Ấn tượng “Người trở về”

Đúng dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/2015), Hãng phim Điện ảnh Quân đội vừa phát hành bộ phim nhựa “Người trở về” với đề tài hậu chiến.

Bộ phim này đã và đang được chiếu ở các rạp phim tại Hà Nội, qua đó nhận được nhiều sự quan tâm, đánh giá cao của giới chuyên môn cũng như khán giả bởi ý nghĩa, thông điệp nghệ thuật mà bộ phim muốn truyền tải.

Ấn tượng “Người trở về”
Poster phim “Người trở về”

Có thể nói “Người trở về” là một bộ phim có nhiều dấu ấn. Trước hết, phim với đề tài hậu chiến nhưng lại được thực hiện bởi một ê-kíp sinh ra sau thời chiến, tuổi đời còn rất trẻ. Đạo diễn phim là Đặng Thái Huyền sinh năm 1980.

Đây cũng là gương mặt trẻ đầy tài năng trong lĩnh vực điện ảnh nước nhà vì trước đó, Đặng Thái Huyền được biết đến với thành công của bộ phim truyền hình một tập “13 bến nước”. Tác phẩm điện ảnh truyền hình ấy của Đặng Thái Huyền từng đoạt 6 giải thưởng Bông sen Vàng quan trọng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16.

Một điểm đáng chú ý nữa ở “Người trở về”, đó là bộ phim được lấy ý tưởng từ truyện ngắn “Người về bến sông Châu” của nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh, đó là tác phẩm văn học từng gây được tiếng vang bởi những ý nghĩa nhân văn, xã hội sâu sắc khi kể về cuộc đời của một nữ quân nhân trở về sau chiến tranh với biết bao khó khăn của cuộc sống đời thường.

Bởi thế, sự có mặt của “Người trở về” hôm nay với xuất phát điểm từ “Người về bến sông Châu” như cái bắt tay nồng thắm, tạo sự kết nối để lan tỏa rộng hơn những ý tưởng nghệ thuật.

“Người trở về” còn có điểm nhấn nữa khi phim quy tụ hầu hết những diễn viên trẻ tài năng hiện nay tham gia diễn xuất, điều đó chứng minh cho sự dấn thân vì nghệ thuật của thế hệ trẻ hôm nay trong nghệ thuật, đặc biệt là đạo diễn phim. Thường thì, những bộ phim có đề tài về chiến tranh hoặc hậu chiến, lớp nghệ sĩ gạo cội và có tên tuổi diễn xuất nhằm đạt chất lượng tốt nhất, đặc biệt tránh những sai sót không đáng có.

Tuy nhiên, với “Người trở về”, dàn diễn viên trẻ như Lã Thanh Huyền (vai Mây), Phạm Tiến Lộc (San), Trương Minh Quốc Thái (Quang), Thu Thủy (Thanh), Lê Thiện Tùng (Phán)… đã diễn rất nhập vai và để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.

Phim “Người trở về” đề cập tới câu chuyện thời hậu chiến, một năm sau ngày giải phóng, Mây khoác ba lô trở về bến sông Châu với niềm vui đoàn tụ gia đình và gặp lại San – mối tình thề hẹn trước ngày ra trận. Nhưng thật trớ trêu, ngày Mây về lại là ngày cưới của San, đồng thời gia đình cũng đang chuẩn bị làm đám giỗ khi nhận được giấy báo tử của cô tròn một năm trước.

Không muốn thêm một người phụ nữ nữa đau khổ, Mây từ chối ý định “làm lại từ đầu” của San. Không chỉ hàng ngày chứng kiến hạnh phúc gia đình mà Thanh - vợ San cố phô bày; sự dằn vặt, dùng dằng của người yêu cũ mà những vết thương, sự ám ảnh chiến tranh, sự hy sinh của đồng đội cũng hiện về đêm đêm ám ảnh Mây trong từng giấc ngủ. Để tránh khó xử cho cả ba người, Mây rời nhà ra bến đò, sống cô độc, cho đến ngày Quang tìm về tận bến sông Châu tìm cô.

Người lính trinh sát miền Nam ở chiến trường năm ấy, vì những cơ duyên nơi chiến trận, đã rong ruổi khắp nơi tìm cô y tá ngày nào chỉ với một địa chỉ mơ hồ “ở bến sông Châu”. Quang nguyện ở lại, dùng tấm chân tình, yêu thương, chăm sóc cô suốt cuộc đời này. Nhưng nỗi buồn vẫn tiếp tục tìm đến với Mây, bởi khi cô quyết định lấy Quang cũng là ngày cô biết được sự thật: vết thương thời chiến đã lấy mất đi khả năng làm mẹ.

Không muốn Quang phải chịu thiệt thòi, Mây hắt hủi, xa lánh Quang và nói dối rằng, cô vẫn còn yêu San tha thiết. Vào một đêm mưa bão, vợ San đẻ khó và Mây là người cứu cánh đỡ đẻ cho mẹ tròn con vuông. Cũng một đêm mưa gió, cám cảnh phận đời mình, Mây ra bến sông, bỏ làng, thả thuyền trôi theo dòng sông Châu vô định. Và trong mù mịt gió mưa, Quang xuất hiện, băng qua dòng nước lũ để tới được thuyền Mây. Cả hai cùng con thuyền trôi xuôi về dưới hạ nguồn…

Bộ phim đã để lại nhiều ấn tượng và làm không ít khán giả rơi nước mắt vì hình ảnh chân thực trên màn ảnh cùng ý nghĩa của mỗi thước phim. Theo lời nhà văn Sương Nguyệt Minh: “với bộ phim này, tôi có cảm giác cảnh chiến tranh gần với hiện thực hơn”. Và dĩ nhiên, đó là lời khen mà tác giả “Người về từ bến sông Châu” dành tặng cho “Người trở về”.

Và bộ phim này, dù có những phân đoạn về chiến trường và chiến tranh nhưng đều được xử lý một cách tiết chế và gợi mở. Lối phục trang trong phim ở những cảnh hòa bình gây ấn tượng bằng những hoa văn và bố cục màu sắc bắt mắt, cách ăn mặc người miền Bắc của 40 năm về trước. Bộ phim còn đưa người xem hòa vào không gian chân thực của làng quê Bắc bộ ngày xưa cũ nên thơ với hình ảnh bến nước, con đò, bờ đê, đường làng, bờ dậu, sân phơi, giếng nước tạo nhịp điệu cuộc sống nông thôn…

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/an-tuong-nguoi-tro-ve-38837.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.