Hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam: Tình yêu theo suốt cuộc đời

Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái là một người thành đạt. Bố ông hy sinh năm ông mới 3 tuổi, mẹ ông khi đó đang mang thai đứa em út. Bằng sự nỗ lực trong suốt cuộc đời, ông đã từ một nhà giáo ở huyện Hòa Vang, trở thành Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam. 

Với ông, để có được ngày hôm nay, ngoài công lao của người mẹ đảm đang, tháo vát, thì sự hiện diện của người vợ hiền, cô giáo Đoàn Phùng Thúy Liên, đã cùng ông gánh vác mọi trách nhiệm trong đời sống, đã là một hậu phương vững chắc để ông có một ngày hôm nay thành đạt.

Hiện nay nhà giáo Ngô Trần Ái đã nghỉ hưu, niềm vui của ông là được trở về gia đình, bên người vợ hiền thảo, để hưởng trọn hạnh phúc và tình yêu, một tình yêu đi dài suốt cuộc đời.

Hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam: Tình yêu theo suốt cuộc đời
Vợ và các con của nhà giáo Ngô Trần Ái

Họ gặp nhau vào tháng 6/1972, ở Đà Nẵng, khi cô sinh viên Thúy Liên đi nhờ cùng chuyến xe lên sân bay vào TP. HCM. Anh giáo trẻ Ngô Trần Ái hồi ấy mới tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) TP. HCM, cô Liên khi ấy đang học ĐHSP Huế. Bà Đoàn Phùng Thúy Liên kể lại: “Anh gặp tôi, trò chuyện vài ba câu mang tính xã giao thông thường. Vào TP. HCM, anh có tìm gặp tôi, nhưng không gặp.

Sau buổi gặp tình cờ đó với tôi, anh chẳng để lại ấn tượng gì và mất liên lạc từ đó…”. Thế rồi đến tháng 10/1974, cô Liên được phân công về trường Trung học Đơn Dương (Lâm Đồng). Và tháng 10/1976, cô được thuyên chuyển về Đà Nẵng và rất ngẫu nhiên, đúng ngay trường Trung học Hòa Vang, nơi Ngô Trần Ái đang dạy (anh đã mừng thầm khi thấy tên cô giáo môn Pháp văn Đoàn Phùng Thúy Liên). Anh chờ đợi ngày cô giáo Liên trình diện và hôm đó, cô đã thoáng chút giật mình sửng sốt về sự gặp gỡ mang tính định mệnh này.

Hồi ấy, từ nhà cô đến trường PTTH Hòa Vang khá xa (9 km), đường đi lúc đó gập ghềnh, trắc trở. Và khi cô Liên đang phân vân không biết có nên chọn trường này hay không thì thầy giáo trẻ Ngô Trần Ái, thường đi chung lối về, quan tâm giúp đỡ, tình nguyện đón, đưa bằng xe gắn máy.

Lâu ngày phát sinh tình cảm, tình yêu và nên vợ nên chồng từ ngày ấy đến nay. Sau gần 40 năm, họ vẫn theo quy luật gọi là “duyên số” này, trước sau đều thủy chung, trọn vẹn và tình nghĩa, giúp đỡ, quan tâm lẫn nhau.

Khi làm vợ thầy giáo Ngô Trần Ái ngày đó, đối với cô giáo Thúy Liên, là một áp lực (nếu không muốn nói là một cú sốc lớn trong đời). Bởi ngày đó, bà đang là cô giáo trẻ, tràn đầy năng lượng, được nuôi dưỡng trong một gia đình đầy đủ tiện nghi, rất hồn nhiên, vô tư, chưa gặp một chút thử thách, khó khăn trong cuộc sống.

Bà chưa có khái niệm lập gia đình, chưa chuẩn bị cho mình một hành trang, một kiến thức sơ đẳng về đời sống vợ chồng và chưa có khái niệm nào về… hạnh phúc lứa đôi. Ấy thế mà… bà phải gánh trên mình ba vai trò: làm vợ của một người đàn ông, làm dâu trưởng trong một gia đình toàn… con trai, và đặc biệt là con dâu của một vợ liệt sỹ.

Bà Thúy Liên chia sẻ: “Mẹ chồng tôi, một mình phải bươn chải với cuộc sống khó khăn để nuôi dạy ba người con trai, nên bà nghiêm khắc với chính mình và với những người con dâu, đặc biệt là con dâu trưởng. Nhưng đằng sau sự nghiêm khắc ấy, là tình thương bà dành cho con cháu. Mấy chục năm chung sống, tôi học được ở mẹ chồng rất nhiều điều: sự son sắt, thủy chung, hy sinh, chịu đựng.

Đây là điều mà đại gia đình của tôi (nội, ngoại, làng xóm) đều phải công nhận. Bà thức khuya dậy sớm, làm lụng, tích cóp cho con, cho cháu. Nay, tuổi đã già, sức yếu nhưng vẫn dõi theo từng bước đi của con cháu. Bà đã chịu nhiều cay đắng nhưng vẫn đứng vững để nuôi dưỡng các con học hành thành đạt…”.

