Giải bài toán làm gia công

Tại phòng trưng bày sản phẩm đồ gỗ thương hiệu Titanium của Phó TGĐ CTCP Titanium Phạm Trọng Phú ở Chung cư Thủ Thiêm star (quận 2-TP. Hồ Chí Minh), ông cho biết trước khi DN ra đời, người lãnh đạo công ty này đã có 10 năm làm gia công xuất khẩu đồ gỗ với thương hiệu HomeLife GmbH. 
Giải bài toán làm gia công
Ảnh minh họa

Bà Hoàng Nghiêm Quỳnh Tiên, TGĐ Titanium kiêm TGĐ Công ty TNHH HomeLife GmbH xác nhận điều này và bổ sung, bà xuất khẩu đồ gỗ sang các thị trường Mỹ và châu Âu. Cụ thể, chỉ tính riêng thị trường Đức, năm 2013, công ty xuất 7 triệu Euro; năm 2014 xuất hơn 10 triệu euro.

Giải thích về việc tại sao thành lập một thương hiệu mới, dù hoạt động của HomeLife GmbH vẫn phát triển tốt, bà Tiên nói rằng: sự phát triển này thiếu bền vững, lợi nhuận đạt được chủ yếu do gia công cho nước ngoài nên bà muốn chuyển hướng phát triển thương hiệu của riêng mình.

“Đối tác châu Âu nhiều lần đề nghị ký những đơn hàng lớn song chúng tôi không muốn đáp ứng nhiều nữa vì lợi nhuận tạo ra sau nhiều năm vẫn chỉ từ làm gia công. Người ta bán những sản phẩm mình làm ra cho dân mình có giá đến vài chục ngàn USD, trong khi giá thành làm ra sản phẩm rẻ hơn rất nhiều, thấy xót! Do vậy, trước mỗi tháng công ty xuất đều đặn 6-8 container sang Đức, nhưng nay tôi giảm còn khoảng 2 container để tập trung phát triển thương hiệu Titanium”, bà Tiên cho hay.

Tương tự, bà Lã Thái Thùy Vân - Giám đốc Công ty Danh Mộc (TP.HCM), chuyên xuất khẩu các sản phẩm kệ, tủ bếp sang châu Âu - cho biết lợi nhuận của công ty có được chủ yếu sản xuất gia công. Tỷ lệ lợi nhuận của công ty cũng không thể cao vì phụ thuộc vào nhu cầu đơn hàng của nước ngoài.

Thực tế cho thấy, việc chuyển hướng kinh doanh như bà Tiên, bà Vân sau một thời gian làm gia công cho nước ngoài là mơ ước của 98% DN nhỏ và siêu nhỏ trong nước. Ngoại trừ những công ty bắt đầu bằng thương hiệu của mình, còn lại những DN xuất phát điểm làm hàng gia công đều muốn bứt ra để khẳng định chất lượng sản phẩm của mình bằng tên của mình.

Vẫn lấy câu chuyện Titanium làm ví dụ. Sau hơn 10 năm xuất hàng sang Đức với thương hiệu HomeLife GmbH, từ tháng 8/2015, những sản phẩm của HomeLife GmbH chính thức xuất hiện ở Việt Nam với phân khúc mang tên Titanium.

Theo người lãnh đạo của công ty này, chiến lược ban đầu của công ty là liên kết với các chủ đầu tư dự án để cung cấp các mẫu thiết kế nội thất trọn gói cho căn hộ. “Bước đi này chắc chắn sẽ khó nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm theo để khẳng định thương hiệu”, bà Tiên nói.

Đánh giá về câu chuyện vừa nêu, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng chia sẻ, phần lớn các DN nhỏ thuộc khu vực này chưa lớn lên được, bởi khi làm gia công có lợi nhuận ổn định, họ không có nhu cầu thay đổi, do đó, các DN khó lớn mạnh. Tuy nhiên, cũng có những DN nhỏ và siêu nhỏ trong ngành có sự bứt phá rất tốt, trở thành những DN trụ cột của thị trường Việt Nam.

Nhưng để làm được điều đó, các chuyên gia cho rằng DN nhỏ theo ngành muốn đứng vững trên thị trường bằng thương hiệu của mình cần có chiến lược cụ thể để bứt ra.

Trước hết, đối với những DN mạnh, có thể tính đến phương án dựa vào chính sách và cơ chế đủ mạnh để các chủ rừng tập trung kinh doanh gỗ lớn (chu kỳ 10 năm trở lên), quy hoạch vùng nguyên liệu theo lợi thế của từng vùng cho từng loại cơ cấu sản phẩm, cụ thể như nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ (cả nhu cầu xuất khẩu và trong nước), nguyên liệu cho sản xuất ván nhân tạo, gỗ xây dựng trong nước.

Ngược lại, với những DN nhỏ và siêu nhỏ đang theo mô hình gia công tìm hướng đi mới phát triển thị trường nội địa với thương hiệu của riêng mình. Thậm chí, có thể làm những sản phẩm nhỏ thương hiệu riêng, xuất khẩu kèm theo hàng mình gia công.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/giai-bai-toan-lam-gia-cong-38626.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.