![]() |
Ảnh minh họa |
Trước đây, ngưỡng vốn quy định đối với dự án phải thực hiện thủ tục này là 15 tỷ đồng. Có thể thấy đây là một trong những điểm nới lỏng mạnh tay của cơ quan quản lý đối với các dự án ĐTRNN.
Quy định mới này vừa được đưa ra trong Nghị định số 83/2015/NĐ-CP (NĐ 83) do Chính phủ ban hành. Riêng đối với các dự án thuộc lĩnh vực NH, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông, nếu có số vốn đầu tư dưới 400 tỷ đồng, cũng sẽ được miễn thủ tục thẩm tra.
Đây có thể xem là thay đổi lớn nhất trong trình tự thủ tục cấp mới, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký ĐTRNN. Với quy định này, quá trình thực hiện thủ tục của DN sẽ được thông thoáng, đơn giản hơn rất nhiều so với trước đây, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho NĐT.
Bên cạnh đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các quy định về điều kiện, hồ sơ, quy trình cấp Giấy chứng nhận ĐTRNN đã quy định cụ thể, chi tiết hơn. Đồng thời vai trò phối hợp giữa các cơ quan quản lý cũng đã được quy định rõ ràng hơn.
Theo đó, đối với các dự án thuộc diện phải có quyết định chủ trương ĐTRNN của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ của NĐT để lấy ý kiến thẩm định của các bộ, ngành liên quan cùng các cơ quan có thẩm quyền khác như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, NHNN…
Điểm đáng chú ý khác là quy định rõ ràng hơn về vai trò phối hợp quản lý của NHNN trong việc thẩm tra hồ sơ dự án có sử dụng ngoại tệ, cơ quan soạn thảo Nghị định đã thể hiện sự tăng cường giám sát chặt chẽ hơn đối với các dự án ĐTRNN.
Cụ thể, đối với các dự án không thuộc diện phải có quyết định chủ trương ĐTRNN, trường hợp dự án cấp mới hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có số vốn chuyển ra nước ngoài bằng ngoại tệ tương đương 20 tỷ đồng (hoặc 1 triệu USD) trở lên, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của NHNN. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN có ý kiến bằng văn bản trả lời.
Một điểm thay đổi khác so với quy định hiện hành, đó là hiện nay chỉ có các dự án khai thác dầu khí là được thực hiện chuyển tiền ra nước ngoài để thực hiện các hoạt động nghiên cứu tiền khả thi theo quy định riêng.
Các dự án còn lại chỉ được chuyển tiền ra nước ngoài sau khi đã có Giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên NĐ 83 đã mở rộng diện dự án được chuyển ngoại tệ, hàng hoá, máy móc, thiết bị ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận ĐTRNN để thực hiện các hoạt động khảo sát ban đầu.
Dù tạo thuận lợi hơn cho NĐT, song luật cũng không quên việc kiểm soát dòng vốn ra nước ngoài thông qua hình thức đầu tư này. Theo đó, hạn mức chuyển ngoại tệ đối với các hoạt động này không vượt quá 5% tổng vốn ĐTRNN và không quá 300.000 USD, đồng thời số này được tính vào tổng vốn ĐTRNN.
TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, việc nới lỏng thủ tục song thông thoáng hậu kiểm đối với dự án ĐTRNN sẽ góp phần quản lý hiệu quả hơn các dự án này. Ông cho biết hiện nay nhiều dự án ĐTRNN đang tồn tại tình trạng khó kiểm soát, quản lý, do khung pháp luật quy định hoạt động này còn lỏng lẻo.
Điều này dẫn đến tình trạng một số dự án đầu tư vốn tư nhân không triển khai được hoặc chấm dứt trước hạn, một số dự án sử dụng vốn Nhà nước chậm tiến độ, tình trạng không tuân thủ các quy định về báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư vẫn còn tồn tại ở nhiều dự án… song cơ quan quản lý không thể nắm bắt và theo dõi tình hình hoạt động thực chất của dự án.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thoang-cap-phep-chat-hau-kiem-40887.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.