Ngân hàng đã đến với bản làng

Hơn mười năm gắn bó với Thời báo Ngân hàng, điều may mắn của tôi là được cùng cán bộ tín dụng các ngân hàng đi khắp mọi miền của Tổ quốc, được lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, vất vả của các anh, các chị về Ngành, về nghề, chứng kiến sự lớn mạnh hàng ngày, hàng giờ của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Có thể nói, hiện nay hệ thống ngân hàng đã vươn khắp các bản làng, từ vùng núi cao đến hải đảo xa xôi đâu đâu cũng có mặt của những cán bộ ngân hàng. Sự hiện diện của hệ thống ngân hàng đã làm thay đổi cách nhìn cách nghĩ và phương thức làm ăn của nhiều hộ gia đình. Nhờ đồng vốn ngân hàng, hàng triệu hộ gia đình đã và đang thoát nghèo một cách bền vững, những mái nhà tranh dần được thay thế bằng những căn nhà xây kiên cố vững vàng.

Ngân hàng đã đến với bản làng
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú trao quà tết cho người có công và người nghèo xã Y Tý - huyện Bát Xát - Lào Cai

Tôi chợt nhớ tới lời của một lãnh đạo Ngành “giờ ngân hàng đã có mặt ở khắp nơi, từ vùng cao Y Tý đến hải đảo xa xôi đâu đâu cũng hiện diện cán bộ ngân hàng”. Cùng với sự xuất hiện của hệ thống ngân hàng, các chương trình tín dụng cũng đã “phủ sóng” đến mọi người dân có nhu cầu vay vốn, chương trình nước sạch, vệ sinh nông thôn, chương trình hỗ trợ xóa bỏ nhà tạm, chương trình hỗ trợ đánh bắt xa bờ, chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Có thể nói chưa bao giờ các chương trình tín dụng của ngành Ngân hàng mở rộng như hiện nay, nó đáp ứng mọi yêu cầu của người dân vươn lên làm giàu chính đáng.

Chị Đinh Thị Thục, thôn An Cảnh – Hàm Tử - Khoái Châu – Hưng Yên vẫn còn nhớ như in cái ngày chị đến Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Khoái Châu để vay 11 triệu đồng. Có tiền ngân hàng giải ngân, anh chị đầu tư vào 2,8 sào nhãn. Từ một hộ nghèo, nhờ có vốn của ngân hàng gia đình chị không những đã thoát nghèo mà còn trở thành một tấm gương sáng cho nhiều người học hỏi.

Hay gia đình chị Nguyễn Thị Nga (thôn Dung – Hưng Đạo – Tiên Lữ - Hưng Yên) có chồng và con đầu mắc bệnh hiểm nghèo. Gia đình chị được xếp vào hộ nghèo nhiều năm liền của xã… thế nhưng nhờ được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội Tiên Lữ gia đình chị đã xóa nghèo thành công. Chị cải tạo thành công 600m2 vườn đặc sản, hơn 320 m2 ao thả cá, 2 con bò sinh sản. Chỉ cho tôi những “tài sản” của mình chị rưng rưng, nhờ ngân hàng cả đấy!

Để đưa được đồng vốn xuống các bản làng, cán bộ tín dụng phải “ba cùng” với dân, cùng ăn, cùng uống và cùng làm việc hướng dẫn người dân để sao cho đồng vốn ngân hàng đạt hiệu quả nhất.

Tôi còn nhớ anh Hà, cán bộ Agribank Lào Cai từng nói một trong những tiêu chí để đánh giá cán bộ ngân hàng chính vùng cao chính là nhà “chó không sủa”! Con chó vốn là vật giữ nhà của người dân thế mà cán bộ ngân hàng đến nó còn chạy ra để mừng như chủ nhà mới về, ấy là bởi cán bộ ngân hàng đã quá quen thuộc với mỗi nhà.

Không chỉ quen, thân cán bộ ngân hàng còn là người trực tiếp hướng dẫn bà con trồng cây gì, nuôi con gì sao cho có “lợi” nhất. “Người dân vùng cao, nay đã biết đi vay tiền nuôi con lợn, con gà rồi. Họ cũng đã biết tính toán để gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng lúc nông nhàn và đi vay để làm ăn lúc thời vụ chứ không có chuyện vay tiền “bỏ ống” như xưa nữa”, anh Hà cười.

Bên bếp lửa bập bùng của nhà rông, người cán bộ tín dụng tươi cười, có phóng viên Thời báo Ngân hàng đến, chúng tôi được chia sẻ, được gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng của mình đến với Ngành và cao hơn là đến với Đảng, Chính phủ. Để đưa được vốn về với đồng bào, cán bộ tín dụng vùng cao phải hòa mình vào với dân bản. Cùng ăn những món ăn của dân bản, uống rượu cùng dân bản để từ đó có sự chia sẻ, thấu hiểu lẫn nhau.

