Triển lãm này giới thiệu hơn 50 tác phẩm của các phóng viên hãng Thông tấn AP (Mỹ) thực hiện được trong cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam với Mỹ. Những bức ảnh của hãng AP tại triển lãm đã chạm đến cảm xúc của nhiều người, tái hiện sự tàn khốc của cuộc chiến tranh năm xưa…
![]() |
Triển lãm “Những bức ảnh về chiến tranh Việt Nam” của hãng Thông tấn AP những ngày qua luôn thu hút người xem |
Có thể nói đây là một triển lãm đặc biệt và có ý nghĩa rất lớn. Lần đầu tiên, một hãng thông tấn lớn nhất và nổi tiếng khắp thế giới AP mang các bức ảnh về chiến tranh tại Việt Nam để tổ chức triển lãm tại Hà Nội. Đích thân ông Gary Pruitt - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hãng Thông tấn AP đã tới Việt Nam dịp này.
Theo ông Gary Pruitt, trong những năm chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam, hãng Thông tấn AP đóng vai trò chủ đạo trong việc đưa tin về cuộc chiến. Để đưa tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Mỹ, hãng AP đã cử một đội ngũ phóng viên ảnh xuất sắc tới Sài Gòn, những phóng viên ảnh này đã tạo ra một trong những di sản ảnh vĩ đại nhất của thế kỷ 20, trong đó có 6 giải Pulitzer cho việc đưa tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, 4 giải trong số đó cho thể loại ảnh bao gồm cả giải của phóng viên ảnh Nick Út năm 1973.
“Bộ sưu tập ảnh này của chúng tôi là kho tư liệu ảnh toàn diện nhất về cuộc chiến tranh. Những bức ảnh này và việc đưa tin của chúng tôi có ảnh hưởng to lớn đến cuộc chiến, đem đến cho người dân Mỹ và người dân các nước khác trên thế giới một bức tranh toàn cảnh những gì đang diễn ra ở Việt Nam”, ông Gary Pruitt nói.
58 bức ảnh chụp trong thời gian chiến tranh tại Việt Nam đã kể lại những khía cạnh con người phía sau cuộc chiến, về những mất mát, đau thương mà người dân Việt Nam đã phải gồng mình chịu đựng trong suốt chặng đường dài.
Công chúng có cảm giác nhói đau khi bắt gặp bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Nick Út có tên gọi “Em bé Napalm” thể hiện sự khốc liệt, sự khủng khiếp của cuộc chiến tranh năm nào. Bức ảnh thể hiện hình ảnh trẻ em chạy gào thét kêu cứu dọc đường 1 gần Trảng Bàng, phía sau là lính của Sư đoàn 25 của Việt Nam Cộng hòa ngày 8/6/1972.
Trong bức ảnh này, cô bé Kim Phúc (9 tuổi) mình trần, kêu khóc thảm thiết khi bị dính chất độc của bom Napalm. Bức ảnh này của Nick Út đã giành được giải Pulitzer cho ảnh thời sự năm 1973. Nhiếp ảnh gia Nick Út chia sẻ về bức ảnh để đời này “Tôi thấy một máy bay thả quả bom làm cả thị xã rung lên, chỉ 2 phút sau chiếc còn lại nhào xuống, thả 4 quả bom Napalm.
Khi ấy tôi nghĩ không còn ai trong thị xã nữa, đột nhiên sau làn khói đen có đám trẻ con chạy túa ra, Kim Phúc là một trong số đó, cô bé bị cháy hết quần áo, mảng da trên tay cháy tuột xuống, cô bé la hét. Tôi chớp lấy khoảnh khắc đó rồi chạy tới tưới hai chai nước lên lưng Kim Phúc”.
Bên cạnh đó, nhiều bức ảnh khác trong triển lãm cũng làm lay động trái tim mọi người, có thể qua đó khiến những giọt nước mắt người xem lăn dài trên má. Đó là những bức ảnh có lẽ chỉ có hãng AP mới thực hiện được, là những khoảnh khắc trong quá khứ nhưng sẽ còn được nhớ mãi trong nhiều thế hệ.
Ở đó, công chúng thấy hình ảnh đầy dũng cảm, phản đối cái ác là chiến tranh phi nghĩa khi nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu trên đường phố Sài Gòn để phản đối chính quyền Việt Nam Cộng hòa năm 1963 (tác giả Malcohn Browne). Hoặc bức ảnh cho thấy dưới làn đạn, một phụ nữ Việt Nam bế đứa trẻ đến nơi trú ẩn được chụp bởi phóng viên Eddie Adams, năm 1965. Chưa dừng lại ở đó, bức ảnh khác thể hiện khoảnh khắc anh Nguyễn Văn Lém - người tình nghi là quân giải phóng nhưng vẫn hiên ngang trước họng súng kẻ thù (tác giả Eddie Adams, năm 1968)…
Tại triển lãm, công chúng còn thấy bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc sâu sắc như bức về Trung tá Robert Stirm được gia đình chào đón tại căn cứ không quân Travis (Califorrnia, Mỹ) khi ông trở về sau 5 năm làm tù binh chiến tranh. Bức ảnh này thể hiện niềm vui sum tụ, nhưng đồng thời cũng truyền đi thông điệp về ước muốn hòa bình, một thế giới không chiến tranh sẽ làm nhân loại được sống trong yêu thương và niềm hạnh phúc.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam - Bùi Thanh Sơn nhận xét về triển lãm “Những bức ảnh trong triển lãm như một lời nhắc nhớ chúng ta về sự tàn khốc của chiến tranh để chúng ta thêm trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập và tự do”. Triển lãm này sẽ còn kéo dài đến hết ngày 26/6 và khi kết thúc, 58 bức ảnh trong triển lãm sẽ được hãng AP tặng lại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam để nhiều người Việt Nam khác, những người không có điều kiện đến triển lãm, có cơ hội được xem chúng.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/anh-cua-phong-vien-ap-ve-chien-tranh-viet-nam-cham-den-chieu-sau-xuc-cam-35717.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.