Tham nhũng kéo Brazil ngập sâu vào khủng hoảng

Bất chấp những khó khăn và thách thức kinh tế mà Brazil đang phải đối mặt, ngày 10/3, Tổng thống nước này Dilma Rousseff đã ra tuyên bố khẳng định một cuộc khủng hoảng sẽ không đủ khiến đất nước Nam Mỹ này “bị tê liệt” và vẫn chưa đến mức rơi vào khủng hoảng như dư luận đồn đoán.
Tham nhũng kéo Brazil  ngập sâu vào khủng hoảng
Người dân phản đối tại trụ sở Petrobras

Nhưng sự thật năm 2015, Brazil đón nhận những tín hiệu kinh tế không mấy khả quan khi Ngân hàng Trung ương Brazil dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2015 sẽ giảm 0,58%, xuống mức thấp kỷ lục trong 20 năm trở lại đây.

Viện Thống kê quốc gia Brazil (IBGE) cho biết trong tháng 2/2015, lạm phát của quốc gia Nam Mỹ này vào khoảng 7,7% – mức cao nhất trong 9 năm qua. Theo IBGE, giá cả các mặt hàng trong tháng trước đã tăng 1,22%, khiến lạm phát nước này vượt mức trần 6,5% mà Chính phủ Brazil đề ra.

Trong khi đó, vụ án tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras đang làm rung chuyển nền chính trị nước này và tác động tiêu cực với nền kinh tế. Cổ phiếu của Petrobras đã giảm 59% kể từ khi bị điều tra tham nhũng hồi cuối tháng 9 năm ngoái.

Theo cáo trạng, 35 doanh nhân, trong đó có cả các cựu quan chức Petrobras, bị buộc tội đã đồng lõa thành lập và điều hành một mạng lưới chuyên phục vụ cho hoạt động rửa tiền từ các hợp đồng của Petrobras. Các công ty kỹ thuật và xây dựng hàng đầu của Brazil trong đường dây được luân phiên nhận các hợp đồng của Petrobras và cắt hoa hồng lại cho các chính trị gia.

Ngoài ra, các dự án hạ tầng của Brazil đang đối mặt với nguy cơ bị đình trệ vì những công ty xây dựng bị nêu tên trong cáo trạng, đều là những công ty hàng đầu của Brazil, có thể bị cấm tham gia các cuộc đấu thầu hợp đồng của chính phủ.

Vụ tham nhũng tại Petrobras bị phanh phui từ tháng 3/2014 sau khi cựu Giám đốc bộ phận cung ứng của Tập đoàn Paulo Roberto Costa, khai báo đã nhận tiền hối lộ từ mạng lưới rửa tiền quy mô lớn do những doanh nghiệp xây dựng và kỹ thuật hàng đầu của Brazil là đối tác của Petrobras cấu hối lộ các quan chức của Petros và các nhà chính trị của đảng lao động.

Cảnh sát ước tính mạng lưới này đã hợp pháp hóa tổng cộng khoảng 4 tỷ USD "tiền bẩn" và là một trong những đường dây tham nhũng hối lộ lớn nhất Brazil. Đến nay, 34 nghị sỹ của lưỡng viện trong Quốc hội bị tình nghi dính líu tới vụ tham nhũng quy mô lớn tại Petrobras, có 3 cựu giám đốc tại Petrobras, đã bị xét xử và 14 người đang bị giam giữ chờ kết án, có thể đối mặt với mức án lên tới 20 năm tù.

Các hợp đồng với khoản phí phụ trội bất hợp pháp chiếm từ 1-6% giá trị của hợp đồng, các công ty rửa tiền thông qua các đối tượng trung gian có nhiệm vụ thành lập các công ty ma chuyên cung cấp các hợp đồng khống. Các khoản tiền này sẽ được các công ty hối lộ cho các chính trị gia dưới nhiều hình thức, trong đó có cả các khoản đóng góp hợp pháp cho các chiến dịch chính trị.

Các đối tượng tham gia đường dây này tham nhũng, rửa tiền và tiếp tay để lập một tổ chức tội phạm hình sự. Cảnh sát hiện đang tìm cách thu hồi gần 400 triệu USD từ các công ty tham gia vào mạng lưới này.

Ông Pedro Barusco, cựu giám đốc điều hành lĩnh vực dịch vụ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Brazil Petrobras cho biết, đảng Lao động cầm quyền đã nhận khoản tiền hối lộ lên tới 200 triệu USD từ các hợp đồng với tập đoàn dầu khí do nhà nước quản lý này.

