Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, hiện nay có nhiều DN Ấn Độ sang Việt Nam đầu tư chế biến hạt điều xuất khẩu. Nhìn nhận về động thái nói trên, ông Phan Văn Trường, tùy viên Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, thời gian gần đây, Chính phủ nước này đưa hạt điều ra khỏi danh mục khuyến khích xuất khẩu để tập trung tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Ấn Độ hiện tiêu thụ điều nhân đứng đầu thế giới, với khoảng 250.000 - 300.000 tấn/năm. Trong đó, 45% là cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất bánh kẹo và chế biến thực phẩm… Tuy nhiên, có đến 70% cơ sở chế biến điều của nước này phải đóng cửa do áp lực lớn về chi phí nhân công tăng cao, giá điều nguyên liệu tăng do đồng Rupee yếu…
![]() |
Hạt điều xuất khẩu Việt Nam được đánh giá cao |
Theo Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu hạt điều Ấn Độ, rất nhiều nhà sản xuất Ấn Độ không chịu bó tay trước khó khăn hiện tại. Một mặt, họ duy trì sản xuất trong nước, mặt khác tăng đầu tư sang Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế giá nhân công còn rẻ, công nghệ chế biến tốt để sản xuất hạt điều chất lượng cao cho thị trường xuất khẩu. Điều này khiến nhiều DN trong Vinacas lo ngại áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng lớn hơn, bởi Ấn Độ là quốc gia đứng trong TOP đầu về chế biến và xuất khẩu hạt điều nhân.
Trên thực tế, hạt điều là nông sản có lợi thế so với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu khác của Việt Nam. Bởi nhu cầu tiêu thụ hạt điều trên thị trường thế giới đang tăng mạnh. Trong 5 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 828 triệu USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2014.
Ở trong nước, tình hình sản xuất tiêu thụ điều hiện rất khả quan. Theo Vinacas, tại tỉnh Bình Phước (địa phương có diện tích trồng điều lớn nhất nước) hiện giá thu mua hạt điều khô đang tăng nhẹ, với mức giá là 38.000 đồng/kg.
Các DN thuộc Vinacas cho biết, hạt điều Việt Nam có chất lượng rất cao, dùng để chế biến điều rang muối được thị trường tiêu thụ rất mạnh. Chính vì thế, hầu hết các DN chế biến điều đều “đổ xô” thu mua điều thô ngay từ đầu vụ để có nguyên liệu tốt phục vụ cho xuất khẩu. Nhưng sản lượng điều thô trong nước chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu chế biến, còn lại phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài, đặc biệt là từ châu Phi.
Mặc dù giá hạt điều thô từ các nước châu Phi thấp hơn so với giá trong nước nhưng các DN vẫn chuộng hạt điều trong nước, vì chất lượng vượt trội và sản phẩm làm ra dễ bán. Trong khi điều thô nhập khẩu từ một số quốc gia châu Phi như Ghana, Benin, Nigeria… thì phải chịu đến 65 - 75% hàng có vấn đề về chất lượng (ẩm mốc, mọc mầm, tỷ lệ phế phẩm cao…).
Mặt khác, hiện nay ngành chế biến điều của Việt Nam đã phát triển tốt, các DN đầu tư trang thiết bị hiện đại. Hạt điều Việt Nam được chế biến bằng máy móc, trong khi một số quốc gia cạnh tranh của Việt Nam như Ấn Độ vẫn còn chế biến hạt điều thủ công.
Từ những yếu tố này mà hạt điều Việt Nam đã có đơn đặt hàng xuất khẩu đến hết quý IV/2015. Đặc biệt, thị trường Hoa Kỳ, với giá mua hạt điều nhân cao, số lượng đặt hàng ổn định, đang có nhiều đoàn DN sang Việt Nam tìm hiểu nhằm tăng lượng nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam trong thời gian tới.
Phía DN Hoa Kỳ tin tưởng vào chất lượng nhân điều Việt Nam, dù có trên 50% là nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi nhưng công nghệ chế biến của Việt Nam đã khắc phục nhược điểm về chất lượng sản phẩm. Như vậy, xét về nhiều mặt, thì DN sản xuất, chế biến điều trong nước vẫn đang có lợi thế lớn hơn.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cuoc-do-bo-cua-nguoi-an-35980.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.