Nặng nỗi lo khi mùa cưới đến

Mùa cưới năm nay vừa mới chỉ bắt đầu chưa lâu, vậy mà mẹ tôi đã nhận được tới hơn chục chiếc “thiếp moi” (thiếp mời) đi ăn cưới. Hôm về quê, mẹ nói sang tuần tới lại có vài đám nữa mời, và những chỗ này không thể không đi “trả nợ” được, vì ngày trước nhà tôi có việc người ta cũng tới mừng tiền.
Nặng nỗi lo khi mùa cưới đến
Ảnh minh họa

Nghe mẹ than thở, tôi bảo: “Nếu không có tiền thì mẹ chỉ sang ăn trầu uống nước gọi là có mặt thôi chứ không phải ăn cỗ. Hoặc là mẹ chỉ mừng một chút tiền nho nhỏ chúc mừng hạnh phúc, chứ không nhất thiết phải có nhiều tiền”.

Mẹ tôi vặc lại ngay: “Đâu có đơn giản như vậy được! Không có cũng phải đi vay mượn mà mừng cho ra tấm ra món chứ, vì người ta đã mừng khi nhà mình có việc, nay không trả nợ bằng giá trị tiền bạc người ta đã mừng mình cũng phải gần bằng. Ở cái làng này, hay xa nữa là cả cái vùng ngoại thành thủ đô này, xưa nay vẫn còn tồn tại tục trả nợ miệng, vì thế mà mùa cưới là mùa lo, nhà ai cũng lo như nhau”.

Vâng, quả là bấy lâu nay ở rất nhiều làng, xã tại hầu hết các miền quê nói chung vẫn còn rất nặng nề chuyện trả nợ miệng. Khi có cưới treo thì hầu như nhà nào cũng phải làm cỗ để thết đãi họ hàng, dân làng, và có làm cỗ thì gia chủ mới có cơ hội để mà “đòi nợ” tiền mừng từ những hộ khác trong làng, trong xã.

Ngay như quê tôi, một làng quê không cách xa trung tâm thành phố bao nhiêu, thường tổ chức hoành tráng và linh đình, cỗ bàn ăn mấy ngày với cả trăm mâm, thậm chí là hơn thế.

Chính vì làm to như vậy nên tiền mừng cưới thu thường bị “lõm” nặng, bởi tiền mừng của đại đa số những người nông dân thường không nhiều, khoảng 50.000-100.000 đồng. Nếu chỗ nào thân quen, họ hàng thì người mừng cũng chỉ 200.000-300.000 đồng là cùng. Có khi, một hộ chỉ mừng cưới 500.000 đồng, mà hơn chục thành viên trong gia đình kéo tới ăn cỗ mấy ngày. Như vậy gia chủ không “lõm” mới là chuyện lạ!

Và cũng chính vì việc tổ chức cưới to thế, dẫn đến lỗ nên hầu như nhà nào cũng mang “cái gông” là khoản tiền nợ cưới phải đeo đẳng trả trong một khoảng thời gian rất dài mà chưa hết. Có gia đình, không chỉ bố mẹ phải trả, mà họ còn “chia nợ” cho chính những người con mà họ đã xây dựng gia đình trước đó.

Mùa cưới tới, không chỉ những gia đình có việc cưới treo lo, mà những người được mời như mẹ tôi cũng lo đêm lo ngày mong sao có tiền để đi trả nợ. Nghe mẹ tôi nói từ đầu mùa cưới đi trả nợ hơn chục cái “thiếp mời”, tương đương với từng ấy đám cưới, mất đứt mấy triệu bạc, tôi thấy hơi xót. Vì nhà tôi làm nông nghiệp, đời sống với bao thứ chi tiêu đắt đỏ chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán, thì ngần ấy tiền là cả một vấn đề.

Tôi đã đi nhiều nơi, được chứng kiến nhiều tiệc cưới ở một số địa phương theo nếp sống mới và thấy ở đó, họ mừng cưới nhau bằng một món quà nho nhỏ như đồ vật, các vật dụng sinh hoạt không mang nặng giá trị tiền bạc nhưng rất nhiều ý nghĩa.

Cứ nghĩ về quê mình, khi còn mang nặng hủ tục cưới xin tôi mơ có một ngày quê tôi cũng sẽ từ bỏ được hủ tục đó và mọi gia đình sẽ hướng tới đơn giản bằng những tiệc cưới văn minh, tiết kiệm để ai cũng không còn nặng nỗi lo khi mùa cưới đến.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nang-noi-lo-khi-mua-cuoi-den-38359.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.