Đất nông lâm trường: Công tác quản lý quá yếu kém

Ngày 22/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014.

Ông KSor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát cho biết, trước khi sắp xếp diện tích các công ty nông nghiệp quản lý là 567.675 ha, sau sắp xếp (đến năm 2012), tổng diện tích là 630.834 ha (tăng 63.159 ha).

Đất nông lâm trường: Công tác quản lý quá yếu kém

Theo báo cáo, tổng giá trị tài sản của các công ty nông nghiệp là 39.773 tỷ đồng (trong đó tổng tài sản của Tập đoàn Công nghiệp cao su là 32.326 tỷ đồng),vốn chủ sở hữu 23.170 tỷ đồng, riêng các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su là 17.607 tỷ đồng, chiếm 86,09%. Các công ty thuộc Tổng công ty cà phê là 1.776 tỷ đồng, chiếm 8,68%; vốn điều lệ 10.970 tỷ đồng. Bình quân, mỗi công ty nông nghiệp có giá trị tài sản là 141 tỷ đồng, nếu tính cả đơn vị phụ thuộc, thì bình quân mỗi đơn vị có tài sản là 90 tỷ đồng.

Các nông, lâm trường hiện nay được Nhà nước giao quản lý với diện tích đất đai khá lớn 7.916.467 ha, song tổng nộp NSNN của các nông, lâm trường trong 10 năm chỉ đạt 1.809 tỷ đồng. “Hàng triệu ha đất mà trong 10 năm chỉ nộp ngân sách được 1.809 tỷ đồng, không bằng một nhà máy, tôi tính ra mỗi ha chỉ nộp về ngân sách có 90.000 đồng, tức là khoảng 10kg gạo”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách đặt câu hỏi, liệu có lợi ích gì ở đây không mà kinh doanh kém hiệu quả như vậy nhưng những người quản lý đất nông, lâm trường cứ khư khư giữ lấy. Đây cũng là mối hoài nghi của Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn khi cho rằng ngay cả đất nông, lâm trường do các đơn vị quân đội quản lý cũng có vấn đề.

“Được giao quản lý tài nguyên mà không có hiệu quả thì Chính phủ phải kiên quyết thu hồi. Giao cho đất rừng mênh mông như vậy mà tự do cho thuê, tự do cắt bán, rồi làm những gì trong đó cũng không ai biết, không ai kiểm tra được, không quy trách nhiệm được là không thể chấp nhận được”, ông Sơn nói.

“Tôi có thể cho rằng đất đai nông, lâm trường cơ bản là chúng ta không quản lý được. Phải yêu cầu kiên quyết thu hồi, giao lại đất cho dân canh tác”, ông Sơn yêu cầu.

Trưởng đoàn Giám sát, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Kso Phước dẫn ra hàng loạt dẫn chứng về sự bùng nhùng trong quản lý đất nông, lâm trường. Dù UBND các tỉnh, thành phố đã phê duyệt phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh, phương án sử dụng đất, kế hoạch, yêu cầu thực hiện giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng sau chuyển đổi.

Nhưng, Đoàn giám sát nhận thấy, bản chất việc quản lý, sử dụng hầu như không thay đổi. Việc chuyển đổi mô hình công ty mới chỉ dừng lại trên đề án. Các công ty nông, lâm nghiệp mới chỉ chuyển đổi tên, chưa thực sự thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, sử dụng đất đai theo các quy định hiện hành của luật pháp và theo phương án quản lý, sử dụng đất tại các đề án đã được phê duyệt.

Số đơn vị thực hiện đúng các quy định về thuê đất, hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất rất ít. Mới có 112 nông, lâm trường đã thực hiện chuyển sang thuê đất, với diện tích 472.709 ha; trong đó có 4 nông trường với diện tích 56.045 ha và 48 lâm trường, diện tích 416.664 ha. Có 4 nông, lâm trường chuyển sang hình thức giao đất có thu tiền, với diện tích 2.029 ha.

“Điều này thể hiện việc chấp hành các quy định của pháp luật về chính sách đất đai, chính sách tài chính đất đai và hoạt động của các cấp quản lý và DN nông, lâm nghiệp chưa nghiêm”, ông Phước nhấn mạnh.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/dat-nong-lam-truong-cong-tac-quan-ly-qua-yeu-kem-39657.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.