Phát biểu tại buổi điều trần trước Quốc hội, ông Barusco nhắc lại những lời khai đã đưa ra trong buổi thương lượng về tội danh trước đó. Ông này thừa nhận đã nhận các khoản tiền hoa hồng từ năm 1997 và nhiều khoản tiền lớn bắt đầu từ năm 2004, một năm sau khi đảng Lao động nắm quyền tại Brazil.

Ông Barusco nói rõ ông João Vaccari, thủ quỹ đảng Lao động của Tổng thống Dilma Rousseff, đã nhận từ 150-200 triệu USD từ năm 2003-2014, dựa trên các khoản phần trăm hợp đồng do chính ông nhận được. Ông Barusco cũng cam kết hoàn trả 97 triệu USD vào kho bạc nhà nước như một phần thỏa thuận giảm nhẹ tội danh mà ông này đạt được với các công tố viên.

Về phần mình, đảng Lao động đã phủ nhận việc thủ quỹ của đảng này thảo luận vấn đề tài chính với ông Barusco và cho rằng đảng này chỉ nhận các khoản tiền ủng hộ hợp pháp. Đảng Lao động cầm quyền cho biết, ông Barusco không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào chứng tỏ ông Vaccari đã nhận hối lộ. Đảng này cho biết sẽ tiến hành kiện ông Barusco.

Ông Barusco cho biết, không biết ai thực sự điều hành mạng lưới tham nhũng này và theo hiểu biết của ông, cựu Tổng giám đốc Maria das Gracas Foster, người đã từ chức cùng với một số quan chức cấp cao tại Tập đoàn Petrobras hồi tháng trước, không có liên quan tới vụ bê bối này.

Ngoài ra, các công tố viên còn tập trung vào lời khai của Alberto Youssef, một trùm rửa tiền trên thị trường tự do đồng thời là một trong số những đối tượng bị buộc tội. Đối tượng này thừa nhận đã "rửa" hàng trăm triệu USD cho đường dây trên. Thậm chí, Youssef còn cáo buộc Tổng thống đương nhiệm Dilma Rousseff và cựu Tổng thống Luiz Inacia Lula da Silva biết về sự tồn tại của đường dây này nhưng y không thể cung cấp được bằng chứng đáng tin cậy.

Cách đây hơn 1 tháng, Hội đồng quản trị của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras đã bầu ông Aldemir Bendine thay thế Tổng giám đốc Maria das Gracas Foster, cùng 5 giám đốc điều hành của Petrobras phải từ chức sau bê bối tham nhũng xảy ra tại tập đoàn này.

Theo giới truyền thông, Tổng giám đốc Maria das Gracas Foster đã gặp Tổng thống Dilma Rousseff để thỏa thuận về việc bà sẽ rời vị trí lãnh đạo Petrobras đã nắm giữ từ tháng 2/2012. Bởi trước đó không lâu Tổng thống Dilma Rousseff từng lên tiếng bảo vệ Tổng giám đốc Petrobras, bất chấp việc bà Maria das Gracas Foster 3 lần muốn từ chức, nhưng không được chấp thuận.

Gần 3 tháng trước (18/12/2014), Ủy ban quốc hội điều tra vụ tham nhũng tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras từng bác đề nghị truy cứu trách nhiệm đối với Tổng thống Dilma Rousseff và bà Maria das Gracas Foster. Bà Rousseff, từng là chủ tịch hội đồng quản trị của Petrobras 2003-2010, trong khi đó các cáo buộc tham nhũng đều diễn ra trong thời gian này.

Mặc dù, bà đã phủ nhận mình biết về các chương trình trong suốt những năm qua, nhưng một cuộc thăm dò gần đây cho thấy, ba trong bốn người Brazil tin rằng bà Rousseff chắc chắn có dính líu đến vụ việc.

Ngày 6/3, Thẩm phán liên bang Teori Zavascki, người được Trưởng Công tố Rodrigo Janot chỉ định thụ lý vụ việc trên, đã yêu cầu những người bị tình nghi cung cấp mọi thông tin cần thiết phục vụ quá trình điều tra như tài khoản ngân hàng và các cuộc trao đổi điện thoại.

Trong danh sách những người bị tình nghi dính líu đến vụ việc này có Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros và Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha cùng 12 cựu nghị sĩ và 4 cựu bộ trưởng dưới thời Tổng thống Lula da Silva. Vụ việc trên càng làm gia tăng căng thẳng giữa Chính phủ của Tổng thống Dilma Rousseff và cơ quan lập pháp quốc gia Nam Mỹ này.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tham-nhung-keo-brazil-ngap-sau-vao-khung-hoang-32190.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.