![]() |
Ảnh minh họa |
Ông Nikos Voutsis, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hy Lạp tuyên bố, Hy Lạp sẽ không thể trả nợ, đơn giản bởi lý do không có tiền. Đồng thời ông cũng cáo buộc rằng EU và IMF đã ép Hy Lạp phải thực hiện những điều khoản không thể chấp nhận được trong các cuộc đàm phán gần đây, nhằm giải ngân khoản tiền cứu trợ trị giá 7,2 tỷ Euro vốn vẫn đang đóng băng kể từ năm ngoái.
Cảnh báo này của ông Voutsis được đưa ra chỉ 2 tuần sau khi Tổng thống Alexis có những tuyên bố tương tự với bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc IMF. Trong một thông báo chính thức từ nội các của mình, ông Alexis tuyên bố họ sẽ không thể đáp ứng được khoản nợ 750 triệu Euro đáo hạn trong tháng 5/2015.
Mặc dù khoản nợ này cuối cùng cũng được trả đủ, nhưng lại thông qua việc sử dụng tài khoản khẩn cấp của nước này tại IMF. Có nghĩa là, Hy Lạp đã vay tiền của chính IMF để trả cho Quỹ này.
Việc dự đoán chính xác thời điểm cạn kiệt ngân quỹ của Athens đã trở thành một nhiệm vụ đau đầu đối với các quan chức của Eurozone, những người đã chuẩn bị tinh thần cho việc phá sản của Hy Lạp kể từ tháng 3. Với những cảnh báo vỡ nợ liên tiếp được đưa ra từ Hy Lạp, một số quan chức Eurozone đã bắt đầu tỏ ra bàng quan, cho rằng Athens đơn thuẩn chỉ đang sử dụng chúng như là một chiến thuật trên bàn đàm phán.
Tuy nhiên, một quan chức lâu năm của Hy Lạp, người nắm rất rõ về ngân sách chính phủ, đã xác nhận rằng Athens sẽ không thể đáp ứng 4 khoản trả góp trị giá hơn 300 triệu USD đáo hạn từ mùng 5 đến 19/6/2015 cho IMF, nếu như không có sự hỗ trợ về tài chính từ bên ngoài.
Athens đang chịu rất nhiều áp lực từ các quốc gia Eurozone khác trong việc chấp thuận các khoản cắt giảm chi tiêu và tái cấu trúc kinh tế. Tuy nhiên, ông Voutsis tuyên bố rằng, Hy Lạp sẽ không chấp nhận bị “tống tiền” từ Eurozone, sau khi tối hậu thư “thanh khoản có điều kiện” - thuật ngữ Hy Lạp sử dụng thay cho “chương trình cứu trợ hoặc phá sản” được đưa ra. Các cuộc đàm phán đã được tăng tốc trong những ngày gần đây sau một cuộc trì hoãn kéo dài 4 tháng.
Mặc dù vậy, trong hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra tại Riga cuối tuần vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo rằng, còn rất, rất nhiều việc phải làm khi đề cập đến vấn đề về Hy Lạp.
Chính phủ Hy Lạp cương quyết từ chối việc cắt giảm các khoản chi trả đối với 2,9 triệu người hưởng lương hưu, và hơn 600 000 người lao động trong khu vực công. Họ nói rằng đây là những đối tượng được ưu tiên hàng đầu đối với nguồn lực đang ngày một cạn kiệt của Hy Lạp.
Athens tỏ ra đặc biệt lo lắng với những chính sách cứng rắn từ phía IMF, và ông Alexis đã phải liên tiếp cố gắng thuyết phục Mỹ sử dụng ảnh hưởng của mình trong hội đồng quản trị IMF nhằm xoa dịu những đòi hỏi từ Quỹ này.
Cuộc khủng hoảng kéo dài tại Hy Lạp đã dẫn tới việc cắt giảm hàng loạt các khoản chi tiêu trong khu vực công, từ bệnh viện, trường học, quỹ hưu trí tới các khoản trợ cấp từ EU. Ông Alexis và các trợ lý thậm chí đã phải bay tới Hội nghị thượng đỉnh EU tại Riga bằng máy bay thương mại, do cả 3 chuyên cơ của nước này đã bị ngừng hoạt động từ lâu do thiếu linh kiện thay thế, một trong những hậu quả của cắt giảm ngân sách.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kinh-te-hy-lap-de-doa-vo-no-trong-thang-6-34804.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.