![]() |
Ảnh minh họa |
Anh kể. Sau khi than phiền hoàn cảnh khó khăn của mình không thể gửi con học một buổi còn lại vào các trung tâm giáo dục (thực chất là dạy thêm với học phí khá cao) anh đã được một đồng nghiệp mách bảo làm đơn chuyển cho con về trường có điều kiện học bán trú.
Khổ nỗi muốn con mình được nhận vào học ở trường mới, anh phải xin cho được chữ ký đồng ý của ông chủ tịch quận. Cuối cùng thì sau một hồi “kể khổ” và “xin”, anh cũng được ông chủ tịch quận chiếu cố, “ban” cho một chữ ký vào đơn xin chuyển trường của mình.
Kể đến đây, anh bạn giáo viên liền nhận xét. Xin cho con được học bán trú thì vui thật, nhưng ngẫm ra cũng cảm thấy thật buồn. Ước gì đến một lúc nào đó, người “kể khổ” và “xin” không phải là người dân mà là ông chủ tịch quận kia thì hay biết bao nhiêu.
Với tư cách là người đứng đầu quận, bản thân ông sau khi kể ra những khó khăn của quận dẫn đến không lo được đầy đủ chỗ học cho các cháu học sinh trong quận và cuối cùng là xin lỗi người dân trong quận vì để con em họ không được học bán trú?
Câu chuyện của anh bạn giáo viên làm cho người viết nhớ lại câu nói khá ấn tượng của một người làm công tác “an sinh xã hội” trong ngành Ngân hàng. “Làm bao việc tốt, vẫn thấy thiếu. Chỉ một việc không tốt, đã thấy thừa”.
Câu nói ấy là của ông Nguyễn Ngọc Tuyên, Phó chủ tịch thường trực Công đoàn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trong buổi lễ trao tặng 100 chiếc xe đạp cho các em học sinh dân tộc tại tỉnh Kon Tum. Một chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc do Công đoàn Agribank phối hợp với Thời báo Ngân hàng tổ chức.
Đây cũng là lễ trao tặng xe đạp đầu tiên được tổ chức nhằm mở đầu cho việc triển khai chương trình “Nâng bước cùng học sinh dân tộc” tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ.
Đã từng có dịp đi với ông Tuyên ra với biển đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi trong chương trình “Hướng về biển đảo” hay lên tận vùng đất Lạng Sơn địa đầu Tổ quốc trong chương trình “Tặng chăn ấm cho học sinh dân tộc nội trú” và lần này là tại một tỉnh Tây Nguyên, người viết luôn có cảm nhận ở “người lính già” này một bầu nhiệt huyết, dường như không biết mệt mỏi với công tác “an sinh xã hội” của Ngành, dẫu cho đến phút 89.
Gọi là phút 89 bởi lẽ chỉ còn thời gian ngắn nữa thôi, ông đã đến tuổi về hưu. Không ít đồng nghiệp của ông và cả người viết nữa sẽ cảm thấy hụt hẫng khi thiếu ông trong các chuyến lặn lội đến vùng sâu, vùng xa làm công tác “an sinh xã hội”.
“Làm bao việc tốt, vẫn thấy thiếu”. Giá như mọi quan chức khi làm được một việc gì đó giúp người dân đều có chung một suy nghĩ như vậy thay vì hành xử như một sự ban phát?
Các cụ ta ngày xưa chẳng đã bảo: “Của cho không bằng cách cho” đấy thôi.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cho-va-nhan-38928.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.