Khi họ có khó khăn mình phải xông vào cùng giúp đỡ chia sẻ, phải mang tiền vào tận nơi để cho họ vay, hướng dẫn họ trồng cây, chăm sóc cây trồng, vật nuôi rồi tìm nguồn tiêu thụ cho họ nếu cần… Dân bản nhìn thấy một người làm được, làm có hiệu quả rồi nhiều người học theo cứ thế, cứ thế mà ngân hàng đưa được đồng vốn xuống với bản làng, giúp bản làng đổi thay, nhân dân có cái ăn cái mặc còn ngân hàng có thêm thu nhập.

Tôi chợt nhớ đến hình ảnh những cán bộ tín dụng Agribank vùng cao cặm cụi bên “núi” hồ sơ đề nghị giải ngân. Mỗi một cán bộ tín dụng vùng cao thường phải quản lý khoảng 500 – 800 hồ sơ khách hàng. Với lượng hồ sơ ấy, nhiều anh, chị phải thức trắng đêm để hoàn thiện, kịp thời giải ngân cho khách hàng.

Hơn ai hết, các anh, các chị hiểu những khoản tiền được giải ngân kịp thời đúng lúc, đúng thời điểm sẽ là cứu cánh cho nhiều DN, nhiều hộ gia đình chính vì thế với họ luôn là “làm hết việc chứ không làm hết giờ”. Nói như thế thôi, chứ hồ sơ tín dụng chúng em phải làm cẩn thận tránh tối đa những sai sót không đáng có.

Phải vậy thôi anh à, “mỗi cán bộ tín dụng chúng em chỉ làm việc ở một địa bàn từ 1 – 2 năm thôi là phải chuyển địa bàn để tránh rủi ro cho ngân hàng. Thế nhưng một món vay có thời gian lên đến cả chục năm, thậm chí 20 năm nếu mình làm hồ sơ “ẩu” là người “kế thừa” phải lãnh hậu quả ngay. Lúc đó vừa khổ mình, vừa làm khổ các đồng nghiệp, thôi thì “chậm mà chắc” vẫn hơn!

Mỗi khi ở đâu xuất hiện nợ “có vấn đề” thì không chỉ cán bộ tín dụng mà cả giám đốc cũng “mất ăn, mất ngủ” cùng khách hàng tìm giải pháp tháo gỡ. Anh Thể cán bộ Agribank chi nhánh Hà Tây tâm sự, để có thể thu hồi được các món nợ xấu, cán bộ tín dụng phải đối mặt với không ít rủi ro, thách thức.

Nhiều khi, cán bộ tín dụng đến nhà khách hàng để thu hồi nợ xấu, chủ nhà ra mời cán bộ vào uống nước khi vừa bước chân vào cửa thì chủ nhà hô… cướp! cướp! Thậm chí nhiều trường hợp cán bộ đến nhà thì chỉ có bà chủ nhà ra tiếp trong trang phục của “Eva” và tất nhiên những người còn lại của gia đình ẩn nấp đâu đó… đối mặt với những tình huống này, cán bộ tín dụng chỉ còn nước vắt chân lên cổ mà chạy!

Bố mẹ cháu không có nhà! Hoặc chủ DN đi vắng… Là những điệp khúc mà cán bộ tín dụng thường xuyên phải nghe khi đi thu hồi các khoản nợ xấu. Anh Thể cười, nhiều khi rõ ràng nhìn thấy chủ nhà đang lúi húi trong bếp mình mới vào thế mà vẫn nghe câu bố mẹ cháu đi vắng rồi, chú đến sau nhé! Khi tôi hô lên đống rơm cháy rồi kìa thì mới thấy chủ nhà chui ra…

Đã nhiều lần lang thang cùng cán bộ tín dụng vùng cao tôi thấu hiểu hơn những gian khổ vất vả cũng như trọng trách mà các anh, các chị đang gánh vác trên vai. Đó có thể là những cung đường thăm thẳm “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”, những con đường đất đỏ mà ở đó “đi bộ nhanh hơn đi xe” hay những đỉnh núi với đá tai mèo nhọn hoắt, những vực thẳm không nhìn thấy đáy… những hiểm nguy mà chỉ lỡ một nhịp là các anh, các chị phải trả bằng cả sinh mệnh của mình.

Nhưng vượt lên trên tất cả những hiểm nguy ấy cán bộ ngân hàng vẫn luôn có mặt đúng nơi, đúng chỗ và đúng lúc để mang vốn đến giúp đồng bào xóa nghèo… Nói về đóng góp to lớn của ngành Ngân hàng trong phát triển sản xuất của vùng cao lãnh đạo một tỉnh miền núi đã phải thốt lên: "Nguồn vốn ngân hàng không chỉ giúp cho người dân có thu nhập cao mà quan trọng hơn đã làm thay đổi nhận thức, lề lối canh tác theo hướng thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hình thành vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa, đồng thời bảo đảm đầu ra cho nông dân”.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ngan-hang-da-den-voi-ban-lang-38058.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.