Bước vào làm dâu con, trong một gia đình như thế, người ta có thể tưởng tượng một cô giáo trẻ như bà Liên ngày ấy gặp nhiều khó khăn như thế nào. Nhưng rồi, bà học được đức tính hy sinh từ người mẹ, tấm lòng độ lượng, bao dung của người vợ, người chị để tìm được sự đồng thuận, bỏ qua mọi xung đột ban đầu để gắn kết gia đình. Để làm được điều đó, bà đã đánh đổi bằng nhiều năm tháng, song, trước hết là bắt nguồn từ tình thương yêu chân thật đối với chồng, các em của chồng và đặc biệt bà đã noi gương đức tính kiên trì, hy sinh, chịu đựng của mẹ chồng.

Nhà giáo Ngô Trần Ái là một người đàn ông thành công trong sự nghiệp, và để đạt được điều này, chắc chắn không thiếu những khó khăn. Những lúc ấy, bà Đoàn Phùng Thúy Liên luôn là người phụ nữ đồng cam cộng khổ, lo lắng chu toàn cho ông, để có một ngày hôm nay hạnh phúc.

Bà tâm sự: “Cách chia sẻ hay nhất, thông minh nhất là hết lòng chăm lo việc nhà, đối nội, đối ngoại, để nhà tôi có thời gian làm tốt công việc của mình. “Việc nhà” của phụ nữ, nhất là làm dâu trưởng trong một gia đình lớn, rất phức tạp, mỗi năm tôi đều phải đứng ra lo giỗ chạp cho gia đình bên chồng, bên cha mẹ, rồi lễ, Tết, tôi sắp xếp công việc rất chu đáo. Gần 40 năm tình nghĩa vợ chồng sớm tối, tôi lẳng lặng đứng sau, chia ngọt, sẻ bùi, giúp đỡ ông những lúc khó khăn.

Người vợ phải biết chia sẻ, hỗ trợ chồng trong công tác chuyên môn. Có những lúc ông đi công tác xa, lâu ngày, tôi cảm thấy cô đơn tột cùng; con cái ở trong miền Nam, anh chị em ruột đều ở xa, tôi lủi thủi một mình, nhưng đã tìm đủ mọi cách để vượt qua nỗi cô đơn ấy. Tôi viết sách, đọc sách báo và vui cùng một nhóm bạn bè.

Tôi nghĩ rằng, mình cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác, trong mọi hoàn cảnh đều phải cùng chồng nỗ lực chăm lo đời sống, nuôi dạy các con nên người và bây giờ, các cháu đều có công ăn việc làm, thành đạt trong cuộc sống. Đó là bản chất của người phụ nữ Việt Nam chứ thực sự cũng chẳng có gì đặc biệt cả”.

Bà Đoàn Phùng Thúy Liên là một điểm tựa vững chắc để ông Ngô Trần Ái vững tâm trên con đường sự nghiệp của mình. Bà vừa chăm lo gia đình, vừa quan tâm đến việc làm từ thiện. Những năm ông Ngô Trần Ái còn làm Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, bà đã cùng chồng cũng như như thay mặt chồng, luôn chú trọng đến vấn đề thiện nguyện, từ những việc nhỏ nhất như tặng sách giáo khoa cho các em, các cháu vùng sâu, vùng xa, con thương binh liệt sĩ.

Bà Liên kể: “Tôi kính trọng anh Ái vì anh là người có tấm lòng rất ấm áp khi quan tâm đến những người nghèo trong xã hội. Anh đã vận động nhiều đơn vị, nhiều người, làm công tác xã hội hàng năm, xây nhà tình nghĩa cho các mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp cả nước.

Bản thân tôi rất quan tâm tới người nghèo. Tôi cùng các bạn của mình cũng có cách làm riêng, là đóng góp công sức, quyên góp tiền của để giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình, trẻ em mồ côi, người già neo đơn ở những ngôi chùa, trại nuôi dưỡng người tâm thần… ở khắp nơi, nhất là những tỉnh miền núi như A Lưới, Khe Sanh, Kon Tum. Tôi đã đi nhiều vùng sâu vùng xa, thấy đời sống của người dân, các em nhỏ còn khó khăn lắm, bởi thế mình cố gắng làm điều gì đó để thấy an lòng.

Tôi luôn tâm niệm sống phải có tâm, có đức, giúp đỡ mọi người, nhất là những người ở trong hoàn cảnh khó khăn, để giúp họ vơi đi nỗi khổ một phần nào trong cuộc sống. Làm việc thiện là niềm vui và thực sự tôi đã đạt được điều này. Bạn bè và tôi đã tự bỏ tiền của mình ra, huy động bạn bè ở nước ngoài ước tính gần 1,5 tỷ đồng trong vài năm nay để làm từ thiện. Tôi cũng đã kêu gọi các con đóng góp thêm, để các con ý thức được lòng thương người”.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái, chia sẻ rằng, điều may mắn lớn nhất của ông là có được người vợ hiền đảm đang, cô giáo Đoàn Phùng Thúy Liên, bên cạnh người mẹ tảo tần khuya sớm ngày đêm vẫn dõi theo từng bước đi của con trai. Bà đã là một hậu phương vững chắc, một chỗ dựa về tinh thần để ông yên tâm theo đuổi niềm đam mê của mình.

Có những thời điểm, bao vất vả, khó khăn một mình bà gắng chịu. Mỗi lần nhắc đến vợ, nhà giáo Ngô Trần Ái đều kể với một niềm tự hào và chan chứa yêu thương, như thể thay lời cảm ơn vì bà đã đến với cuộc đời ông.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/huong-ung-ngay-gia-dinh-viet-nam-tinh-yeu-theo-suot-cuoc-doi-36029.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.