Nhỏ mà không nhỏ
Trong hình ảnh mang tính biểu dụ trên, rác là rác cá nhân, hậu quả là hậu quả chung, thế nên "cha chung không ai khóc". Đó là một trong những lý do vì sao có nhiều cái "rác cá nhân" được xả ra môi trường công cộng đến vậy.
Đó có thể là chiếc vỏ hộp ai đó vừa uống xong nhét trên cửa sổ cầu thang chung cư, là bọc rác một hộ dân nào đó vứt bừa ra đường cái, là "rác ngôn từ, rác hình ảnh" với những tiếng chửi thề và sự khoe thân của một bộ phận bạn trẻ xốc nổi lan truyền lên mạng, là tiếng rú ga, tiếng nhạc xập xình inh ỏi giữa đêm khuya...
![]() |
Không ít bạn trẻ đã học được cách giúp đỡ người khác |
Công cộng là một nơi đặc biệt, giống như một căn phòng chung, và một người có thể lập tức làm "ô nhiễm" cho rất nhiều người. Do đó, khi bước vào không gian ấy, người ta cần học cách tiết chế cái tự do của mình để khỏi ảnh hưởng đến mọi người, khả năng tiết chế càng tốt, sự thể hiện văn hóa càng cao.
Nếu không thế thì có làm sao không? Trước mắt cũng không chết ai, khi cái vỏ chuối vứt ngoài đường không làm người chạy phía sau đổ xe trượt ngã, khi cái gác chân của người ngồi sau trên xe buýt không dẫn đến bực tức đánh nhau tóe máu đầu. Thế tiết chế ít thì có làm sao không? Thì đôi khi vài con sâu cũng đủ để khiến phải đổ bỏ cả nồi canh.
Bức tường nhà văn hóa đẹp thế kia, nhưng chỉ cần bạn nào đấy xịt sơn vẽ lên vài câu chửi bậy, kèm theo vài hình ảnh minh họa cũng bậy không kém, thì xem như phải sơn lại cả cái tường. Một bọc rác sáng sớm bà chủ nhà lười đi vứt, quăng đại qua trước cửa nhà hàng xóm cho xong, thì có nguy cơ tình làng nghĩa xóm giữa hai nhà đó coi như đổ bỏ.
Mà không chỉ vậy, ý thức cộng đồng là cái rất lạ, nó sẽ không bao giờ trở thành thói quen chung được nếu không được tất cả tuân thủ, hoặc ít ra là đại đa số. Nếu không, tâm lý a dua "họ làm được thì tôi cũng làm được, tội gì tôi phải giữ gìn trong khi khối kẻ phá hoại ngoài kia" sẽ nảy sinh ngay lập tức.
Bảy người đến đúng giờ phải ngồi chờ ba người đến trễ, lần sau bảy người kia cũng sẽ đến trễ để khỏi phí thời gian chờ đợi của mình. Do đó, nếu vài người thiếu ý thức khơi mào, họ sẽ kéo theo hàng loạt những hành vi bắt chước khác.
Không chỉ ảnh hưởng đến cái chung, mỗi hành vi nơi công cộng còn thể hiện trình độ văn hóa của mỗi người. Cũng chính vì vậy mà có người nói rằng, ở những nơi công cộng, người ta có thể dễ dàng nhận ra ai là người có văn hóa, hay ở mức độ nào. Giống như chỉ cần đầu cây kim lộ ra, người ta sẽ biết "trong bọc đó có cây kim đấy!"
Một "hot-boy" với hàng nghìn người hâm mộ, đăng một dòng “rác ngôn từ” lên mạng xã hội, liệu bao nhiêu người sẽ vỗ tay khen? Một "hot-girl" mặc quần lửng và một chiếc áo không còn gì để hở vào trường, nói chuyện văng tục trong lớp học, liệu bao nhiêu thầy cô và bè bạn sẽ khen là “tuyệt đó”? "Xả rác cá nhân" giống như nắm một nắm bùn ném ra nơi công cộng, và người dơ tay đầu tiên chắc chắn sẽ là người ném.
