Nghĩa tình nơi đầu sóng…

Dù đã từng ra Lý Sơn nhiều lần, nhưng để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi có lẽ là chuyến đi nằm trong chương trình tuyên truyền về biển đảo và các hoạt động tiếp sức cho ngư dân bám biển của Thời báo Ngân hàng và Agribank phối hợp tổ chức vào tháng 9/2011.

Ấn tượng một chuyến đi

Tôi cũng như nhiều người từng đặt chân lên hòn đảo tiền tiêu, nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc này, đều rất thấu hiểu những vất vả, thiếu thốn đủ bề của bà con ở đây. Rồi mong ước được làm một điều gì đó cho Lý Sơn, nay mới thành hiện thực.

Trong chuyến đi đó, Thời báo Ngân hàng và các đơn vị phối hợp đã tặng hai hộ đồng bào khó khăn trên huyện đảo hai ngôi nhà tình nghĩa (trị giá 80 triệu đồng), và 13 dàn máy vi tính (trị giá 80 triệu đồng) cho các em học sinh Trường THCS An Vĩnh.

Nghĩa tình nơi đầu sóng…
TBT Thời báo Ngân hàng Nguyễn Lan Anh tặng nhà tình nghĩa cho người dân huyện đảo Lý Sơn

Giá trị của những món quà tuy không lớn, nhưng nói như bà Nguyễn Lan Anh, Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng, nó thể hiện tình cảm của những cán bộ ngân hàng nói chung và của đội ngũ người làm báo ngân hàng nói riêng nhằm góp phần chia sẻ và động viên bà con ngư dân mưu sinh, bám biển để giữ ngư trường, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Những dàn máy vi tính tuy cấu hình chưa phải là cao, song nó cũng giúp cho những học trò nghèo nơi đây được tiếp cận với công nghệ tin học, với khoa học kỹ thuật để có thể vươn lên thay đổi cuộc đời.

Niềm xúc động trào dâng khi được chứng kiến những giọt nước mắt tràn đầy hạnh phúc của bà Lê Thị Sanh, bà Ngô Thị Bích ở thôn Đông, xã An Hải khi được nhận những món quà tình nghĩa từ những người làm báo Ngân hàng. Câu chuyện của bà Lê Thị Sanh rất đáng thương tâm. Chồng mất trong một chuyến đi biển, để lại cho bà 3 đứa con thơ. Khó khăn chồng chất khi trụ cột của gia đình không còn, cả 4 mẹ con sống trong căn nhà dột nát bên bờ biển, bữa no, bữa đói.

Cùng cảnh ngộ là bà Ngô Thị Bích ở xã An Vĩnh. Người con trai của bà đã mãi mãi nằm lại dưới đáy biển sâu, trong một lần ra khơi. “Được tặng nhà tình nghĩa trong đợt này đã giúp gia đình tôi vơi bớt nỗi đau để vươn lên trong cuộc sống”, bà Bích nói trong những giọt nước mắt nghẹn ngào…

Nghĩa tình nơi đầu sóng…
Đại diện TBNH, Agribank, NHNN Quảng Ngãi tặng máy vi tính cho trường PTCS huyện đảo Lý Sơn

Đổi thay Lý Sơn

Mới đây, tôi lại có dịp đến với Lý Sơn. Ấn tượng trong chuyến đi này của tôi lại là sự đổi thay đến bất ngờ của mảnh đất nơi đầu sóng, ngọn gió…

Sau khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển, Lý Sơn dần hiện ra trước mắt. Tàu cập cảng, trên đường về trụ sở chi nhánh Agribank Lý Sơn, hai bên đường nhà cửa san sát, được người dân xây dựng kiên cố, vững chắc để chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đây. Hệ thống giao thông, đường làng, ngõ xóm trên đảo toả về các khu dân cư hầu hết đã được trải nhựa và bê tông hoá...

Ông Trần Luyện, Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Ngãi cho biết, những năm gần đây, Nhà nước đã tập trung đầu tư có trọng điểm hàng loạt các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm rồi bệnh viện quân y, cầu tàu cao tốc, vũng neo đậu tàu thuyền trú bão, khu dịch vụ hậu cần nghề cá… đã và đang làm cho diện mạo Lý Sơn ngày càng thay đổi, đáp ứng khát vọng đổi thay từ bao đời nay của ngư dân trên đảo.

