Liên tục trong nhiều tháng gần đây, mỗi tháng các hãng tàu lại tăng thêm 5% giá cước so với tháng trước, có tháng tăng tới 20%. Nhiều hãng tàu tăng cước, tăng thu phí nhưng không thông báo trước hoặc chỉ thông báo trước trong thời gian rất ngắn, dẫn đến DN xuất nhập khẩu (XNK) bị thiệt hại vì không thể đưa thêm chi phí phát sinh vào giá mua bán hàng hóa.
![]() |
Các chuyên gia cho rằng, cần sửa đổi Luật Hàng hải để kiểm soát phí và phụ phí vận tải biển |
Tác động của diễn biến trên là rất đáng kể, do hiện có khoảng 90% khối lượng hàng hóa XNK của DN Việt Nam được các hãng tàu biển nước ngoài đảm nhận. Nắm trong tay thế chủ động, các hãng tàu không ngần ngại để đưa ra tới 70 loại phụ phí, trong đó phí xếp dỡ hàng tại cảng, loại phí mà hãng tàu thu hộ cho phía cảng đang là gánh nặng lớn nhất của DN. Theo phản ánh của các DN, phí xếp dỡ cảng có thể lên đến 170 đến 180 USD cho mỗi container hàng hoá.
“Trung bình các hãng tàu thu của DN khoảng 140 USD/container 40 ft, nhưng thực tế khoản tiền họ trả cho cảng chỉ bằng một nửa. Nghĩa là, với khoản phí thu hộ này, hãng tàu bỏ túi 70 USD mỗi container hàng hoá. Tính toán với tổng lượng hàng XNK năm 2014 thì chỉ riêng loại phí thu hộ cảng này đã có 7.500 tỷ đồng của chủ hàng Việt Nam rơi vào tay các hãng tàu ngoại”, một chuyên gia tính toán.
Không chỉ có thế, vẫn còn nhiều khoản thu vô lý khác cũng đang được các chủ tàu áp đặt khiến nhiều chủ hàng Việt Nam bức xúc, như phụ cước mất cân đối vỏ container (CIS/CIC) là một ví dụ. Theo quan điểm của hãng tàu, phụ cước này phát sinh do chênh lệch giữa hàng xuất và hàng nhập tại một nước quá lớn, vì vậy các hãng tàu phải bỏ chi phí ra để điều chuyển vỏ container rỗng cho cân bằng.
Tuy nhiên, việc mất cân đối này hoàn toàn do chính tự thân hãng tàu gây ra và không được công khai minh bạch. Vì vậy, nhiều hãng tàu đã và đang thu phụ cước này từ các chủ hàng Việt Nam suốt từ năm 2010 đến nay, trong khi việc mất cân đối này không phải lúc nào cũng xảy ra.
Hay như phụ cước vệ sinh container cũng đang được thu đều đặn đối với các chủ hàng Việt Nam, trong khi các vỏ container này đã được vệ sinh một lần sau khi khách hàng trước đã rút hàng và trả vỏ container. Đặc biệt, tại Việt Nam có những mặt hàng sạch, không có yêu cầu đặc biệt về mặt vệ sinh như hàng dệt may, da giày... nhưng vẫn bị thu phụ cước này.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các DN XNK thuỷ sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do chi phí hoạt động tăng lên, nhất là cước vận tải.
Cụ thể, từ tháng 6/2014 đến nay, giá cước container đi thị trường Mỹ, Canada đã tăng gần 70%, trung bình tăng khoảng 300 USD/tháng. Trong khi đó, đây lại là hai thị trường xuất khẩu hàng thủy sản lớn nhất nước ta, với giá trị hàng năm đạt khoảng 1,5 tỷ USD (chiếm hơn 22% tổng giá trị xuất khẩu).
Ðiều đáng nói là việc tăng giá cước, phụ phí diễn ra đồng loạt ở các hãng vận tải, với cách thức giống hệt nhau cho thấy, ở đây rõ ràng có sự bàn bạc, thông đồng giữa các hãng tàu biển để làm giá. Kết quả là, giá cước vận tải biển tại Việt Nam những năm gần đây luôn cao hơn từ 10 - 15% so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines... càng khiến cho sức cạnh tranh của hàng Việt Nam bị giảm sút so với các nước trong khu vực, bất lợi luôn thuộc về phía các DN Việt Nam.
“Hiện nay, khi xu hướng xuất CIF (bên bán hàng lo vận chuyển và đóng bảo hiểm) đang ngày càng phổ biến, sự bấp bênh về giá, bị động trong đàm phán và rủi ro thương mại càng tăng thêm gánh nặng cho các DN Việt Nam”, ông Nam lo lắng.
Còn theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, tiền phụ phí hàng năm cũng chiếm 1% kim ngạch XNK của DN trong ngành. Và như vậy, một năm chi phí trả cho các loại phụ phí (đối với XNK da giày) chiếm khoảng 110 triệu USD, đối với các loại hàng hóa khác cũng với chi phí tương đương. Mức thu các loại phụ phí này cũng bị hãng tàu tăng theo từng năm với mức tăng trung bình khoảng 20%/năm. Đây là chi phí rất lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh đối với hoạt động XNK của Việt Nam.
Trước thực tế này, các chuyên gia cho rằng, cần sửa đổi Luật Hàng hải trong đó đưa nội dung và các quy định để quản lý giá cước và phụ phí (nếu có) đối với các hãng tàu đang hoạt động tại Việt Nam.
Bên cạnh đó là xây dựng các quy định về quản lý, giám sát thu phụ phí, đưa vào các văn bản dưới luật theo hướng: Đối với các loại phí theo thông lệ quốc tế cần được công khai, minh bạch, đơn vị thu phải đưa ra căn cứ và mức tính; Đối với các loại phụ phí bất hợp lý thì cương quyết không cho thu và cần có một cơ quan Nhà nước đứng ra quản lý các phụ thu cước phí đem lại sự cạnh tranh công bằng cho các chủ hàng XNK Việt Nam...
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/phu-phi-van-tai-can-buoc-xuat-khau-39096.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.