Tìm đồng nghiệp
“Hồi chụp ảnh chiến tranh Việt Nam tôi đã bị thương nhiều lần. Có lần suýt chết khi bị thương ở bụng. Tôi mang trong mình đất nước này, dân tộc này. Tôi đã tận mắt chứng kiến chiến tranh, vì thế tôi trân quý hòa bình biết bao...”- Tim Page, nhà báo Anh, người từng có mặt trên khắp các chiến trường miền Nam từ hồi đầu thập niên 60 đã bày tỏ như vậy tại cuộc gặp gỡ những nhà báo nổi tiếng thế giới từng tác nghiệp trong thời kỳ chiến tranh tại Việt Nam vừa được tổ chức.
![]() |
Bức ảnh “Hai người lính” của Chu Chí Thành |
Tim Page chào đời tại Kent, Anh vào năm 1944. Trong thời gian săn ảnh chiến tranh tại miền Nam Việt Nam và Campuchia, do nhiều lần mạo hiểm vào sinh ra tử nên các đồng nghiệp thường "tiên đoán" rằng ông không thể sống quá tuổi 23!
Tim cũng từng là đề tài chính của nhiều phim tài liệu, hai phim tiểu sử và là tác giả của 9 cuốn sách, trong đó có cuốn Requiem đăng lại nhiều ảnh chụp bởi các nhà báo đã hy sinh trong các năm chiến tranh chống quân Nhật, Pháp và Mỹ ở Việt Nam. Requiem còn là nguồn cảm hứng và là đề tài triển lãm ảnh trong Bảo tàng chứng tích chiến tranh tại TP. Hồ Chí Minh.
Tim Page nói: “Tôi có những đồng nghiệp mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Hiện tôi đã bỏ nhiều năm để tìm kiếm thông tin về họ nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan nào. Tôi hy vọng sẽ tìm được phần còn lại của họ trước khi nhắm mắt xuôi tay. Tôi không bao giờ muốn nhìn thấy chiến tranh ở bất kỳ nơi đâu trên trái đất này với bất kỳ lý do nào nữa”.
Tìm người trong ảnh
Cũng trong những ngày này, khi nhắc lại một trong những tác phẩm để lại kỷ niệm đáng nhớ nhất, nhà báo Chu Chí Thành đã kể câu chuyện về bức ảnh “Hai người lính”. Có một buổi sáng đầu tháng 4/1973, tức chỉ khoảng hơn một tháng sau ngày hiệp định Paris được ký kết, chiến sự được tạm dừng ở vùng ranh giới hai miền Nam-Bắc.
Khi ông đang đi tuần cùng các chiến sĩ giải phóng quân tại vùng vĩ tuyến 17 thì gặp một người lính bên kia chiến tuyến. Anh ấy bảo: “Anh phóng viên chụp cho chúng em xin một bức ảnh kỷ niệm nhé!’ Nói rồi, anh vui vẻ khoác vai người lính ở bờ bên này chiến tuyến...”.
"Với tôi, đó là minh chứng sinh động cho ước vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Một người lính giải phóng quân đầu đội mũ tai bèo và một người lính Việt Nam Cộng hòa trong trang phục rằn ri, hai con người ở hai chiến tuyến đối nghịch đã sát vai bên nhau. Mọi khoảng cách đều được xóa bỏ", nhà báo Chu Chí Thành xúc động hồi tưởng.
Mấy chục năm sau ngày đất nước thống nhất, ông không ngớt nhờ bạn bè tìm kiếm dấu vết 2 người lính ấy, với hy vọng họ vẫn còn sống sót sau chiến tranh. Tuy nhiên, mới đây một phóng viên của báo Tuổi Trẻ tin cho ông biết đã tìm ra được gia đình người lính giải phóng quân tại Huế, nhưng bản thân người lính đã qua đời cách đây vài năm. Còn người lính "phía bên kia" vẫn chưa rõ tông tích... Ông Chu Chí Thành nói: “Tôi chúc tất cả chúng ta không phải chụp ảnh chiến tranh nữa, mà chỉ chụp cảnh sống hòa bình, hạnh phúc của nhân dân!”.
Và tìm về mẹ
Có một cuộc tìm kiếm khác, rất lặng lẽ, riêng tư nhưng đầy xúc động. Đó là trường hợp của nhà báo Bùi Dương Hương Ly hiện đang là phóng viên của hãng BBC. Chị cho biết hiện vẫn không ngừng đi tìm hài cốt người mẹ của mình - Nhà báo, nhà văn nổi tiếng Dương Thị Xuân Quý đã hy sinh tại quê Quảng Nam khi đang trên đường tác nghiệp. Sau 40 năm, hầu như năm nào gia đình chị cũng về lại quê hương Quảng Nam, nhưng vẫn chưa tìm được nơi chôn cất mẹ.
Chị tâm sự, tuy nhiên lại có một niềm vui lớn đã bất ngờ đến với gia đình, khi trong chuyến đi mới đây về Quảng Nam, Hương Ly đã tình cờ thấy một con đường mang tên mẹ mình tại TP. Đà Nẵng. Cách đó không xa là đường mang tên ông ngoại chị, nhà hoạt động văn hóa Dương Tự Quán. Và còn có ba con đường khác mang tên các bậc tiền bối cũng trong gia đình bên ngoại chị.
Chị nói: "Tôi vẫn chưa hết hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm được di hài của mẹ và biết được những giờ phút cuối cùng của mẹ. Đối với riêng tôi, mẹ chính là lý do tôi trở thành nhà báo. Tôi đi tường thuật ở nhiều vùng xung đột: Afghanistan, Iraq, Yemen, vùng Bắc Phi và Trung Đông… Đi theo con đường của mẹ, tôi thấy mẹ luôn ở cạnh mình. Và tôi sống cho cả những ngày mẹ tôi chưa kịp sống".
Sau 40 năm ngày hòa bình, còn biết bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu số phận vẫn được các nhà báo tìm kiếm không ngừng nghỉ. Không phải câu chuyện nào cũng có thể kết thúc trong nụ cười rạng rỡ. Nhưng hẳn rằng, tất cả đều có một cái đích chung, đó là sự hòa hợp, tin yêu, xóa bỏ hận thù, cùng nhau hướng đến tương lai, xây dựng đất nước Việt Nam ngày một phồn vinh, thịnh vượng.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nhung-cuoc-tim-kiem-35818.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.