước tính có khoảng 520 đến 530 tỷ USD đã bị rút ra khỏi Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 8 đã có khoảng 200 tỷ USD bị rút đi trong khi cả năm 2014, con số này chỉ là 26 tỷ USD.

Như vậy, dòng tiền đang được rút ra khỏi thị trường này khá mạnh, bất chấp những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong trấn an các NĐT đang lo ngại về suy giảm kinh tế, sự biến động mạnh của TTCK và sự mất giá mạnh của đồng NDT trong năm nay.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/trung-quoc-suy-giam-bac-a-suy-thoai-40891.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.