Hệ lụy từ bằng giả… dạy thật

Thời gian gần đây, trên địa bàn miền Trung cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều trường hợp cán bộ, giáo viên sử dụng bằng cấp giả. Tình trạng sử dụng bằng “dỏm” trong ngành giáo dục đã và đang để lại những hậu quả khó lường…

Trong một số kỳ thi tuyển viên chức giáo dục tại huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi), cơ quan công an phát hiện nhiều hồ sơ sử dụng bằng giả để thi tuyển. Theo đó, sau khi xác minh, điều tra công an Quảng Ngãi phát hiện 10 trường hợp sử dụng bằng giả để dự thi trong tổng số 365 văn bằng được xác minh. Trong số 10 thí sinh dùng bằng giả có đến 7 trường hợp đang là giáo viên hợp đồng trực tiếp tham gia giảng dạy tại các cấp học mầm non, tiểu học và THCS.

Nhiều người đã có thời gian công tác lên đến 3-4 năm. Theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Tây, việc phát hiện đến 10 hồ sơ sử dụng văn bằng giả là quá bất ngờ. Bởi, khi nhận hồ sơ để ký hợp đồng ngắn hạn họ đều mang đầy đủ kể cả bằng gốc, đóng dấu đỏ… nên không nghi ngờ trong số đó lại có người sử dụng bằng giả.

Hệ lụy từ bằng giả… dạy thật
Trung tâm Đào tạo nghề Tâm An nơi phát hiện nhiều giáo viên dùng bằng giả

Khi phát hiện dùng bằng giả, hầu hết đã bỏ của chạy lấy người mặc dù đang công tác, hưởng lương cùng các chế độ khác. Đặc biệt, nhức nhối hơn tại Quảng Ngãi cơ quan chức năng còn phát hiện tình trạng giáo viên, nhân viên ngành giáo dục tham gia môi giới, tiếp tay để bán các văn bằng giả…

Cũng liên quan đến việc sử dụng bằng giả, nhưng mức độ vi phạm nghiêm trọng, liều lĩnh hơn là chuyện một trung tâm đào tạo lái xe có đến 15 giáo viên sử dụng chứng chỉ sư phạm giả ở Thừa Thiên - Huế.

Theo đó khi biết, Trung tâm Đào tạo nghề Tâm An (TP. Huế) hoạt động trong lĩnh vực đào tạo lái ô tô hạng B1 và B2 cần tuyển dụng hơn 30 giáo viên dạy lái xe. Nhiều người đã đăng ký dự tuyển và có 30 giáo viên được tuyển dụng vào trung tâm.

Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện thủ tục để ký hợp đồng với người lao động, lãnh đạo trung tâm phát hiện nhiều chứng chỉ sư phạm của giáo viên vừa tuyển dụng có nghi vấn, liền báo đến cơ quan chức năng. Sau đó, trong quá trình điều tra về đường dây sử dụng bằng sư phạm giả, cơ quan CSĐT công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phát hiện có 15 giáo viên đã sử dụng chứng chỉ sư phạm giả trong số 30 giáo viên được tuyển dụng.

Ngay sau đó, cơ quan công an đã quyết định khởi tố các đối tượng sử dụng chứng chỉ sư phạm dạy nghề giả để thi tuyển vào dạy lái xe tại Trung tâm Đào tạo nghề Tâm An. Xung quanh vụ việc, ông Hồ Đình Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề Tâm An xác nhận, do trung tâm mới thành lập nên trong khâu tuyển dụng giáo viên chưa có kinh nghiệm, dẫn đến sự việc có nhiều giáo viên sử dụng chứng chỉ giả xin việc. Rất may, trong quá trình hoàn tất hồ sơ, đơn vị phát hiện số seri trên các tấm bằng trùng nhau nên đã trình báo cơ quan công an.

Việc cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ vụ án nhiều giáo viên ở Trung tâm Đào tạo nghề Tâm An sử dụng chứng chỉ sư phạm giả góp phần ngăn chặn, đẩy lùi việc rao bán tràn lan các loại bằng giả trên mạng internet. Đồng thời, giảm những hệ lụy trong việc tuyển dụng, sử dụng lao động thiếu trình độ, chuyên môn do sử dụng bằng cấp không đúng quy định pháp luật.

Theo nhiều người nếu không bị phát hiện sớm, những giáo viên lái xe “dỏm” này được giảng dạy sẽ để lại những hệ lụy khó lường cho xã hội, ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều người khi tham gia giao thông. Vụ án là bài học đắt giá, cảnh tỉnh cho những người dùng tiền mua bằng, chứng chỉ giả để xin việc vào các DN, cơ quan Nhà nước...

Cũng tại Thừa Thiên - Huế, dư luận từng xôn xao khi một cán bộ đang công tác tại Trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) bị phát hiện sử dụng bằng Ngoại ngữ giả để đủ điều kiện cấp bằng thạc sĩ. Sự việc đã được xử lý nhưng dư luận cho rằng hình thức kỷ luật quá nhẹ, khi giảng viên dùng bằng giả này chỉ bị nhà trường nhắc nhở…

Tình trạng sử dụng bằng giả ngày càng lan rộng, gây nguy hiểm cho xã hội. Đặc biệt, nguy hại hơn khi vấn nạn này tồn tại trong ngành giáo dục, khi để cho các giáo viên “dỏm” đứng lớp sẽ để lại những hậu quả nặng nề. Trước hết, học sinh sẽ không được trang bị những kiến thức đầy đủ, do hầu hết các trường hợp giáo viên này mua bằng sẽ không có kiến thức cũng như nghiệp vụ sư phạm nếu tham gia giảng dạy.

Ngoài ra, còn ảnh hưởng nhiều đến hình thành nhân cách, đạo đức của người học. Ông Nguyễn Văn Biên, Trưởng phòng Nội vụ huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho rằng, những trường hợp sử dụng bằng giả để vào trong ngành giáo dục sẽ khiến chất lượng giáo dục không hiệu quả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục…

Việc xử lý không nghiêm, chưa “mạnh tay” với tình trạng giáo viên dùng bằng giả đã và đang tạo điều kiện “căn bệnh” này phát triển. Nhiều trường hợp vi phạm không bị xử lý, không đủ sức răn đe. Khi phát hiện cán bộ, giáo viên sử dụng bằng giả, hầu hết vẫn chỉ dừng lại ở việc xử lý kỷ luật cảnh cáo, chuyển công tác...

Để ngăn chặn tình trạng dùng bằng giả đứng lớp, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác xác minh chứng thực để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng bằng giả trong ngành giáo dục. Những giáo viên đã phát hiện sử dụng văn bằng giả phải đưa ra khỏi ngành để làm gương.

Về lâu dài, ngành giáo dục cần tập trung rà soát văn bằng chứng chỉ ở các địa phương, các trường, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng ngành giáo dục.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/he-luy-tu-bang-gia-day-that-37696.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.