Đặc biệt, từ tháng 9/2014 điện lưới quốc gia đã vươn tới với Lý Sơn sau nhiều năm dài chờ đợi. Đây thực sự là bước ngoặt quan trọng bậc nhất giúp huyện đảo có đủ lực để cất cánh trong tương lai. Ngoài cây hành, cây tỏi là cây trồng chủ lực, sau khi có điện lưới quốc gia, Lý Sơn đang đẩy mạnh phát triển du lịch. Bởi từ lâu, nơi đây không chỉ có phong cảnh hữu tình, mà còn lưu giữ nhiều trầm tích văn hóa cổ cùng những lễ hội văn hóa đặc sắc.

Trong đó, nổi bật là các di tích liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa như Đình Làng An Vĩnh, Âm Linh Tự cùng lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã tồn tại hàng trăm năm qua trên đảo… Du khách đến với Lý Sơn tham quan, tìm hiểu các lễ hội truyền thống nhân dịp lễ, tết ngày càng đông. Năm 2014, có trên 36 nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến Lý Sơn, hứa hẹn Lý Sơn sẽ là đảo du lịch quốc gia trong tương lai.

Điện lưới về đảo cũng làm hoạt động đánh bắt, nuôi trồng hải sản sôi động. Nhiều hộ dân đã đầu tư lồng bè nuôi tôm hùm, cá mú bè thương phẩm. Lý Sơn đã xác định, kinh tế biển là ngành mũi nhọn. Trong đó, nuôi trồng đánh bắt hải sản và dịch vụ du lịch là những lĩnh vực mà đảo có thế mạnh…

Tiếp sức cho hòn đảo tiền tiêu này, ngành Ngân hàng đã và đang đẩy mạnh việc hỗ trợ tín dụng để ngư dân Lý Sơn có điều kiện đóng mới, nâng cấp, sửa chữa phương tiện ra khơi đánh bắt. Huyện đảo là nơi đầu tiên được giải ngân cho vay tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 ở Quảng Ngãi.

Theo đó, con tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của Công ty cổ phần Thủy sản Lý Sơn, có giá trị trên 25 tỷ đồng, trong đó vốn vay từ Agribank Quảng Ngãi hơn 20 tỷ đồng. Mới đây, cây ATM đầu tiên trên đảo Lý Sơn, cũng đã được Agribank đưa vào hoạt động.

Ông Võ Phú Tài, Giám đốc Agribank Lý Sơn cho biết, việc cây ATM vào hoạt động sẽ góp phần giảm tải giao dịch tại quầy, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương và khách du lịch trong việc rút tiền để tiêu khi ở trên đảo…

… Rồi cũng đến lúc chia tay mảnh đất đầy nắng và sóng gió ấy, trở về với đất liền. Hàng ngày trên Thời báo Ngân hàng vẫn thường xuyên xuất hiện những tin, bài viết về những nỗi âu lo, cảnh đời vất vả của ngư dân Lý Sơn.

Đó là nỗi niềm, canh cánh âu lo mỗi khi xăng dầu lên “cơn sốt”, hay lúc bị cánh “đầu nậu” ăn chặn trên đất liền, rồi những khi thủy hải sản rớt giá trên thị trường… Tất cả là những lời động viên, san sẻ với ngư dân Lý Sơn vượt qua khó khăn, thể hiện nghĩa tình với biển đảo quê hương của những người cầm bút.

Xin mượn tâm sự của ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn để thay cho lời kết: “Những sẻ chia từ đất liền trong đó có cán bộ, nhân viên Thời báo Ngân hàng sẽ giúp bà con ngư dân Lý Sơn yên tâm giữ nghề, bám biển, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho ngư dân ở nơi đầu sóng ngọn gió…”.

Huyện đảo Lý Sơn có diện tích gần 10 km2 với lượng dân hơn 20 nghìn người, gồm đảo Lớn (xã An Vĩnh, An Hải) và đảo Bé (xã An Bình). Nằm ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, nên Lý Sơn có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo, giữ vững toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền. Tuy diện tích đảo khá khiêm tốn nhưng lại chứa đựng trong mình lượng di tích khổng lồ. Trên đảo có đến vài chục di tích như, đình làng An Vĩnh, Chùa Hang và Âm linh tự (di tích cấp quốc gia).

Bên cạnh, còn nhiều di tích cấp tỉnh như, Đình làng Lý Hải, Chùa Đục, giếng Vua, di tích lịch sử Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa… Người dân trên đảo sống nhờ vào đánh bắt hải sản và trồng hành tỏi. Tỏi ở Lý Sơn khá nổi tiếng trong và ngoài nước với một loại tỏi có tên rất lạ và trở thành ấn tượng khó quên: “tỏi cô đơn”…

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nghia-tinh-noi-dau-song-38066.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.