![]() |
Ảnh minh họa |
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, mở rộng tự do hóa thương mại, Việt Nam đã và đang ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước. Theo cam kết của các FTA Việt Nam đã và đang đàm phán, nhiều mặt hàng nước ngoài sẽ vào Việt Nam với mức thuế rất thấp, thậm chí bằng 0%.
Theo bà Lê Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới khiến các sản phẩm được sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, có chất lượng cao của các công ty nước ngoài. Khi hàng rào thuế quan hạ xuống thì việc hàng ngoại ồ ạt về Việt Nam sẽ xảy ra.
Những năm gần đây, trên thị trường hàng tiêu dùng, nhiều sản phẩm của các nước đã bắt đầu chen chân vào thị trường Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, Sigapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… Hàng hóa ngoại nhập đều có những ưu thế nhất định như chất lượng tốt, giá cả phải chăng và dịch vụ chuyên nghiệp.
Trong các mặt hàng tiêu dùng ngoại nhập, hàng hóa của Thái Lan đang ngày một chiếm ưu thế nhất định. Ở Hà Nội, các cửa hàng Thái Lan xuất hiện ngày một nhiều trên các tuyến phố. Chị Hoàng Thị Phương, chủ siêu thị bán hàng Thái Lan tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, trước nhu cầu người tiêu dùng ngày một lớn, chị đã đầu tư mở siêu thị với đủ các mặt hàng: đồ gia dụng, quần áo, mỹ phẩm được nhập trực tiếp từ Thái Lan.
Điểm nổi trội của các mặt hàng này là chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, thường xuyên có hàng mới, và đặc biệt là giá cả chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn so với hàng của Việt Nam. Chính điều này đã thu hút khách hàng tìm đến siêu thị ngày một tăng lên. Chị Nguyễn Thu Hà, khách hàng tại siêu thị cho biết, từ khi sử dụng hàng Thái chị đã ấn tượng bởi mẫu mã đẹp, chất lượng lại khá tốt.
Sự xuất hiện của hàng ngoại tại thị trường Việt Nam khiến sự cạnh tranh của các DN trong nước càng khốc liệt hơn. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, áp lực đối với hàng Việt khi phải cạnh tranh với hàng ngoại vào Việt Nam theo con đường giảm thuế đã thấy rõ.
Hiện nay, sức cạnh tranh của DN Việt nói chung còn yếu, nhất là ở dịch vụ sau bán hàng và khâu tiếp thị sản phẩm… mặc dù nhiều sản phẩm có chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập.
Lợi thế của các DN trong nước là hiểu tâm lý, tập quán, văn hóa… của người tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, với chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đang được cộng đồng trong nước ủng hộ là lợi thế rất lớn.
Chính vì vậy, DN Việt ngoài việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, còn cần đẩy mạnh quảng bá và xây dựng thương hiệu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Việt Nam.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, các FTA được ký kết mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam như ưu đãi, thuận lợi về thuế quan (hơn 90% dòng thuế cắt giảm về 0%) giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, cơ hội mua hàng giá rẻ làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh, giảm giá bán tạo sức cạnh tranh với các hàng hóa cùng loại trên thị trường…
Tuy nhiên, việc tham gia các FTA cũng đem lại khó khăn cho DN như phải tuân thủ quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt, các hàng rào kỹ thuật, quy định về kiểm dịch động thực vật, cạnh tranh với hàng hóa dịch vụ cùng loại các nước trong cùng khối ký FTA.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ap-luc-tu-hang-ngoai-nhap-37682.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.