Văn hóa ứng xử nơi công cộng thể hiện qua từng hành vi rất nhỏ. Mà tưởng là nhỏ, nhưng mỗi hành vi đó lại là biểu hiện của cả một "nền ý thức" được hình thành một cách lâu dài bên trong mỗi con người, mỗi dân tộc. Chính nền tảng ấy giúp một dân tộc biết tôn trọng kỷ luật, tôn trọng người khác, giúp xã hội luôn trật tự và ổn định dù bất cứ hoàn cảnh nào.
Thế giới luôn ngưỡng mộ người Nhật Bản biết tôn trọng cái chung, kiên nhẫn xếp hàng, luôn luôn trật tự... Chính lối cư xử ấy đã giúp họ giữ được an ninh, cư xử vẫn rất văn minh khi xảy ra trận động đất sóng thần tàn khốc vài năm trước. Thế cho nên, hành vi ý thức nhỏ thường ngày mà thể hiện cả một văn hóa lớn.
Nhân lên từ những đốm lửa nhỏ
Hễ nhắc đến giải pháp cho thói quen ứng xử nơi công cộng, hầu như ai cũng nghĩ đến hai từ "ý thức". Mà để trông vào việc người ta tự ý thức, để nơi công cộng tự đẹp đẽ và yên lành, tốt nhất là nên chủ động khêu gợi lên cái nhân văn, vì nhiều lý do, đã ẩn náu đâu đấy trong sâu thẳm của mỗi con người bằng cách kiên quyết đấu tranh với những hành vi lệch chuẩn.
Giả sử bạn vào xếp hàng trong một trạm xăng, một người chạy vào chặn đầu giành đổ trước, nếu bạn không dám nhắc nhở: "Anh/chị ơi xếp hàng" vì sợ bị đánh bầm tím giữa chốn đông người, thì cứ kiên quyết đóng sập cốp xe lại, quay đầu và đi thẳng tìm chỗ đổ xăng khác nếu nhân viên bán xăng không tuân theo thứ tự trước sau.
Dẫu biết 50 nghìn đồng bạn mua hàng, thì với một cây xăng cũng chẳng có nghĩa lý gì mấy, và những người xung quanh cũng có thể xem mình như một đứa ngốc, nhưng đấy là hành động không thỏa hiệp với cái hành vi ngang ngược thiếu văn minh ấy. Dù là nói trực tiếp hay bằng phản ứng, điều quan trọng là chúng ta phải biết lên tiếng vì quyền lợi chính đáng của mình và những người xung quanh.
Nói rộng ra một chút, ở nhiều nước, pháp luật quy định những khoản phạt rất nặng cho các hành vi vi phạm văn hóa, xâm hại đến quyền lợi của người khác và cộng đồng. Việc xử phạt các vi phạm sẽ góp phần không nhỏ để tạo ra thói quen sống có nề nếp, tôn trọng người khác.
Hơn nữa, các băng-rôn biểu ngữ thay vì mang nội dung sáo rỗng, hãy thay bằng những hướng dẫn cụ thể và hình vẽ minh họa định hướng cho lối sống văn minh, kiểu như: “Người có văn hóa luôn tự giác xếp hàng”; hay “Người có văn hóa không văng tục chửi bậy!” hay “Đừng nói chuyện điện thoại to vì bạn cần tôn trọng người khác!”.
Gần đây, có thông tin về một “Hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP. Hà Nội” sắp được ra đời, nội dung cụ thể thế nào thì còn chưa rõ, nhưng về tinh thần thì việc này rất đáng hoan nghênh, đó sẽ là cơ sở để các cơ quan truyền thông xã hội tuyên truyền, để người dân làm theo. Và cũng cần nhấn lại một lần nữa, rằng luật pháp luôn có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành ý thức!
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/song-dep-noi-cong-cong-40262.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.