Sáng 11/4: Giá vàng thế giới tiếp tục được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản vững chắc
08:52 | 11/04/2025
Tính đến 8h30 sáng nay, giá vàng thế giới giao ngay tăng 35,585 USD lên 3.210,95 USD/oz. Vàng tương lai giao dịch gần nhất ở mức 3.229,8 USD/oz, tăng 52,24 USD so với đầu phiên.
"Vàng đã lấy lại sức hấp dẫn như một nơi trú ẩn an toàn và đang trên đà đạt mức cao kỷ lục mới", chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Nikos Tzabouras của Tradu.com cho biết, tuy nhiên cảnh báo rằng đầu tư vàng có thể gặp rủi ro trong thời gian tới nếu các đối tác thương mại đạt được thỏa thuận.
Bên cạnh đó, trở ngại có thể phát sinh từ việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), qua đó củng cố sức mạnh của đồng USD và gây áp lực lên vàng.
Dữ liệu công bố hôm thứ Năm cho thấy giá tiêu dùng tại Mỹ bất ngờ giảm vào tháng 3, nhưng rủi ro lạm phát đang có xu hướng tăng sau khi Tổng thống Donald Trump tăng thuế đối với Trung Quốc.
Dựa trên dữ liệu, các nhà giao dịch đặt cược rằng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng 6 và có thể sẽ giảm lãi suất chính sách xuống 1 điểm phần trăm vào cuối năm.
"Các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục bổ sung vàng vào dự trữ ngoại hối", Giám đốc điều hành Alex Ebkarian của Allegiance Gold cho biết và nhấn mạnh rằng, vàng sẽ có thêm nhiều động lực nếu dòng tiền chảy vào các quỹ hoán đổi danh mục ETF và nhiều rủi ro hơn về chính sách tiền tệ.
Báo cáo mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy dòng tiền chảy vào các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) vàng trên toàn cầu đạt mức kỷ lục trong quý I/2025, phản ánh xu hướng đầu tư mạnh mẽ trên khắp các khu vực.
Theo WGC, tổng cộng 226 tấn vàng, tương đương 21 tỷ USD, đã được bơm vào các ETF vàng trong quý đầu tiên, đánh dấu mức cao thứ hai theo quý tính theo USD, chỉ sau quý II/2020. Riêng trong tháng 3, các quỹ ETF vàng toàn cầu ghi nhận dòng vốn 92 tấn, trị giá 8,6 tỷ USD. Dòng tiền này phân bổ rộng khắp các khu vực chính, với Bắc Mỹ dẫn đầu khi chiếm 61% tổng số, theo sau là châu Âu với 22% và châu Á với 16%.
Dù giá vàng tăng mạnh khiến một số ý kiến lo ngại về tính bền vững, WGC khẳng định thị trường vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản vững chắc.
“Mức độ và tốc độ tăng giá vàng hiện nay có thể gợi nhớ đến các đỉnh trước đây, nhưng các điều kiện kinh tế vĩ mô hiện tại rất khác biệt so với những giai đoạn đó”, các nhà phân tích nhận định.
Theo các nhà phân tích: “Việc chủ động nắm giữ vàng và tâm lý miễn cưỡng bán ra, trong bối cảnh bất ổn chính sách đang ở mức cực đoan, tạo ra động lực mạnh mẽ cho vàng. So với các đợt tăng giá đỉnh điểm năm 2011 và 2020, các yếu tố cơ bản hiện nay có vẻ vững chắc hơn. Xét theo chu kỳ lịch sử, đợt tăng giá này chưa phải là quá lớn hay kéo dài”.
Lê Minh