Sự “liên hoàn” văn hóa qua dấu tích lịch sử
Vào những ngày cuối năm 2012, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, chỉ với 500 m2 khai quật tại khu vực phía Bắc Đoan Môn với địa tầng 4,2 m và phía trước thềm điện Kính Thiên (thời Lê Sơ), các nhà khảo cổ đã phát hiện ra nhiều lớp kiến trúc, nhiều vật liệu, di vật trải suốt các triều đại từ Lý, Trần, Lê Sơ và triều Nguyễn.
Đặc biệt, các nhà khoa học đã phát hiện một dấu tích kiến trúc đời Lý bằng gạch lớn chưa từng thấy. Đó là một “đường nước” được lót hoàn toàn bằng gạch vuông dưới nền, gạch bìa ở bên thành. Phần rộng nhất lên tới 2 m, phần cao nhất lên tới 2 m. Song song với đường nước này là dấu tích móng tường bằng sành cũng thuộc thời Lý, rộng tới 1,6 m. Qua khai quật, các nhà khảo cổ cũng phát hiện những lớp văn hóa từng thời kỳ đan xen, chồng xếp lên nhau.
Dấu tích lịch sử mới được phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long
Ngoài dấu tích kiến trúc thời Lý, cũng phát lộ các dấu tích kiến trúc thời Trần, gồm: dải trang trí hoa chanh; hệ thống cống thoát nước gồm hai nhánh chạy dọc theo hướng Bắc – Nam và Đông – Tây, nằm trên đường nước thời Lý và đổ trực tiếp xuống “kiến trúc nước” thời Lý; dấu tích móng trụ. Các kiến trúc đời Lê gồm: Cấu trúc móng của ngự đạo thời Lê có hai rãnh thoát nước ở hai bên, nền gạch vuông và gạch vồ... Các dấu tích kiến trúc không chỉ chồng lên nhau, mà còn thấy rõ hiện tượng các vật liệu thời trước được tái sử dụng trong thời sau.
PGS. TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học chia sẻ: Do các thời vua chúa ở nước ta xây dựng kinh đô một chỗ, nên dấu tích để lại cho thấy những phần xây dựng cũ đã phá hủy thì một phần phế liệu được sử dụng lại cho việc xây dựng thời sau. Đó là hiện tượng chung của thế giới, nhưng ở Hoàng thành Thăng Long thì đậm đặc hơn, thấy rõ hơn và “hiếm thấy” hơn…
Nhiều chuyên gia khảo cổ học đã không giấu nổi sự vui mừng vì cho rằng, kiến trúc này giúp chúng ta có thêm bằng chứng cho thấy đã có sự tồn tại một diễn biến văn hóa liên tục, gồm các lớp văn hóa từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn đan xen, chồng xếp lên nhau tồn tại qua nghìn năm lịch sử tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long..
Bảo tồn, nghiên cứu và “cấp tốc” giới thiệu đến công chúng
Với các dấu tích lịch sử “quý hiếm” vừa được phát lộ, các nhà khoa học đang đặt ra các giả thuyết khác nhau. Những dấu tích kiến trúc này hết sức quan trọng. Bên cạnh việc giải đáp một số vấn đề lịch sử, còn rất nhiều vấn đề khoa học liên quan cần được giải đáp. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học và nhà quản lý cho rằng, cần bảo tồn cấp thiết để tránh sự xâm hại của tự nhiên bằng cách làm mái che; đồng thời kiến nghị được tiếp tục mở rộng đào thăm dò, thám sát để làm rõ hơn giá trị những công trình đã phát hiện.
GS. sử học Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Lịch sử Việt Nam nhận xét: “Trong lần khai quật vừa qua ở khu Hoàng thành Thăng Long, chúng ta không chỉ phát hiện ra diễn biến văn hóa từ thời Lý - Trần, mà cái quan trọng là chúng ta đã tìm thấy những dấu tích kiến trúc rất có giá trị của thời bấy giờ. Tại đây có cả một đường nước mà bây giờ đang tranh luận đó là cái gì, là cái cống thoát nước, cống dẫn nước hay là bể nước… thậm chí là cống ngầm. Tôi tạm gọi là một kiến trúc nước chưa từng thấy, bề ngang là 2 m, chiều cao nhất đến giờ ta còn đo được cũng tới 4m. Như vậy rõ ràng đây là một kiến trúc nước rất lớn. Còn công năng của di tích là gì, ý nghĩa như thế nào đối với các triều đại của Việt Nam, chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu để làm rõ!”.
GS. Phan Huy Lê cũng nhấn mạnh, để “hiểu và biết” được những giá trị, ý nghĩa văn hóa – lịch sử của dấu tích kiến trúc mới phát hiện được ở Hoàng thành Thăng Long, ngoài việc cần phải mở rộng khai quật để có thể hoàn chỉnh diện mạo khu vực Tử Cấm Thành, với các kiến trúc, đặc biệt là điện Kính Thiên, Đoan Môn qua các thời kỳ lịch sử… các nhà quản lý và giới khoa học sẽ sớm có phương án xử lý phù hợp để có thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia về khảo cổ học và lịch sử cũng có cùng quan điểm, đó là tất cả những dấu tích kiến trúc lịch sử mới phát hiện được, cần phải được bảo tồn nguyên trạng. Song song đó, chúng ta cần tiếp tục khai quật quy mô nhỏ có tính chất bổ sung.
Và đặc biệt, những phát hiện mới này không thể giới hạn trong các nhà khoa học, mà phải mở rộng đến cho công chúng, trước hết là người dân Hà Nội, tiếp đó là người dân trong nước và khách quốc tế. Bởi điều này cũng phù hợp với cam kết về bảo tồn, phát huy giá trị di sản khi Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới, đó là di sản phải thuộc về cộng đồng.
Bài và ảnh Quỳnh Hoa
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/hoang-thanh-thang-long-dan-xen-nhung-mach-ngam-van-hoa-22915.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.