Trẻ em khát sân chơi

Tôi đã viết không dưới chục bài báo nói về tình trạng thiếu sân chơi trẻ em. Cũng đã gặp nhiều cơ quan chức năng để hỏi về tình trạng này. Thậm chí, có ông trưởng cơ quan hứa sẽ làm sân chơi cho phường, nhưng đã thay đến hai người đứng đầu, mà cái sân chơi đó vẫn chưa thực hiện được.

Ở nhiều khu chung cư cũ được xây dựng cách đây vài chục năm, nay những khu nhà đã xuống cấp, nhưng khoảng sân chơi chung cho trẻ em thì vẫn còn hiện diện khá rộng rãi. Chỉ tiếc rằng những cái sân chơi đó giờ bị người lớn chiếm dụng làm chỗ bán bia hơi, chỗ thui chó, mồi bếp than tổ ong. Một số hộ lấn chiếm làm nơi phơi quần áo, tập kết vật liệu xây dựng.

Tội nghiệp những “búp trên cành” cứ phải hít hà cái không khí ngột ngạt mà người lớn tạo ra. Có em phải chơi quanh những nồi niêu xoong chảo bát đĩa. Rồi vấp phải, ngã tóe máu đầu gối. Một số bô lão ở phường Giảng Võ (quận Đống Đa) đã từng lên tiếng về vài hộ gia đình lấn sân chơi của trẻ, liền bị các đối tượng gây gổ, dọa đánh, rồi ban đêm đổ trộm phế thải vào cửa để “dằn mặt”.

Chính quyền sở tại, không chỉ ở phường Giảng Võ, mà ở nhiều nơi khác cũng vậy. Họ không có biện pháp hữu hiệu để xử lý tình trạng lấn chiếm này. Ứng xử như vậy, hung hãn như thế, chẳng trách các đối tượng ngang nhiên lấn chiếm và thu lợi đến cả chục năm trên không gian công cộng mà không hề hấn gì.

Trẻ em khát sân chơi
Một quán cà phê lấn sân chơi của trẻ

Có thể nói, những quận trung tâm Hà Nội là nơi thiếu sân chơi trẻ em nhất. Thậm chí, có phường đến hơn 17.000 dân mà chỉ có hơn 30 m2 sân chơi. Thiếu sân chơi một phần thể hiện sự nghèo nàn về văn hóa, mặt khác cho thấy chất lượng sống thấp. Con người đâu chỉ cần ăn mặc. Họ cần có không gian để thư giãn. Nhưng chính con người đã tự tước đoạt quyền ấy, nhu cầu ấy của mình.

Hà Nội đang phát triển đến chóng mặt, những khu chung cư cao cấp, khách sạn, nhà hàng… thậm chí khu vui chơi giải trí chất lượng cao, resort mọc lên như nấm. Thế nhưng không phải trẻ em nào cũng được hưởng những dịch vụ với giá "cắt cổ" này. Các cơ sở hoành tráng phục vụ ăn nhậu của người lớn mọc lên lấn át chỗ vui chơi cho trẻ em. Vườn hoa công viên ngày càng co cụm, rúm ró. Còn sân chơi cho trẻ em và người lớn thì èo uột, luôn ở mức thiếu trầm trọng.

Ngay cả ở những khu đô thị mới, trong quy hoạch cũng được bố trí diện tích đất làm sân chơi chung. Nhưng lạ thay, ở nhiều nơi chủ đầu tư cố tình quên luôn. Những khu nhà cao tầng cứ chồng xếp lên nhau lạnh lùng và khô khốc. Mảng xanh và không gian thì thiếu vắng làm sao!

Lo ngại trước thực trạng này, bà Lã Kim Ngân, Viện trưởng Viện Kiến trúc cho rằng: “Sự thiếu vắng và kém chất lượng của các không gian công cộng là một trong các tác nhân gián tiếp khiến trẻ em tìm đến những quán Internet, chơi lang thang trên các đường phố hoặc phải ở trong nhà, thiếu vắng các hoạt động giao lưu cộng đồng. Còn người lớn cũng không có không gian để tập thể dục và nghỉ ngơi. Không có sân chơi, trẻ em cũng lách ra vỉa hè, lòng đường để chơi. Một số đi tắm sông, rồi xảy ra những tai nạn đáng tiếc”.

Thiếu sân chơi, cũng phần nào là nguyên nhân khiến người dân vượt rào vào bể bơi công viên nước để tắm miễn phí. Một hành vi làm xấu hình ảnh người Hà Nội. Một hành vi hài hước đến mếu dở khóc dở. Và một bất cập khác, là dù thiếu sân chơi, nhưng số sân chơi ít ỏi dành cho trẻ lại nhàm chán, không đủ thu hút các em. Rồi vườn hoa công viên trở thành nơi một số hộ dân thả chó, khiến các em nhỏ sợ hãi, không dám đến.

Và lúc này, chúng ta có quyền hỏi một câu: vườn hoa công viên dành cho ai? Nó là của chung, ai cũng có quyền được thụ hưởng. Nhưng ở thời buổi hiện tại, mạnh ai nấy làm. Ai khỏe và chen trước thì người đó được.

Theo ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, các cơ quan chức năng cần rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật cũng như giám sát chặt chẽ việc thực thi. Đó là chuyện của các văn bản, nhưng “cơ động” hơn thế là tấm lòng, là tình người, là sự quý mến đối với lớp thế hệ sau.

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Mùa nghỉ hè đã đến, nhu cầu vui chơi giải trí của các em rất lớn. Thế nhưng, thực trạng này đã trở thành chuyện “biết rồi, năm nào cũng nói”. Ai cũng biết, nhưng những hành động thiết thực thì thiếu. Thật lạ!

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tre-em-khat-san-choi-34221.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.