Sự việc đến nay vẫn chưa ngã ngũ vì cả hai có quan điểm, lập trường cũng như lý lẽ riêng. Nhưng trong trường hợp nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đưa sự vụ này ra tòa như từng tuyên bố, ai cũng thấy nữ nhà thơ sẽ thắng vì anh Ngô Xuân Phúc hiện tại “tay trắng” về mặt bằng chứng để khẳng định “Tổ quốc gọi tên” là của anh!
![]() |
Bản thảo viết tay bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai |
Cuối tháng 9/2015, anh Ngô Xuân Phúc chia sẻ trên trang facebook cá nhân đã sáng tác bài thơ từ hồi năm 2008, đã công bố trên blog cá nhân và các trang mạng khác, sau đó vì thay đổi công việc nên đã xoá blog cũ, có một số người đọc bài thơ của anh trên blog và khen hay.
Bên cạnh đó, bản thảo viết tay bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của anh không còn vì công việc phải di chuyển nhiều nơi. Bên cạnh đó, bài thơ anh lưu trong máy vi tính bị mất do máy tính hư…
Rõ ràng, những cứ liệu chỉ dựa vào trí nhớ và lời nói, nếu khi phải phân định trắng đen ai là tác giả “Tổ quốc gọi tên” trước tòa, anh Ngô Xuân Phúc sẽ khó lật ngược được tình thế.
Dư luận đến nay chia thành hai ngả trong việc ai mới thật sự là tác giả bài thơ “Tổ quốc gọi tên”, một số người ủng hộ anh Ngô Xuân Phúc và số còn lại tin tưởng nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Còn người viết bài này thì lại nghĩ đến việc cả hai người đều có “Tổ quốc gọi tên” của riêng mình để vụ việc lắng xuống, trôi qua nhẹ nhàng.
Vì rằng, việc tranh chấp một tác phẩm văn học có liên quan đến tình cảm của người viết dành cho đất nước, non sông như “Tổ quốc gọi tên” thật sự không nên làm lớn chuyện, đặc biệt phải đưa nhau ra tòa. Nếu có một người thắng và một người thua trước sự phán xét của pháp luật, thì chắc chắn người thua sẽ bị công chúng lên án vì ý thức sáng tạo nghệ thuật kém.
Và quan trọng nhất, người thua cuộc sẽ được hầu hết công chúng nhìn nhận là người yêu tổ quốc một cách giả tạo, nhận bừa sự sáng tạo trí óc của người khác là của mình?!
Quan sát và theo dõi sự việc này, người viết bài không có ý nghĩ anh Ngô Xuân Phúc là người muốn nổi tiếng, ngớ ngẩn khi tự nhiên đứng ra nhận là tác giả “Tổ quốc gọi tên”, nay bài thơ đã trở thành ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” qua phần nhạc của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn.
Bởi những gì anh Phúc chia sẻ với báo giới, truyền thông trong thời gian qua, theo người viết bài không hề có biểu hiện tâm lý bất thường. Tiếp nữa, anh Phúc – với tư cách là một thầy giáo và là người lính trong quân đội sẽ không tự bán rẻ danh dự, phẩm chất và dại dột đến mức tự gây ra sóng gió cuộc đời bằng cách nhận một bài thơ nổi tiếng của một tác giả cũng rất nổi tiếng như Nguyễn Phan Quế Mai. Ý thức của một giáo viên và một người lính như anh Phúc, trong lúc tâm lý tỉnh táo rất khó để bị dẫn lối, chỉ đường vào một sự việc sai trái?!
Người viết bài này cũng tin ở nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, trước hết là những chứng cứ mà chị đã đưa ra như sáng tác bài thơ “Tổ quốc gọi tên” trên một chuyến bay từ Việt Nam đến nước ngoài, thời gian gửi bài thơ cho các báo ở nước ta đăng tải, có người làm chứng, bản thảo viết tay, bản mềm trên máy tính… chị đều có cả.
Hơn nữa như ai cũng biết, chị là người viết chuyên nghiệp, ý thức sáng tạo, sáng tác văn chương… của chị đã được giới trong nghề và bạn đọc công nhận. Tài năng và tình yêu tổ quốc của Nguyễn Phan Quế Mai đã phần nào được khẳng định trong không ít tác phẩm đã giới thiệu đến công chúng yêu thơ thời gian qua như: “Là Việt”, “Đồng Lộc”, “Thời gian trắng”, “Hà Nội”, “Những ngôi sao hình quang gánh”…
Việc tranh chấp bản quyền hay “đạo thơ”, các tác phẩm văn học ở nước ta không còn là chuyện hiếm. Nhưng cũng phải nghĩ đến một “điều không tưởng” là những người sáng tác, biết đâu họ không hề quen biết nhau, cách nhau rất xa về mặt địa lý nhưng trước một sự việc, hiện tượng, câu chuyện nào đó thì họ lại có cùng ngôn ngữ, ý tứ, cách hành văn, thông điệp nghệ thuật trong một tác phẩm văn học?
Khi ấy “tư tưởng lớn” gặp nhau, việc hai người có tác phẩm giống nhau 75 – 80% như tác phẩm “Tổ quốc gọi tên” có thể xảy ra, không thể nói trước được điều gì?
Dù sao, người viết bài này vẫn hy vọng anh Ngô Xuân Phúc và nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai là những người có “tư tưởng lớn” gặp nhau, họ cùng có “Tổ quốc gọi tên” của chính mình và không ai đạo hoặc lấy của ai.
Nếu điều đó xảy ra (dù rất ít người không dám tin) thì tình cảm của người sáng tác đối với tổ quốc mới tròn đầy. Và hơn cả, khi ấy tổ quốc sẽ không gọi tên một trong hai người ra trước ánh sáng để kết luận “đây là người không trung thực”!
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/to-quoc-luon-goi-ten-chung-ta-40514.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.