![]() |
Ảnh minh họa |
Luật ngầm mùa thi
Tháng 5 tháng 6 ở các trường đại học, học viện, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp là thời điểm sinh viên năm cuối gấp rút lo thi cử, làm đồ án tốt nghiệp. Cùng với nỗi lo bài vở, nhiều nơi, nhiều người còn thêm nỗi lo “tiền quà” cho các thầy cô cũng đang đè nặng lên suy nghĩ của không ít sinh viên, đặc biệt là các bạn sinh viên nghèo.
Nông Thị M, cô sinh viên năm cuối của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội chia sẻ về việc chuẩn bị cho kỳ tốt nghiệp của mình: “Mình giờ lo làm luận văn thôi. Việc tốt nghiệp loại gì giờ mới lo là muộn rồi. Mới vào trường các anh chị khóa trên đã nhắc nhở bọn mình “chăm sóc tốt thầy cô” nên từ năm nhất bọn mình đã ý thức được vấn đề. Giờ mình bằng giỏi trong tầm tay... nhàn rồi”.
Để có được “sự nhàn” như M thì từ năm nhất đại học M đã phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngoài nỗ lực học thì việc xác định mức độ khó dễ của từng môn, từng thầy cô để chuẩn bị hợp lý. Có môn thì lập một nhóm góp tiền đi chung, có môn thì đi phong bì riêng.
Việc lập nhóm để thăm thầy cô vào mùa thi cũng phải chọn lọc những bạn có hoàn cảnh gia đình ngang với mình. Rồi phân nhiệm vụ cho nhau nghe ngóng các nhóm khác xem nhóm kia đi bao nhiêu để lựa con số phù hợp, tránh tình trạng bị nhóm khác “vượt mặt” đi nhiều hơn thì sẽ gây khó khăn cho nhóm mình.
Cứ thế mỗi kỳ thi những sinh viên như M lại có một bảng giá ngầm với nhau. Môn này mỗi đứa 100.000 đồng, môn kia khó hơn 200.000 đồng. Và nếu cần đạt một con số nhất định nào đó thì đi riêng đến nhà thầy/cô với giá không dưới 500.000 đồng/môn.
Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn
Thường thì với sinh viên năm nhất năm hai có tâm lý chơi cho thỏa, nhưng vào thời điểm trước kỳ thi cuối kỳ năm ba và năm bốn thì rất lo điểm. Đây là hai kỳ thi mà điểm số quyết định rất lớn đến việc xét duyệt bằng cấp 4 năm đại học.
Ở một số khoa của không ít trường đại học mỗi khi đến kỳ thi của hai năm cuối thì thầy/ cô phó khoa hoặc trưởng khoa gọi một số sinh viên có điểm gần khá lên để thăm hỏi đặc biệt. Thầy đưa bảng điểm của mấy bạn đó ra và thương cảm rằng: “Mặc dù thời gian qua thầy/cô khá bận và không có thời gian theo sát các em. Nhưng thầy/cô đã theo dõi kết quả học tập và thấy rằng các em là những học sinh ngoan có điểm gần khá. Nếu kỳ này các em cố gắng thêm chút nữa thì may ra mới cứu vãn được. Không thì các thầy cũng rất tiếc, những năm trước có bạn được 6.99 điểm rồi mà không được vớt lên khá. Bằng trung bình thì các em biết rồi đó, không thể gửi hồ sơ đi đâu được”.
Sau hôm ấy những bạn được thầy gọi lên đã họp bàn nhau và chuẩn bị đi thăm thầy riêng, thân mật hơn. Có bạn bố mẹ mang cả mật ong, gà đồi kèm theo phong bì xuống nhà thầy. Gặp ai lúc đầu thầy cũng chối nhưng rồi như thầy nói: “Thương em thì thầy cứ nhận vậy. Thầy sẽ cố gắng thử xem nhưng không hứa trước đâu em nhé”.
Dù chắc hay không, được thầy để ý đến đã là yên tâm rồi. Thầy nhận quà cho là thầy còn thương. Những bạn đó vào kỳ thi rất lơ là không học. Có bạn chỉ đợi đến ngày thi mới dở vở ra xem qua rồi đi thi. Vì khi chấm bài sẽ dọc phách nên để thầy nhận ra bài của sinh viên đã đi “phong bì” thì giữa họ đã thống nhất ký hiệu riêng rất tinh vi trong bài làm. Khi có kết quả thì các bạn sinh viên nhận ra rằng “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”.
Chạy điểm do áp lực bằng cấp
Thực hiện thêm những cuộc phỏng vấn nhỏ với một vài bạn sinh viên ở các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhiều câu chuyện đã được bộc bạch. Bạn Nguyễn Văn N... sinh viên một trường đại học ở Hà Nội kể: “Nhiều môn chúng em phải nộp tiền khống lên. Có môn học chỉ có 3 tín chỉ nhưng chúng em phải nộp tiền 4 tín chỉ, khi tính điểm vẫn chỉ có tính 3 tín chỉ. Chúng em có phản ánh với cô giáo thì cô giáo bảo đó là việc của cấp trên các cô cũng không thể can thiệp mà chỉ biết làm theo thôi. Chuyện tiền thì các thầy của em thẳng thắn lắm, bao nhiêu cứ bảo luôn”.
Còn Hoàng Văn H cũng là sinh viên năm cuối của một trường đại học ở Hà Nội thì kể: “Khoa em có hai mức để lấy điểm khi kỳ thi đến. Mức thường thì 200.000 đồng – 300.000 đồng/môn. Mức này chắc chắn được điểm 7 nhưng vẫn phải thi và làm bài, câu hỏi thì đã được tiết lộ trước. Còn mức 500.000 đồng – 1.000.000 đồng/môn thì không cần phải thi, đến có mặt là được. Nên có nhiều trường hợp cả học kỳ không thấy bạn ấy đi học mà điểm vẫn cao, bằng giỏi hẳn hoi. Hỏi ra mới biết là đã có người nhà lo liệu cho hết rồi”.
Hiện nay các cơ quan tuyển dụng đặc biệt là cơ quan nhà nước chỉ tuyển nhân sự có bằng khá trở lên. Vì vậy một tấm bằng trung bình, trung bình khá... sẽ khó có cơ hội để ứng tuyển vào các cơ quan, doanh nghiệp. Vì vậy sức ép xếp loại bằng cấp đã dẫn đến nhiều sinh viên phải cố gắng rất nhiều để có được một bảng điểm đẹp, một tấm bằng ít nhất loại khá để hy vọng ra trường có cơ hội xin được việc làm.
Đây cũng là nỗi lo của nhiều bậc cha mẹ sinh viên ở quê. Trong chi phí gửi cho con nhiều người đã cố gắng cộng thêm khoản tiền gọi là “lệ phí mùa thi”. Vì sợ nếu không có con không ra được trường, kéo dài thời gian học còn tốn kém hơn. Họa mà được bằng trung bình thì coi như bốn năm đại học về con số “0”.
Thực tế vẫn còn có nhiều thầy/cô không bao giờ nhận tiền của sinh viên. Họ luôn được sinh viên kính trọng vì tình thương học trò. Họ sống rất lặng lẽ bên cạnh những người thầy mà trước mặt, sinh viên gọi bằng thầy để rồi sau lưng gọi bằng thằng, lão, con mụ, bà già...
Điều này cả thầy và trò đều không mong muốn. Nhưng để thay đổi thì... biết đến bao giờ?
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/noi-buon-nay-khong-chi-rieng-ai-35452.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.