Đúng thời điểm
Thứ trưởng Bộ Thông tin &Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết: Trên cơ sở đánh giá về nhu cầu thị trường, công nghệ, thiết bị và các điều kiện khác, dự kiến Việt Nam sẽ triển khai thông tin di động thế hệ tiếp theo 4G dựa trên công nghệ LTE/LTE-Advanced từ năm 2016 nhằm sử dụng hiệu quả băng tần cao, khả năng dùng chung chia sẻ mạng lõi/truy nhập vô tuyến, tạo môi trường viễn thông ngày càng cạnh tranh và phát triển.
![]() |
Mạng 4G sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới |
Hiện thế giới đang đón nhận sự phát triển nhanh chóng của mạng 4G LTE. Theo số liệu của Hiệp hội các nhà cung cấp thiết bị di động (GSA), tính hết năm 2014, tổng số thuê bao 4G LTE trên toàn cầu đạt 497 triệu, với mức tăng trưởng hàng năm đạt 140%.
Riêng trong 6 tháng cuối năm 2014, số lượng thuê bao 4G LTE đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với thuê bao 3G/WCDMA-HSPA là 20%. Đến hết năm 2014, toàn thế giới có ít nhất khoảng 450 mạng LTE triển khai thương mại so với con số 364 mạng đã chính thức cung cấp dịch vụ tại thời điểm cuối năm 2014.
Với ưu thế vượt bậc về khả năng cung cấp các dịch vụ truy cập tốc độ cao cùng với xu hướng phổ cập các thiết bị đầu cuối, có thể khẳng định, mạng 4G LTE sẽ là xu thế phát triển chủ đạo của viễn thông thế giới trong thời gian tới. Đó là một tiền đề quan trọng cho Việt Nam triển khai 4G.
Trong khi công nghệ 3G tại Việt Nam tuy đã khá phổ biến, song vẫn tồn tại những hạn chế về chất lượng và tốc độ không thể phủ nhận. Nếu như Việt Nam muốn phát triển thương mại điện tử trên nền di động, Chính phủ điện tử trên di động thì bắt buộc phải cần tới tốc độ và sự bảo mật của 4G.
Nắm bắt xu hướng về nhu cầu dịch vụ và phát triển công nghệ thông tin di động, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quy hoạch và cho phép các DN thử nghiệm LTE từ năm 2010 và cho kết quả tốt. Nhiều nhà quản lý và chuyên gia viễn thông cho rằng, mạng 4G sẽ là xu hướng phát triển chủ đạo của viễn thông thế giới trong thời gian tới và năm 2015 là “thời điểm vàng” để Việt Nam triển khai 4G.
Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cho biết, 4G đang có nhiều ưu thế để phát triển và nhất là sự phát triển của thiết bị. Hiện tại có những smartphone trang bị 4G có mức giá tốt từ 100 USD, thậm chí còn thấp hơn, ở tầm mà đa số mọi người chấp nhận được. Thứ hai là khi ở các nước khác trên thế giới và khu vực đã phát triển mạnh mạng 4G, chi phí đầu tư vào mạng 4G sẽ giảm đi nhiều.
Chuẩn bị kế hoạch thương mại hóa 4G tại Việt Nam
Ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng, Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, việc triển khai cấp phép 4G cần theo các nguyên tắc cung cấp dải tần số cần đúng thời điểm, nhu cầu của thị trường và thiết bị đầu cuối đủ lớn. Theo đó, dải tần số 1800 MHz được đưa vào thử nghiệm năm 2015 và triển khai thương mại vào năm 2016.
Còn ông Thiều Phương Nam cho rằng, Việt Nam nên nhanh chóng quy hoạch băng tần 2.300-2.500 MHz để mở đường triển khai mạng 4G. Ông cũng cho biết nhiều nhà mạng đang triển khai băng tần này.
Tuy nhiên, theo Qualcomm, các nhà mạng nên xem xét sử dụng kết hợp cả băng tần 700 Mhz để giải quyết độ phủ. (Băng tần cao 2.300-2.500 MHz có năng lực chuyển tải dữ liệu cao hơn những băng tần thấp, nhưng băng tần thấp, như 700 Mhz có độ phủ rộng hơn).
Từ năm 2011, trước nhiều quan điểm cho rằng Việt Nam nên triển khai 4G trên băng tần 1800MHz thì nhà mạng Viettel đã cho rằng với điều kiện của Việt Nam hiện nay, việc sử dụng băng tần 700 MHz là phù hợp hơn. Theo nhà mạng này, để phủ sóng 4G LTE ở Hà Nội với băng tần 700 MHz thì chỉ cần 70 trạm BTS, nhưng nếu triển khai trên băng tần 2600 MHz phải cần tới 130 trạm BTS.
Mặt khác, truy cập băng rộng trên mạng 4G chủ yếu dựa trên giao thức IP. Trước sự cạn kiệt của địa chỉ trên IPv4, Việt Nam đã sẵn sàng sử dụng IPv6. Ông Nguyễn Trường Thành, Trưởng phòng Kỹ thuật - Tin học Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, IPv6 đã thử nghiệm thành công và sẵn sàng triển khai chính thức mạng băng rộng. Giai đoạn chuyển đổi sang IPv6 sẽ diễn ra trong 3 năm từ năm 2016 đến năm 2019.
Về phía các nhà mạng, cả VNPT và Viettel đều cho thấy họ đã sẵn sàng cho 4G. Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đã lập ra một nhóm nghiên cứu 4G từ năm 2014. Viettel đã triển khai thí điểm trước ở Lào và Campuchia trên dải 1800 MHz và 2600 MHz trong năm 2015. Tuy nhiên, Viettel cho biết họ sẽ cân nhắc việc có triển khai trên diện rộng hay không.
Ông Đỗ Vũ Anh, Trưởng ban Viễn thông Tập đoàn VNPT tiết lộ, trong năm nay (2015) hoặc đầu sang năm, khách hàng Vinaphone có thể sử dụng mạng LTE, nhất là khách hàng đã có thiết bị hỗ trợ LTE.
Việt Nam đang ở vào vị trí cực kỳ thuận lợi để triển khai, vẫn có những yếu tố cần được lưu ý, nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo cho thành công cuối cùng. Nhà mạng cần sớm đưa ra được mô hình kinh doanh phù hợp, nhất là các mô hình kinh doanh mới để khai thác, tận dụng hết sức mạnh và ưu thế của 4G. “Đây sẽ là công nghệ có ảnh hưởng lớn trong việc phát triển tiếp theo của ngành di động. Tuy nhiên, các nhà mạng tại Việt Nam nên lựa chọn triển khai 4G tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… trước khi phát triển đại trà”. Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương |
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/viet-nam-se-thuong-mai-hoa-4g-vao-nam-2016-32891.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.