![]() |
Ảnh minh họa |
Chuyện vui. Có hai du khách đến tham quan một thành phố nọ. Khi cả hai đang bách bộ để ngắm cảnh, thì một vị có nhu cầu đi vệ sinh, song chẳng tìm đâu ra một nhà vệ sinh công cộng.
Nhịn một lúc, vị khách không chịu nổi, bèn làm liều tại một gốc cây ven đường. Không may bị phát hiện và bị xử phạt về hành vi làm ảnh hưởng môi trường. Vị khách thứ hai thấy vậy bèn xin nộp phạt gấp đôi để xử lý luôn cái nhu cầu của mình?
Chuyện vui, song cũng nói lên một thực trạng bất cập. Đó là chuyện quản lý và cấm. Thay vì phải xây dựng nhiều nhà vệ sinh công cộng, hay chí ít như việc áp dụng sáng kiến mới đây của Hội doanh nghiệp quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng khi vận động các DN trên địa bàn xã hội hóa nhà vệ sinh tạo điều kiện cho du khách “thoải mái như ở nhà của bạn” như tên gọi của dự án, thì các cơ quan quản lý chỉ biết cấm và phạt?
Tương tự là việc các cơ quan quản lý cấm hình thành các bãi giữ xe ở gần bệnh viện, trung tâm thương mại cũng như cấm đậu đỗ ô tô trên các tuyến đường, trong khi chưa chuẩn bị hoặc xây mới các bãi đậu đỗ xe? Cuối cùng chuyện người dân bị xử phạt thì vẫn nộp phạt, nhưng tình trạng đậu đỗ xe không đúng nơi quy định lại vẫn đâu vào đấy?
Không ít thành phố xuân thu nhị kỳ tổ chức rầm rộ những đợt ra quân dọn dẹp các mẫu quảng cáo, rao vặt dán khắp các đường phố. Song ít ai nghĩ rằng đó là nhu cầu tự nhiên, có cầu ắt có cung.
Để giải quyết cái “cung” này và góp phần hạn chế và dẹp tận gốc nạn dán các mẫu quảng cáo, rao vặt trên, Sở VH-TT&DL TP. Đà Nẵng đã đề xuất với UBND thành phố cho lắp đặt hai tấm bảng lớn ở hai chợ trung tâm, đồng thời quy định cụ thể kích thước của từng mẫu quảng cáo, rao vặt để giúp cho các cá nhân, DN có nhu cầu đến dán miễn phí trên hai tấm bảng trên.
Bên cạnh đó, sở cũng tham mưu cho UBND thành phố ban hành các quy định cấm và xử phạt với những cá nhân, DN dán các mẫu quảng cáo, rao vặt không đúng nơi quy định gây mất mỹ quan đường phố.
Hôm rồi có dịp đưa cô bạn đồng nghiệp ở Hà Nội vào đi xem pháo hoa ở Cuộc thi trình diễn pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2015. Trên đường về, cô bạn lấy làm thích thú khi dùng máy điện thoại quay cảnh dòng người đông đúc nhưng không có cảnh chen lấn xô đẩy mà đi bộ một cách trật tự trên hai vỉa hè cùng lối dành cho người đi bộ.
Cô bạn khen: Người Đà Nẵng ý thức thật, nếu như ở những địa phương khác, thì đã xảy ra tình trạng mất trật tự. Người viết liền lên tiếng. Nếu bạn quan sát kỹ, thì trong dòng người rất ý thức khi xếp hàng dài đi bộ ra về kia, đâu chỉ có mỗi người dân Đà Nẵng. Gần một nửa trong số họ là người từ các địa phương khác kết hợp đi du lịch và xem pháo đấy chứ.
Nghe đến đây, cô bạn đồng nghiệp liền chặc lưỡi. Mà cũng lạ thật, sao cũng những con người đó mà khi đến Đà Nẵng họ lại ý thức nơi công cộng như vậy?
Thường trong cuộc sống, hễ có một hiện tượng tiêu cực, hoặc một hành vi ứng xử không đẹp nơi công cộng của người dân, phần lớn chúng ta đều nặng về việc lên án và phê phán. Song để cho mỗi hiện tượng tiêu cực, hay mỗi hành vi ứng xử không đẹp không còn “đất sống” có khi lại không hoàn toàn phụ thuộc vào chủ thể? Những chuyện kể trên cũng là một minh chứng vậy?
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/quan-va-cam-34294.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.