![]() |
Đại biểu Bùi Đức Thụ |
Như vậy là Quốc hội đã thông qua Nghị quyết đầu tư dự án Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành. Vậy ông có lưu ý gì khi thực hiện chủ trương này?
Đây là dự án lớn, đầu tư với thời gian tương đối dài, chắc chắn sẽ đụng đến rất nhiều vấn đề nếu không được tính toán và có phương án chỉ đạo quyết liệt ngay từ bây giờ.
Đầu tiên là giải phóng mặt bằng. Mặc dù số hộ dân không nhiều nhưng việc tái định cư để ổn định đời sống cho người dân trong khu vực là vấn đề không đơn giản. Vấn đề khác là thu hồi đất, như hiện nay ở nhiều nơi không tránh khỏi khiếu kiện của người dân xung quanh chế độ chính sách đền bù. Vấn đề đặt ra là trong giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư cho người dân là vấn đề lớn cần được tập trung thực hiện.
Thứ nữa là định hướng về nguồn vốn, nhìn chung thấy là ổn nhưng khi đi vào cụ thể của điều kiện ngân sách nước ta hiện tại hết sức khó khăn, nợ công cao, Việt Nam lại vừa thoát khỏi nước nghèo nên việc tài trợ từ phía nước ngoài dưới hình thức phát triển chính thức ODA hết sức hạn chế. Việc huy động vốn trong nước và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật trong bối cảnh hiện nay không hề đơn giản.
Nhiều ý kiến vẫn lo lắng việc đội vốn công trình này, trong khi Nghị quyết vừa thông qua không đưa ra quyết định rõ về vấn đề này, quan điểm của ông thì sao?
Đây mới là báo cáo tiền khả thi, tức là theo quy định của Luật Đầu tư công thì số liệu tổng mức đầu tư cũng như cơ cấu vốn đầu tư mới là số liệu khái toán. Vấn đề này sẽ sát thực hơn sau khi xây dựng báo cáo khả thi. Trên cơ sở đó mới xác định được tổng mức đầu tư sát thực hơn.
Ngay cả khi dự án khả thi đã xác định được mức vốn sát hơn thì trong quá trình tổ chức thực hiện trong thời gian rất dài đó, điều hành kinh tế xã hội nói chung, chính sách tiền tệ nói riêng sẽ còn biến động. Vì vậy nó sẽ tác động đến việc tổ chức thực hiện, đặc biệt sẽ tác động đến tổng mức đầu tư.
Tuy nhiên, khi xây dựng tổng mức đầu tư tới đây trong dự án khả thi sát hơn thì cũng đã tính đến một phần dự phòng trong tổng mức đó như: dự phòng về trượt giá. Nhưng đấy là trong điều kiện bình thường, còn khi nền kinh tế phải đối mặt với cú sốc từ trong nước và quốc tế có thể trong quản lý điều hành CPI không được như mong muốn, sẽ tạo ra áp lực giá đầu vào đối với dự án này.
Thưa ông, lúc đầu khi dự án được trình ra Quốc hội đã có nhiều quan điểm trái chiều nhưng hôm nay kết quả lại cho thấy tỷ lệ đại biểu bấm nút rất cao. Theo ông, lý do vì sao?
Ngay từ ban đầu, đại biểu quốc hội có nhiều ý kiến khác nhau. Ý kiến băn khoăn nhất là bây giờ đầu tư lấy tiền ở đâu trong điều kiện nợ công của chúng ta cao. Cuối 2015 đã lên đến 60,4% GDP và dự kiến cuối 2016, nợ công sẽ lên đến 64% GDP.
Nếu đầu tư một dự án lớn như thế, mà đây chỉ là một trong những dự án lớn mà đất nước mình cần phải đầu từ thì cần một lượng tiền rất lớn đã gây ra khó khăn cho NSNN và huy động các nguồn lực khác. Đấy là băn khoăn lớn nhất của đại biểu quốc hội.
Băn khoăn thứ hai là hiện nay việc đầu tư mới trong điều kiện như thế này có nên hay không, có phương án nào tốt hơn, hiệu quả hơn hay không, có nên mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hay không, hay có nên mở rộng sân bay quân sự Biên Hoà hay không…
Qua giải trình tiếp thu cũng như qua làm việc của UBTV Quốc hội và các cơ quan Quốc hội thì thấy rằng, so với các phương án khác là không hiệu quả cả về mặt kinh tế, xã hội, tài chính. Kế nữa là việc thu xếp nguồn vốn, rõ ràng hiện tại có khả năng cân đối được nhưng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng khi Chính phủ đã cam kết sẽ thực hiện mọi biện pháp để thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội với tổng kinh phí dự án đã báo cáo trước Quốc hội thì nỗi băn khoăn đó đã được giải toả.
Còn về chủ trương đầu tư, khi thảo luận ở tổ và trao đổi với các đại biểu Quốc hội khác thấy rằng, việc việc đầu tư mới dự án này không chỉ là bức thiết mà còn cấp bách vì với sự tăng trưởng của ngành Hàng không như hiện nay thì việc quá tải sân bay Tân Sơn Nhất là nhãn tiền.
Vì vậy, để phát triển kinh tế xã hội, dịch vụ thì trách nhiệm Nhà nước phải đầu tư hạ tầng, phải tháo gỡ các nút thắt cản trở sự phát triển kinh tế ở giác độ cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội mà cụm cảng hàng không cũng là một trong những nút thắt.
Chúng ta đều biết rằng, đầu tư như thế này, sớm nhất đến 2022 chúng ta mới có thể khai thác được ở giai đoạn 1 nhưng mà quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất đã bắt đầu ngay vào những năm tới, sau 2016.
Do vậy tôi cho rằng với một dự án lớn, đầu tư dài hạn, quy mô lớn, giải phóng mặt bằng lớn, đến tái định cư và các vấn đề khác… thì sự xem xét thận trọng của Quốc hội để đảm bảo hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn NSNN cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác là rất cần thiết. Đây cũng là thể hiện trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với nhân dân nên sự cân nhắc và lật đi lật lại vấn đề ở các giác độ khác nhau để tìm ra một lời giải khả thi tối ưu nhất là điều cần thiết.
Xin cảm ơn ông!
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/giai-toa-ban-khoan-nhung-van-nhieu-noi-lo-36066.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.