![]() |
Ảnh minh họa |
Sinh ra trong một gia đình có kinh tế khó khăn. Bố làm bảo vệ. Mẹ nấu rượu bán. Chị bị căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, cơ thể cao hơn 80 cm, nặng 30 cân, luôn nằm một chỗ, không đứng và đi lại được.
Năm chị 15 tuổi, gia đình chị chuyển từ Phú Xuyên lên phường Kim Liên- Hà Nội để sinh sống cho tiện công việc. Mẹ chị cũng chuyển sang làm nghề may thay cho nghề nấu rượu. Một lần nằm xem ti vi chị thấy giới thiệu về Trung tâm của người khuyết tật Vì Ngày mai. Nhìn những người khuyết tật vẫn có thể làm việc và kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, khiến chị rất muốn theo học.
Nhìn mẹ cặm cụi sửa từng chiếc áo, chiếc quần cho khách dù tiền công rất rẻ, chị càng quyết tâm đi học nghề hơn. Nhưng mong muốn đó của chị đã không được bố mẹ đồng ý. Bởi từ ban đầu, bố mẹ chị đã không nghĩ là chị có thể làm việc. Từ lúc sinh ra chị đã được bố mẹ bao bọc và không đặt kỳ vọng bất cứ điều gì ngoài mong muốn chị sống vui vẻ.
Nhưng khi bố chị phải nghỉ hưu mất sức sớm, một mình mẹ chị phải chăm lo cho cả nhà nên chị hạ quyết tâm xin đi học. Chị viết thư cho trung tâm xin họ về nhà dạy nhưng không được. Cuối cùng, chị đến tận trung tâm để học. Trung tâm cách nhà hơn 10 cây số, mỗi sáng mẹ chị bế chị lên xe đưa đi, tối lại đón về.
Chị học nghề 3 tháng, sau đó nhận hàng về nhà làm. Ban đầu, học làm đèn bằng khuy áo với tiền công là 70.000 đồng. Hồi đó mất đến hai tuần mới xong được một chiếc nhưng chị vẫn vui vì đó là đồng tiền do chính chị làm ra.
Những đồng tiền công đầu tiên ấy đã bồi đắp khao khát thay đổi cuộc sống của chị. Chị chia sẻ: “Chị muốn thay đổi cuộc sống của mình. Một tháng kiếm được 100.000 đồng – 200.000 đồng chị cũng vui, dù chừng đó chưa thể nuôi sống bản thân”.
Khi đèn bằng khuy áo khó bán mà mất nhiều công, chị không làm nữa mà chuyển sang học đan len để bán ở cửa hàng quần áo của chị gái. Bán được, chị tích tiền với mục tiêu mua máy tính. Thời gian sau, chị gái chị mua một chiếc máy tính cũ cho em trai chị học kế toán. Chị được dùng ké, mỗi lần dùng nhờ máy tính, em trai chị phải bế chị lên bàn học để nằm mà tập sử dụng. Sáng em trai dùng thì chiều chị dùng.
May mắn đến với chị vào một ngày chủ nhật, khi đang nói chuyện với một anh bạn khiếm thị Việt kiều ở Úc thì máy tính tự động bị tắt. Mãi mới khởi động lại được, anh bạn kia thấy vậy hỏi: “Sao tự nhiên đang nói chuyện lại đi đâu mất?”. Chị đã hồn nhiên trả lời do máy cũ quá bị hỏng. Biết được điều đó, anh bạn kia đã ngỏ lời giúp đỡ chị để có một cái máy tính. Đó là năm 2007.
Với 5 triệu bạn giúp đỡ cùng với 3 triệu chị giành dụm được chị mua một chiếc máy tính. Vậy là sau 3 năm mơ ước, chị đã có được chiếc máy tính của riêng mình để có thể lên mạng bán hàng. Chị thuê người lập web với tên thuongthuong.net. Và đó chính là cánh cửa lớn đã mở ra cho cuộc đời của chị. Cái tên Thương Thương ngày càng được nhiều người biết đến với các sản phẩm thủ công tinh tế.
Ước mơ xây dựng một trung tâm, chị Thương đã ấp ủ suốt 10 năm. Lúc đầu chị dạy các lớp đơn lẻ từ 2-3 bạn. Sau 2 tháng các bạn mang hàng về nhà làm rồi gửi sản phẩm cho chị bán. Nhưng rồi chị nghĩ cái nghề thủ công này cần có sự làm việc tập trung để tiện lấy nguyên liệu, tiến độ làm ra sản phẩm cũng nhanh hơn, chất lượng tốt hơn.
Sau 10 năm lao động miệt mài, chị tích lũy được hơn 400.000.000 đồng. Số tiền mà không phải người khuyết tật nào cũng có thể tự làm và tích lũy được. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ để xây trung tâm. Năm 2013, khi Nick Vujicic đến Việt Nam, chị may mắn được vào miền Nam nghe Nick diễn thuyết và mẹ chị cũng có mặt trong buổi diễn thuyết đó: “Bố mẹ tôi luôn luôn ủng hộ những gì tôi muốn và những gì tôi làm”.
Câu nói đó của Nick đã động đến được trái tim của mẹ chị. Sau chuyến đi đó về, bố mẹ đã giúp chị thêm vốn, để cho chị mảnh đất dưới quê làm nền xây trung tâm.
Hiện tại trung tâm chị có 14 học viên, một tháng mỗi bạn chỉ phải nộp 300.000 đồng tiền ăn ở. Số tiền đó là không đủ cho chi tiêu cả tháng đối với mỗi người. Thế nhưng, có những bạn tay rất yếu, một tháng chỉ làm được 1000.000 đồng. Thu tiền các bạn như vậy để các bạn còn có chút để dành. Còn lại thiếu đâu chị Thương lại tự bỏ tiền ra để hỗ trợ học viên của mình.
Những học viên hiện làm ở đây hầu hết đã hơn 1 năm. Bạn làm được nhiều nhất lương tháng cũng được 2.000.000 đồng, ít nhất cũng được 1.000.000 đồng tính theo sản phẩm. Cho tới giờ chị Thương luôn đau đáu việc muốn trả lương cao hơn cho các bạn, mà không thể. Bởi không trực tiếp gặp được khách hàng nên hầu hết các sản phẩm đều là bán buôn với giá rẻ hơn rất nhiều so với bán lẻ.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/doi-tay-mem-ma-khong-yeu-40836.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.