Sau cú huých từ kỳ nghỉ lễ
14:32 | 11/05/2015
Những bãi biển phủ kín người, những khu du lịch giá phòng niêm yết tăng hàng chục lần vẫn không còn chỗ, những ngả đường tắc nghẽn… là hàng loạt hình ảnh, thông tin được trưng lên mạng xã hội trong những ngày nghỉ vừa qua. Nó cho thấy nhu cầu ăn, chơi tăng đột biến so với các kỳ nghỉ trước. Tuy nhiên, kỳ nghỉ dài cũng khiến nền kinh tế bị xáo trộn rất lớn.
![]() |
Ảnh minh họa |
Trong các báo cáo kinh tế - xã hội nhiều năm nay, những dịp nghỉ dài luôn được viện dẫn là nguyên nhân giảm sản lượng sản xuất. Người ta có thể tính toán được mức giảm đến vài phần trăm, thậm chí hàng chục phần trăm của sản lượng các ngành sản xuất.
Đã có ý kiến phản đối những kỳ nghỉ quá dài, với lý do đất nước còn nghèo. Nhưng xét ở bản chất của nền kinh tế Việt Nam, rất khó để xác định nghỉ lễ hay làm việc có tác động khác nhau thế nào đến tăng trưởng.
Nhìn trên góc độ đóng góp vào GDP, đương nhiên các nhân tố sản xuất và xuất nhập khẩu có sự thay đổi lớn ở giai đoạn kỳ nghỉ kéo dài, với sản xuất đình đốn và xuất nhập khẩu giảm. Nhưng ở một chiều hướng khác, tiêu dùng lại tăng rất mạnh, là nguyên nhân dẫn tới giá cả hàng hóa, dịch vụ thường tăng lên ở giai đoạn nghỉ lễ.
Một mặt, tiêu dùng và tăng giá kích thích sản xuất, khi chủ DN kiếm được các khoản lợi nhuận lớn hơn do chênh lệch giá đầu vào và đầu ra tốt hơn trong kỳ nghỉ lễ, so sánh với thời gian trước đó.
Mặt khác, tác động trở lại với sản xuất và xuất nhập khẩu, ở một mức độ nào đó thì tiêu dùng của thời kỳ này đã được sản xuất và xuất nhập khẩu “chuẩn bị” ở giai đoạn trước, nói cách khác là “chả đi đâu mà thiệt”.
Thực tế, đánh giá tác động của kỳ nghỉ lễ đến nền kinh tế còn một khó khăn nữa là, do đặc thù nền kinh tế không chính thức chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, nhiều hiệu ứng từ tiêu dùng với nền kinh tế khó được ghi nhận đầy đủ.
Những khoản tiền hàng chục triệu đồng thu được khi một anh xe ôm “đột nhiên” dựng rào trông xe tại khu trung tâm vào ngày bắn pháo hoa, hay chị công nhân may tranh thủ ngày nghỉ mở một quán trà chanh dịp Quốc tế Lao động… rất khó thống kê.
Ngay cả khu vực kinh doanh chính thức, khi giá phòng nghỉ được đẩy lên nhiều lần thì thể hiện trên sổ sách kế toán có thể rất khác với thực tế… Trong khi, phần lớn những giá trị “giấu đi” ấy là giá trị tăng thêm của nền kinh tế.
Hãy nhìn vào thực tế, sự gia tăng nhu cầu chi tiêu cho nghỉ ngơi những ngày vừa qua cũng là điều đáng mừng. Nó cho thấy thu nhập của người dân dường như đã được cải thiện hơn và niềm tin vào sự ổn định vĩ mô, vào phục hồi kinh tế đang trở lại mạnh mẽ.
Khi nhà nhà, người người dốc hầu bao vào du lịch, có lẽ họ cũng nhìn thấy nhiều cơ hội kiếm tiền ở phía trước, sẵn sàng chớp thời cơ rót vốn vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh…
Đặt trong bối cảnh sản lượng nhiều lĩnh vực sản xuất vẫn đang dư thừa, xuất khẩu khó khăn thì tiêu dùng phục hồi chắc chắn là một cú huých đáng chú ý của diễn biến kinh tế thời gian này.
Nhưng nó cũng đặt ra những thách thức lớn cho hạ tầng dịch vụ, khi năng lực phục vụ quá tải với nhu cầu thực tế. Khi mà sự hồ hởi của mỗi gia đình lúc rời thành phố đi du lịch được thay bằng tâm trạng chán nản trên đường về thì đó không còn là chuyện của mỗi nhà nữa mà là vấn đề thực sự với tăng trưởng trong tương lai.
Quân Anh